29/03/2024

“Mình nghĩ bạn cần tham vấn tâm lý…” – Làm sao để mở lời?

Bạn không thể ép buộc ai đó thay đổi, nhưng bạn có thể cho họ biết rằng họ có thể nhận được sự giúp đỡ.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: freepik

Chứng kiến người thân yêu phải đối mặt với những khó khăn về tâm lý có thể là một trải nghiệm đầy sợ hãi và choáng ngợp. Bạn muốn giúp đỡ, muốn tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp, nhưng trong khi một số người cởi mở với trị liệu tâm lý, nhiều người khác lại e ngại hoặc chống đối. Vậy làm sao để khéo léo gợi ý một vấn đề nhạy cảm như vậy? Dưới đây là cách để cởi mở về vấn đề nhạy cảm này một cách chủ động, thấu hiểu, và tôn trọng. 

Lưu ý: Bài viết này dành cho những người tương đối ổn định và không gặp khủng hoảng cấp tính. Nếu bạn lo lắng về an toàn của người thân, hãy gọi 113/115 hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

1. Chọn thời điểm thích hợp

Hãy lựa chọn thời điểm người thân bạn có khả năng cởi mở và lắng nghe. Tránh “bắt chuyện” ngay khi họ vừa thức dậy, sau khi tan làm, hay lúc đang mệt mỏi căng thẳng. Đảm bảo bạn có đủ thời gian và không gian riêng tư để nói chuyện. Bạn cũng có thể chủ động hỏi về thời điểm phù hợp, chẳng hạn như “Mình có điều muốn nói với bạn. Khi nào là lúc thuận tiện cho bạn?”.

2. Tiếp cận cuộc trò chuyện bằng sự quan tâm và lo lắng, không phán xét

Khi đề cập đến chuyện trị liệu tâm lý, hãy bắt đầu bằng việc thể hiện sự quan tâm và mong muốn giúp đỡ của bạn. Đặt câu hỏi và lắng nghe những chia sẻ của người ấy một cách cẩn thận và kiên nhẫn. Hãy chú ý đến những vấn đề cụ thể mà trị liệu có thể giải quyết và nhấn mạnh rằng bạn mong muốn họ được hạnh phúc và khỏe mạnh.

Theo nhà tâm lý Monica Johnson, khi giải thích những lo lắng cụ thể, hãy miêu tả chi tiết những điều bạn quan sát được và lý do bạn nghĩ trị liệu sẽ có ích. Ví dụ, bạn có thể nói: “Mấy tháng gần đây, mình thấy bạn có vẻ buồn [dựa trên hành động X], và mình nghĩ trị liệu có thể giúp ích cho bạn vì [lý do Y].”

Hãy cẩn trọng với giọng điệu và nội dung khi đề cập đến chuyện trị liệu, tránh đổ lỗi hay phán xét. Một cách tiếp cận đầy giận dữ, ví dụ như đổ lỗi cho người khác khiến cuộc sống bạn khó khăn, hay nói rằng họ đáng lẽ phải tự giải quyết vấn đề của mình, sẽ chỉ khiến họ e ngại và phòng thủ.

3. Trong trị liệu cặp Đôi: Tiếp cận theo hướng “Cây gậy và củ cà rốt” (Carrot-and-stick)

Thường thì trong một mối quan hệ, một người sẽ chủ động đề xuất chuyện đi trị liệu cặp đôi và phải thuyết phục người kia. Tiến sĩ David Woodsfellow khuyên rằng nên tiếp cận vấn đề một cách chủ động và khéo léo. Hãy sử dụng câu nói theo ngôi thứ nhất – bắt đầu bằng “Tôi” thay vì theo ngôi thứ hai – bắt đầu bằng “Bạn”, nêu rõ vấn đề và giải thích lợi ích của trị liệu đối với mối quan hệ.

Bằng cách áp dụng phương pháp “cây gậy và củ cà rốt”, bạn có thể vạch ra những gì có thể đạt được và những gì có thể mất đi khi không làm gì để cứu vãn mối quan hệ. “Cà rốt” ở đây tượng trưng cho những điều tích cực mà mối quan hệ sẽ gặt hái nếu cả hai cùng nỗ lực. Nó có thể được diễn đạt như sau: “Như anh biết đấy, em không thích việc anh lớn tiếng với em. Em nghĩ nếu chúng ta thay đổi cách cãi nhau, mình sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn, và yêu thương nhau nhiều hơn.”

Mặt khác, “cây gậy” có thể được diễn đạt như thế này: “Anh có nỗi lo là nếu chuyện này không có gì thay đổi, anh nghĩ mình sẽ cảm thấy chán nản, xa cách, thấy mình bất lực”. Và nếu bạn thật sự nghĩ đến nguy cơ sau đây, hãy cho họ biết: “Đôi khi anh lo lắng điều đó có thể dẫn đến việc chúng ta chia tay”.

“Hãy hiểu rằng đó không phải là một lời đe dọa,” Woodsfellow nói. “Bạn chỉ đang chia sẻ vì muốn người kia hiểu rõ hơn về mình”.

4. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về trị liệu

Đừng chỉ nói, hãy cho họ thấy. Thay vì chỉ thuyết giảng về lợi ích của trị liệu tâm lý, hãy chia sẻ trải nghiệm thực tế của bạn. Những câu chuyện sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn bất cứ lời khuyên sáo rỗng nào.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp bạn thuyết phục người thân về giá trị của trị liệu tâm lý, mà còn hủy bỏ những định kiến tiêu cực thường gắn liền với nó. Thay vì khiến người cần trị liệu cảm thấy “có gì đó sai sai” ở họ, việc bạn chia sẻ trải nghiệm cá nhân cho thấy đây là chuyện bình thường, tự nhiên và nhiều người đã từng trải qua.

5. Hiểu rõ những nỗi lo và hiểu lầm thường gặp về liệu pháp tâm lý

Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Loren Soeiro đưa ra một số lý do phổ biến được đưa ra để từ chối trị liệu tâm lý:

Đừng gạt bỏ những nỗi lo này, chúng hoàn toàn hợp lý. Thay vào đó, bạn có thể cùng người cần trị liệu xác nhận rõ nỗi lo ở họ và tìm cách giải quyết chúng. Hãy tìm hiểu trước để phản hồi của bạn thật sự hiệu quả. Ví dụ: nếu người thân yêu của bạn lo lắng về quyền riêng tư, hãy giải thích rằng tất cả thông tin thân chủ chia sẻ đều được bảo mật tuyệt đối (trừ khi thân chủ hoặc người khác đang gặp nguy hiểm trực tiếp). Nếu người đó không tin rằng các nhà trị liệu thực sự quan tâm, hãy giải thích rằng quá trình trị liệu diễn ra tốt nhất khi nhà trị liệu và thân chủ xây dựng được mối quan hệ tích cực và hiểu nhau theo thời gian.

6. Đề nghị giúp đỡ về hậu cần

Việc tìm kiếm một nhà trị liệu tâm lý phù hợp có thể tốn nhiều thời gian và công sức, đặc biệt đối với những người chưa từng trải qua trước đây. Nhiệm vụ này thậm chí còn nặng nề và khó khăn hơn đối với những người đang phải đối mặt với stress, lo âu hoặc trầm cảm.

Hãy đề nghị giúp đỡ về mặt hậu cần, chẳng hạn như tìm danh sách các nhà trị liệu phù hợp hoặc đưa đón đến những buổi trị liệu. Có thể một số người sẽ cần sự giúp đỡ của bạn, trong khi những người khác lại muốn tự mình thực hiện. Hãy hỗ trợ người thân yêu của bạn theo cách họ mong muốn.

7. Biết dừng đúng lúc

Bạn không thể ép buộc ai đó đi tham vấn tâm lý. Trong lĩnh vực trị liệu tâm lý, nếu người đó không thực sự muốn thay đổi thì liệu trình sẽ ít hiệu quả.

Nếu bạn đã khuyên người thân đi trị liệu và bị gạt đi, hướng đi của mối quan hệ sẽ thay đổi tùy thuộc vào bản chất mối quan hệ và hoàn cảnh. Nếu mối quan hệ quá tổn thương đến mức không thể tiếp tục, và người đó không muốn tìm kiếm sự hỗ trợ, bạn có thể quyết định đặt ranh giới hoặc chấm dứt mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu đó là người sẽ tiếp tục có mặt trong cuộc sống của bạn, bạn cần nhận biết khi nào nên gác lại đề xuất. Bạn đã làm những gì có thể bằng cách cung cấp thông tin và trao đi sự động viên, đồng cảm. Bản thân mỗi người cần tự quyết định về việc chấp nhận sự giúp đỡ hay không.

“Điều quan trọng là bạn phải duy trì mối quan hệ với người đó,” Soeiro nói. “Nếu họ cần giúp đỡ, bạn sẽ là một phần trong mạng lưới hỗ trợ của họ. Bạn sẽ không muốn “ở phía bên kia chiến tuyến” trong khi bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ họ.”

Một người không đồng ý tham gia trị liệu tâm lý trong thời điểm hiện tại không nhất thiết là họ sẽ mãi mãi phản đối nó. Đôi khi, những giai đoạn căng thẳng hoặc chuyển đổi trong cuộc sống sau đó có thể khiến họ thay đổi suy nghĩ và sẵn sàng thử trải nghiệm tham vấn. Mặc dù không có gì đảm bảo, nhưng cơ hội họ cân nhắc trị liệu tâm lý trong tương lai vẫn có thể xảy ra. Việc từng thảo luận về trị liệu tâm lý trong quá khứ có thể chính là điều thúc đẩy họ tìm đến sự giúp đỡ khi thời điểm thích hợp đến. Tâm lý gia Johnson (đã đề cập ở phần 2) gợi ý: “Có thể bạn cần phải rải một chuỗi những manh mối nhỏ và theo dõi xem chúng dẫn bạn đến đâu”. (“You may have to throw a series of breadcrumbs and just see where it takes you.”

Tác giả: Abigail Fagan
Biên dịch: Ôn Bích Ngọc – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *