13/07/2023

Lòng tự thấu cảm: Làm thế nào để kết nối với chính mình

Ý nghĩa và cách bồi đắp lòng thấu cảm – nhận ra nhu cầu, yêu thương và chăm sóc bản thân mình – như cách bạn đối xử với người khác.

Rate this post

Ý chính trong bài:

  • Lòng tự thấu cảm là khả năng kết nối với bản thân một cách yêu thương và tôn trọng.
  • Chìa khoá của việc nuôi dưỡng lòng tự thấu cảm là chấp nhận và quan tâm tất cả các cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của bản thân.
  • Rèn luyện lòng tự thấu cảm là một quá trình lâu dài, bắt đầu bằng việc yêu thương và đối xử với bản thân tử tế như với người bạn thân.

Hôm nay bạn cảm thấy thế nào? Bây giờ bạn đang có những cảm xúc gì? Bạn có cần gì không? Bạn đang khao khát điều gì? Lòng tự thấu cảm (self-empathy) là bài thể dục nuôi dưỡng sự an lạc và sức khỏe tâm lý mà chúng ta vẫn thường bỏ qua. Ngoài ra, nhìn sâu vào nội tâm là bước đầu tiên để có thể thấu cảm với người xung quanh. Nó là điểm khởi đầu của bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào, không chỉ với chính mình mà còn với người khác.

Khả năng thấu hiểu người khác, đặt mình vào vị trí của họ và hành động phù hợp rất quan trọng. Để trở nên thấu cảm, cách tốt nhất thực ra chính là ý thức về cảm xúc của chính mình. Những người thấu cảm có khả năng nhận ra nhu cầu và cảm xúc của chính họ, và đạt được hạnh phúc thực sự khi họ tự phản hồi được những nhu cầu và cảm xúc đó.

Nguồn: Freepik

Lòng tự thấu cảm là gì?

Lòng tự thấu cảm là khả năng kết nối với bản thân một cách yêu thương và tôn trọng. Mặc dù bạn đã quen với việc trò chuyện với chính mình và kết nối với cái tôi bên trong, nhưng bạn có thể không luôn làm điều đó đúng cách. Con người có xu hướng tự tiêu cực với chính mình.

Bạn có thể chỉ trích và làm mệt bản thân bằng những đoạn đối thoại nội tâm mang lại nhiều hỗn loạn hơn là sự bình tĩnh. Việc thiếu lòng thấu cảm đối với bản thân thường dẫn đến stress và lo âu. Kết quả là bạn trở thành người quan tâm đến người khác nhiều hơn là quan tâm đến chính mình.

Mặc dù Daniel Goleman không viết về khái niệm lòng tự thấu cảm trong quyển sách ‘Trí tuệ cảm xúc’, nhưng ông có viết về khái niệm “tự nhận thức cảm xúc”. Khái niệm này có nghĩa là quan sát các trạng thái nội tâm, sở thích, trực giác, nhu cầu và cảm xúc của bạn khi nó diễn ra. 

Nguồn: Freepik

Chìa khóa phát triển sự tự thấu cảm

Godfrey T. Barrett-Leonard là một giáo sư tâm lý học tại Đại học Murdoch (Úc). Trong một nghiên cứu về lòng tự thấu cảm, ông giải thích rằng nhiệm vụ của mỗi tâm lý gia trong suốt quá trình trị liệu là hỗ trợ thân chủ xây dựng khả năng cơ bản nhưng cần thiết này.

Nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng mình bỏ bê cảm xúc của bản thân trong phần lớn cuộc đời. Chúng ta có thể quá tập trung vào thế giới xung quanh mà quên đi cách kết nối với cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, nuôi dưỡng lòng tự thấu cảm luôn luôn nên là sự ưu tiên hàng đầu.

Dưới đây là cách đạt được điều đó.

Quan sát không phát xét và chăm sóc bản thân

Lòng tự thấu cảm đòi hỏi bạn chú ý và nhận ra bạn đang ở đâu. Bạn cần nhận ra rằng trong bản thân bạn có những phần đang chịu đựng, buồn bã, hay cảm thấy hào hứng và hy vọng. Nói cách khác, bạn có thể quan sát bản thân một cách khách quan, không phán xét hay chỉ trích những cảm xúc của chính mình.

Nếu bạn đã quen việc đặt bản thân sau những người khác, hãy dừng lại. Hãy chăm sóc chính mình, với sự bao dung và trực tiếp hơn. Những thay đổi này và cảm nhận về khả năng tạo ra sự thay đổi sẽ dần giúp bạn tăng những cảm nhận về sự an lạc bên trong mình.

Bạn là người bạn thân nhất của chính mình

Nếu bạn không trò chuyện với bản thân một cách tôn trọng, vậy ai sẽ làm điều này? Nếu bạn không thể giao tiếp với bản thân một cách yêu thương, làm sao bạn có thể trông chờ người khác làm điều đó? Lòng tự thấu cảm đòi hỏi bạn trò chuyện với chính mình như thể như thể bạn là người bạn tốt nhất của chính bạn.

Tự nhận thức cảm xúc được nuôi dưỡng bởi sự thấu hiểu và khả năng lắng nghe, ôm ấp con người thật của chính mình. Bạn “nhìn thấy” chính mình một cách chân thật, và không nên xấu hổ dù bạn là ai.

Tha thứ cho bản thân ở hôm nay, ngày mai và mãi mãi

Lòng tự thấu cảm chỉ thật sự có ý nghĩa và hữu ích khi nó không song hành với sự từ chối hay chỉ trích bản thân. Ví dụ, bạn có luôn bực bội với bản thân khi lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự nhau? Bạn có cảm thấy mình đánh mất những cơ hội quan trọng? Bạn có thất vọng vì bản thân không đủ dũng cảm để làm một số việc nhất định?

Những cảm xúc này ngăn cản bạn luyện tập lòng tự thấu cảm với bản thân một cách lành mạnh và bền vững. Vì thế, bạn cần tha thứ cho chính mình. Bạn xứng đáng với điều này. Tha thứ cho chính mình vì những sai lầm của bạn, bởi vì bạn thiếu kinh nghiệm. Tha thứ cho chính mình vì để người khác làm tổn thương bạn, bởi vì bạn không có quả cầu thuỷ tinh để biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Hãy cho bản thân sự tha thứ mà bạn xứng đáng được nhận. Từ đó, bạn có thể được chữa lành và thấu cảm với chính mình như bạn nên làm.

Nguồn: Freepik

Cuộc sống là một thử thách

Tức giận, thịnh nộ, sợ hãi, thất vọng, lo âu, lo lắng,… Cuộc sống sẽ luôn thách thức bạn và luôn đặt bạn vào những thử thách. Khi mọi thứ đi sai hướng, việc bạn trải qua những cảm xúc rối rắm là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn phớt lờ nội tâm của chính mình và né tránh những cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu và những điều bạn đang cần và quan tâm, bạn sẽ cảm thấy bất lực, mất kiểm soát, stress và lo lắng.

Lòng tự thấu cảm bao gồm cả việc chấp nhận tất cả những cảm xúc hỗn loạn mà bạn đôi khi trải qua. Chấp nhận những gì bạn cảm thấy và cho bản thân tình yêu bạn cần là cách lý tưởng để bắt đầu thay đổi. Từ đó, bạn có thể dần chuyển từ sự bấp bênh và hỗn loạn sang cân bằng và bình tĩnh.

Alfred Adler từng nói rằng lòng thấu cảm là khả năng nhìn ngắm từ đôi mắt người khác, lắng nghe bằng đôi tai người khác và cảm nhận bằng trái tim người khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể đạt được những điều này nếu bạn không hiểu bản thân mình trước tiên, lắng nghe chính mình và lấp đầy trái tim mình bằng tình yêu dành cho bản thân.

Tác giả: Tâm lý gia Valeria Sabater
Người dịch: Thạc sĩ Tâm lý Trần Lâm Thuý Vy
Biên tập: Ngọc Trinh
Nguồn tham khảo: Exploring Your Mind


bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *