02/03/2025

Mất ngủ: “Kẻ đánh cắp” sự bình yên trong tâm trí bạn

Điều gì xảy ra với não bộ khi bạn thiếu ngủ? Hơn cả sự mệt mỏi thông thường!

Rate this post

Ý chính trong bài:

Theo nghiên cứu từ Đại học East Anglia (UEA), mối liên hệ giữa giấc ngủ kém và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể bắt nguồn từ sự suy giảm chức năng ở các vùng não chịu trách nhiệm ngăn chặn những suy nghĩ không mong muốn.

Các vấn đề về giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự khởi phát và duy trì nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng mối liên hệ chính xác giữa chúng vẫn chưa được làm rõ.

Một nghiên cứu mới, được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS), mang đến một góc nhìn mới về các cơ chế nhận thức và thần kinh liên quan đến mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần.

Những phát hiện này có thể mở đường cho việc phát triển các phương pháp điều trị và chiến lược phòng ngừa mới đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.

Một nghiên cứu mới đây do Tiến sĩ Marcus Harrington, Giảng viên tại Khoa Tâm lý học của Đại học East Anglia (UEA), cùng các nhà khoa học từ nhiều trường đại học khác, đã khám phá ra điều thú vị về giấc ngủ và trí nhớ.    

Bằng công nghệ chụp ảnh não hiện đại, họ phát hiện ra rằng thiếu ngủ làm giảm khả năng kiểm soát trí nhớ. Cụ thể, khi thiếu ngủ, não bộ gặp khó khăn trong việc kích hoạt những vùng não giúp ức chế việc nhớ lại, khiến chúng ta khó kiểm soát được những ký ức xuất hiện trong đầu. Điều thú vị là giấc ngủ REM đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các vùng não này. 

Tiến sĩ Harrington cho biết: “Những ký ức về trải nghiệm tiêu cực có thể ùa về trong tâm trí, thường là do những tác nhân gợi nhớ.”

“Trong khi những ký ức xâm nhập này chỉ là sự phiền toái thoáng qua và không thường xuyên đối với hầu hết mọi người, chúng có thể lặp đi lặp lại, mãnh liệt và gây khó chịu cho những cá nhân mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).”

“Do ký ức đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức cảm xúc của chúng ta về thế giới, nên việc suy giảm khả năng kiểm soát trí nhớ có thể giải thích phần lớn mối liên hệ giữa mất ngủ và rối loạn điều hòa cảm xúc.”

“Hiểu rõ hơn về các cơ chế gây ra những ký ức xâm nhập là yếu tố then chốt để cải thiện sức khỏe tâm thần và giảm gánh nặng của các bệnh tâm lý trên toàn cầu.”

Trong nghiên cứu này, 85 người trưởng thành khỏe mạnh được yêu cầu cố gắng ức chế những ký ức không mong muốn, trong khi hình ảnh não bộ của họ được ghi lại bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Một nửa số người tham gia được ngủ một đêm ngon giấc trong phòng thí nghiệm trước khi thực hiện nhiệm vụ, trong khi nửa còn lại phải thức trắng đêm.

Khi cố gắng kìm nén ký ức, những người đã nghỉ ngơi đầy đủ được xác nhận có vùng vỏ não trước trán bên phải – vùng não kiểm soát suy nghĩ, hành động và cảm xúc – hoạt động tích cực hơn so với nhóm thức trắng đêm.

Với những người này, vùng hồi hải mã – vùng não chịu trách nhiệm phục hồi ký ức lại cho thấy sự suy giảm hoạt động.

Cũng trong số những người tham gia thí nghiệm đã được ngủ trọn đêm, những người có giấc ngủ REM dài hơn có vùng vỏ não trước trán bên phải hoạt động mạnh mẽ hơn khi họ tìm cách ức chế những ký ức không mong muốn. Điều này cho thấy vai trò của giấc ngủ REM trong việc phục hồi các cơ chế kiểm soát của vỏ não trước trán, tăng cường khả năng ngăn chặn những ký ức không mong muốn xâm nhập vào ý thức.

Tiến sĩ Harrington tổng kết: “Tóm lại, những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh vai trò thiết yếu của giấc ngủ trong việc duy trì khả năng kiểm soát cả ký ức và dòng suy nghĩ của chúng ta.”

Tác giả: Kimberley Powles
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Neuroscience News

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *