08/03/2025

Lòng tự trắc ẩn: Giá trị vượt thời gian và không gian

“Bởi vì người ta chấp nhận chính mình nên cả thế giới chấp nhận họ”. – Lão Tử

Rate this post

Ý chính trong bài:

Mặc dù Kristin Neff có công lớn trong việc đưa lòng tự trắc ẩn vào tâm lý học hiện đại, nguồn gốc của khái niệm này bắt nguồn từ các truyền thống phương Đông. Các nhà lãnh đạo tinh thần và triết gia từ những nền văn hóa này đã đề cao lòng tốt với bản thân, sự chấp nhận và sự kết nối trong nhiều thế kỷ qua.

Ví dụ, Rumi, nhà thơ Ba Tư thế kỷ 13, đã viết: “Hãy như một cái cây và để những chiếc lá chết lìa cành”, khuyến khích con người buông bỏ cảm giác tội lỗi và tự chỉ trích Tương tự, ông khuyên nhủ: “Đừng đau buồn. Bất cứ điều gì bạn đánh mất rồi sẽ trở lại dưới một hình thức khác”, khích lệ sự chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống một cách an nhiên – một quan điểm cốt lõi của lòng tự trắc ẩn.

Đức Phật dạy: “Chính con, cũng như bất kỳ ai trong toàn vũ trụ, xứng đáng với tình yêu và lòng trắc ẩn của con”, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hướng lòng trắc ẩn vào bên trong. Lão Tử, trong Đạo Đức Kinh, đã viết: “Bởi vì người ta chấp nhận chính mình nên cả thế giới chấp nhận họ”, khẳng định sự hài hòa đến từ việc chấp nhận bản thân.

Những lời dạy này cho thấy lòng tự trắc ẩn đã có từ lâu trong các nền văn hóa phương Đông, hoà lẫn trong  các thực hành tâm linh và triết học. Nhận thức được nguồn gốc lịch sử của khái niệm này làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về lòng tự trắc ẩn, khẳng định nó là một giá trị nhân văn phổ quát chứ không phải một khái niệm mới mẻ.

Lòng tự trắc ẩn trong các nền văn hóa tập thể và cá nhân

Mặc dù có nguồn gốc triết học từ phương Đông, việc thực hành lòng tự trắc ẩn thường gặp trở ngại trong các nền văn hóa tập thể. Trong các xã hội này – phổ biến ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh – sự hòa hợp gia đình và cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Các cộng đồng này được coi là nền tảng của cấu trúc xã hội, với ít không gian dành cho việc chăm sóc bản thân hoặc lòng tự trắc ẩn.

Ngược lại, các nền văn hóa đề cao cá nhân, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, coi trọng sự tự chủ và hạnh phúc cá nhân. Trong những xã hội này, lòng tự trắc ẩn thường được xem là yếu tố quan trọng để phát triển khả năng phục hồi cảm xúc và hoàn thiện bản thân. Các cá nhân được khuyến khích thiết lập ranh giới cá nhân và ưu tiên chăm sóc bản thân, ngay cả khi điều này đi ngược lại với những áp lực xã hội.

Tại sao phụ nữ khó thực hành lòng tự trắc ẩn?

Mặc dù lòng tự trắc ẩn là một thách thức đối với nhiều người, nhưng phụ nữ, đặc biệt là những người ở trong các nền văn hóa tập thể, phải đối mặt với những rào cản riêng. Trong những xã hội này, nơi mà sự hòa thuận gia đình và cộng đồng được đề cao, phụ nữ thường đảm nhận vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng, đồng thời được kỳ vọng sẽ hy sinh vì người khác. Mặc dù những đóng góp này được coi trọng, nhưng chúng có thể tạo ra áp lực to lớn, khiến phụ nữ không có đủ thời gian hoặc không cho phép bản thân ưu tiên chăm sóc chính mình.

Phụ nữ trong những vai trò này thường được kỳ vọng là phải kiên nhẫn, chịu đựng và vị tha. Giá trị của họ thường được đánh giá dựa trên sự cống hiến cho gia đình và cộng đồng, dẫn đến cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ nếu họ ưu tiên nhu cầu cá nhân. Ví dụ, một người phụ nữ dành thời gian cho bản thân có thể bị xem là ích kỷ, ngay cả khi việc tự chăm sóc giúp cô ấy có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ người khác về lâu dài.

Hơn nữa, phụ nữ trong các nền văn hóa tập thể thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các định kiến giới tính đã ăn sâu. Họ có thể cảm thấy việc yêu cầu giúp đỡ hoặc thừa nhận khó khăn sẽ khiến họ bị đánh giá là yếu đuối, từ đó khó lòng tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc thực hành lòng tự trắc ẩn. Nỗi sợ bị phán xét hoặc cô lập này tạo nên một rào cản đáng kể, khiến lòng tự trắc ẩn không chỉ trở nên khó khăn mà còn bị xem là điều cấm kỵ.

Những thách thức này càng trở nên phức tạp hơn bởi sự bất bình đẳng về cấu trúc, chẳng hạn như việc tiếp cận hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và áp lực xã hội đòi hỏi phụ nữ phải tuân thủ các vai trò truyền thống. Kết hợp lại, những yếu tố này tạo nên một mạng lưới rào cản phức tạp mà phụ nữ phải vượt qua để theo đuổi hạnh phúc của chính mình.

Những trở ngại đối với phụ nữ trong các nền văn hóa tập thể

1. Hy sinh bản thân bị nhầm lẫn là một đức tính:Trong các nền văn hóa tập thể, sự hy sinh bản thân thường được coi là một lý tưởng đạo đức và văn hóa. Phụ nữ được kỳ vọng phải đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân, điều này có thể dẫn đến kiệt quệ về mặt cảm xúc. Đối với nhiều phụ nữ, việc ưu tiên bản thân tạo ra cảm giác tội lỗi hoặc thậm chí là sai trái, khiến họ càng khó thực hành lòng tự trắc ẩn.

2. Áp lực phải duy trì hòa khí: Phụ nữ thường lo lắng rằng việc đề cao nhu cầu cá nhân có thể gây ảnh hưởng đến sự hòa thuận trong gia đình hoặc cộng đồng. Chẳng hạn, việc thiết lập ranh giới hoặc dành thời gian cho bản thân có thể bị xem là đi ngược lại các chuẩn mực văn hóa, dẫn đến sự chỉ trích từ những người xung quanh. Nỗi sợ này khiến nhiều phụ nữ e ngại việc thực hành lòng tự trắc ẩn.

3. Định kiến giới: Các chuẩn mực xã hội thường gán cho phụ nữ những đặc điểm như là người những chăm sóc nhẫn nại và chịu đựng giỏi. Việc thừa nhận khó khăn hoặc nhu cầu cá nhân có thể khiến họ cảm thấy mình thất bại trong việc sống theo những lý tưởng này. Áp lực này có thể ngăn cản phụ nữ thực hành lòng tự trắc ẩn hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết.

Kết nối các giá trị văn hóa với lòng tự trắc ẩn

Mặc dù tồn tại những thách thức nhất định, lòng tự trắc ẩn vẫn có thể dung hòa và thậm chí củng cố các giá trị tập thể nếu được tiếp cận một cách khéo léo. Sau đây là một số gợi ý:

1. Tự chăm sóc vì cộng đồng: Phụ nữ có thể nhìn nhận việc chăm sóc bản thân như một cách để nâng cao năng lực chăm sóc người khác. Bằng cách ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, họ có thể đóng góp hiệu quả hơn cho gia đình và cộng đồng.

2. Khai thác trí tuệ văn hóa: Các triết lý và lời dạy của các nền văn hóa đề cao tính tập thể mang đến những phương thức hữu ích để nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn. Ví dụ, những lời dạy của Rumi về việc buông bỏ cảm giác tội lỗi và chấp nhận những thử thách trong cuộc sống cộng hưởng sâu sắc với các nguyên tắc của lòng tự trắc ẩn. Dựa trên những giá trị văn hóa này có thể giúp lòng tự trắc ẩn trở nên gần gũi và dễ thực hành hơn.

3. Bình thường hóa tính dễ tổn thương: Phụ nữ có thể thể hiện sức mạnh bằng cách dám thừa nhận và chia sẻ về những khó khăn mình trải qua và mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ mà còn làm gương cho những người khác trong cộng đồng, khẳng định thêm giá trị của lòng tự trắc ẩn.

Thực hành lòng tự trắc ẩn trong môi trường tập thể

Để hỗ trợ phụ nữ thực hành lòng tự trắc ẩn, những phương pháp phù hợp với văn hóa sẽ đặc biệt hiệu quả:

Con đường chung đến với sức bật tinh thần

Kết hợp trí tuệ cổ xưa từ các triết lý phương Đông với phương pháp tâm lý hiện đại, lòng tự trắc ẩn có thể được định nghĩa lại như một nguồn sức mạnh nội tại, chứ không phải một thứ gì đó xa xỉ. Đối với các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ trong các nền văn hóa tập thể, lòng tự trắc ẩn không chỉ đơn thuần là chăm sóc bản thân mà còn là công cụ để duy trì khả năng chăm sóc và hỗ trợ gia đình, cộng đồng.

Những phụ nữ nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn được trang bị tốt hơn để đối phó với stress, ngăn ngừa kiệt sức và duy trì sự cân bằng cảm xúc, từ đó họ có thể đóng góp hiệu quả hơn cho cộng đồng. Khi được tiếp cận với sự cẩn trọng về văn hoá, lòng tự trắc ẩn có thể kết nối truyền thống và hiện đại, trao quyền cho phụ nữ đối mặt với những thử thách trong cuộc sống một cách an nhiên và kiên cường, đồng thời vẫn gìn giữ được các giá trị truyền thống đáng trân quý.

Tác giả: Nahid Fattahi
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *