12/05/2023

Một bài tập chữa lành bằng bức tranh cảm xúc

Đôi lúc, các cảm xúc hòa lẫn và đan xen vào nhau khiến cho chúng ta khó có thể hiểu được và điều này dẫn đến sự đau khổ. Nếu bạn cũng có trải nghiệm này thì dưới đây là một bài tập thú vị mang tính chất chữa lành có thể giúp ích cho bạn.

5/5 - (1 vote)

Được viết và xác minh bởi Tâm lý gia Valeria Sabater.

Ý chính trong bài:

Bạn đang cảm thấy như thế nào? Bạn đang bình tĩnh? Hay bạn đang bị choáng ngợp bởi căng thẳng và lo âu? Có lẽ bạn cũng chưa biết cách để giải thích cảm xúc của mình. Mặc dù việc này nghe có vẻ bất ngờ nhưng phần lớn chúng ta gặp khó khăn trong việc kết nối, nhận diện và bộc lộ cảm xúc. Chúng giống như những cuộn len đầy màu sắc đan xen vào nhau còn chúng ta thì không biết làm cách nào để tháo gỡ. 

Sự thật là mỗi ngày chúng ta đều sống với những nút len thắt chặt mà ta không nhận ra. Chúng là những trạng thái tâm sinh lý khiến chúng ta nghẹt thở và hoàn toàn kiểm soát chúng ta. Sau tất cả, cuộc sống vốn áp lực và chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành. Tuy nhiên, khi ta xem thường những cảm xúc của chính mình thì mảnh đất màu mỡ dành cho các rối loạn tâm lý sẽ ngày càng phát triển. 

Vì những lý do này, chúng ta cần những công cụ đơn giản mà hữu hiệu để bày tỏ cảm xúc. Có một vài kỹ thuật thực hành có thể giúp ta thực hiện điều này. Thực vậy, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực của chính mình để dừng việc phản ứng tự động và dồn nén cảm xúc xuống hàng loạt các tầng lớp trạng thái tâm lý khác. 

“Những cảm xúc khó chịu và các mối quan hệ độc hại được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến các rối loạn tâm lý.” – Daniel Goleman. 

Màu sắc của cảm xúc và nhãn dán của chúng

Cảm xúc không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta thích nghi với những môi trường phức tạp mà còn thúc đẩy con người kết nối, tạo động lực để con người đạt được những mục tiêu và mục đích trong đời. Nhìn chung, cảm xúc của bạn có kết cấu, màu sắc và chúng đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của bạn

Nguồn: images.ctfassets.net

Chỉ khi bạn bắt đầu hiểu rằng mỗi trạng thái cảm xúc đều như một bức tranh đầy màu sắc thì bạn mới có thể học được cách hỗ trợ bản thân tốt hơn trong khía cạnh này. Vì chúng ta không xử lý mọi trải nghiệm, tình huống và hoàn cảnh một cách đơn điệu. Mọi thứ không bao giờ đơn giản là tốt hay xấu. Đau khổ sau chia tay, đương đầu với mất mát, thất nghiệp, hoặc đơn giản là thất vọng không phải lúc nào cũng có nghĩa là đi vào ngõ cụt. 

Thực tế thì, trong những tình huống giống nhau chúng ta có thể trải nghiệm một phổ cảm xúc cực kỳ rộng. Hơn nữa, bạn cần biết cách nhận diện và trên hết là gọi tên từng cảm xúc. 

Đại học California tại Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu cho rằng việc gọi tên cảm xúc giảm đi phản ứng ở hạch hạnh nhân và những vùng khác ở hệ thống limbic kết nối với những trạng thái khó chịu và đau khổ. Hay nói cách khác, gọi tên điều làm chúng ta đau khổ giúp gia tăng khả năng nhận thức về cảm xúc và điều chỉnh tâm trạng. 

“Những trải nghiệm khó khăn có thể vạch ra một sự “pha trộn màu sắc” cảm xúc cực kỳ hỗn loạn bên trong chúng ta. Thật khó để biết được mình cảm thấy như thế nào. Tuy nhiên, gọi tên mỗi cảm xúc giúp chúng ta gia tăng khả năng tự nhận thức và ứng phó với những trạng thái tiêu cực đó.”

Bài tập bức tranh cảm xúc

Dựa trên các kỹ thuật thường được sử dụng trong trị liệu tâm lý (đặc biệt là liệu pháp Gestalt – liệu pháp nhấn mạnh vào việc tập trung vào hiện tại để gia tăng khả năng tự nhận thức và kết nối với cảm xúc), bài tập bức tranh cảm xúc giúp chúng ta có thể quay vào bên trong, cảm nhận sâu sắc cảm xúc của chính mình từ đó quản lý chúng tốt hơn.

Bạn cần gì?

Chỉ cần một quyển sổ kích cỡ tùy ý và một vài cây bút chì màu hoặc sáp màu mà bạn thích là chúng ta có thể bắt đầu.

Bước 1: Chấp nhận đầy đủ các trạng thái cảm xúc

Cảm xúc không phải là một mối đe dọa kể cả khi nó là sự khó chịu hay đau đớn. Do đó, bước đầu tiên của bài tập bức tranh cảm xúc là chấp nhận, dành khoảng không và hiện diện với từng cảm xúc bên trong của chính bạn. Thật vậy, nghệ thuật là con đường tốt nhất để bộc lộ và hiện diện với từng cảm xúc của bản thân.

Bây giờ, hãy vẽ trên tờ giấy trắng những màu sắc phù hợp với những cảm giác, cảm xúc và cảm nhận của bạn. Bạn không cần phải vẽ điều gì cụ thể, hãy cứ để bản thân mình tự do. Điều quan trọng nhất là tạo nên một phổ màu sắc và sử dụng kỹ thuật này như một công cụ để đi qua dòng chảy cảm xúc của chính mình. 

Bước 2: Khám phá tạo tác của mình

Khi quá trình thể hiện cảm xúc thông qua màu sắc của bạn kết thúc thì đến lúc bạn quan sát những gì mình đã làm. Tuy nhiên, hãy chắc rằng bạn chú ý đến những tông màu rực rỡ trên tờ giấy và bức tranh một cách không phán xét. Sau tất cả thì đây không phải là một tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Đúng vậy, mục tiêu là trình bày những cảm xúc hỗn loạn bên trong bạn lên một tờ giấy. Bạn cần quan sát bức tranh một cách tỉ mỉ và thấu đáo. Bước thứ hai này cần sự bình tĩnh, an yên và kỹ năng quan sát. 

Kỹ thuật bức tranh cảm xúc giúp bạn gỡ rối những cảm xúc đan xen thông qua bài tập bộc lộ mang tính nghệ thuật.”

Nguồn: integrisok

Bước 3: Gọi tên từng cảm xúc

Màu đỏ đại diện cho cảm xúc gì trong bức tranh của bạn? Màu đen đại diện cho cảm xúc gì? Xanh lá cây thì sao? Bạn cần đặt tên cho từng cảm xúc mà bức tranh của bạn truyền tải. Bài tập bức tranh cảm xúc đòi hỏi bạn vận dụng việc dán nhãn cảm xúc. Nhìn chung, bằng tâm an tĩnh và tự vấn, bạn sẽ nhận ra tất cả hiện lên trong tạo tác của bạn.

Có nỗi buồn nào ở đó không? Có sự thất vọng nào không? Bạn có cảm nhận được sự tức giận, phẫn nộ hay sợ hãi không? Hãy cứ viết ra tất cả.

Bước 4: Những màu sắc yêu thích của bạn: những sự thay đổi mà bạn cần

Đâu là màu sắc yêu thích của bạn? Hãy chuẩn bị thêm một trang giấy trắng mới và để bản thân được cuốn theo những âm sắc khi bạn thư giãn và vẽ. Vẽ hay phác họa bất kì điều gì bạn muốn và hình dung xem bạn cần làm gì để cảm thấy ổn hơn. Bạn đã kết nối được với những cảm xúc khó chịu của mình, và bây giờ bạn cần phải suy nghĩ xem nên làm gì với chúng.

Có thể bạn sẽ cảm thấy cần làm một điều gì đó hoặc không cảm thấy cần làm gì cả. Cũng có thể, những cảm xúc khó kia sẽ “thúc” bạn phải thay đổi hoặc phải đưa ra một kế hoạch để cảm thấy ổn hơn. Hãy nghĩ về chúng như những màu sắc yêu thích tràn ngập trong ánh mắt của bạn.

Lưu ý sau cùng

Bài tập này được dựa trên ý tưởng từ liệu pháp nghệ thuật hoặc liệu pháp bộc lộ và có thể đem lại hiệu quả ở bất kì thời điểm nào. Đây là một cách để bạn cởi trói cho những nút thắt cảm xúc và kết nối với chúng. Nó có thể giúp bạn giảm stress và cho phép bạn tỉnh thức hơn với những gì đang xảy ra với chính mình, tuy nhiên đây không hẳn luôn là cách có thể giúp bạn giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Vì lý do này, nếu bạn nghĩ bạn cần sự giúp đỡ từ một chuyên gia, bạn không nên chần chừ. Dù vậy, việc khám phá cảm xúc thông qua các màu sắc là một nguồn lực mà bạn luôn có thể tận dụng. Vậy thì… bạn đã có sổ và màu sẵn đó chưa?

Nguồn tham khảo: Exploring Your Mind

Biên dịch: Trinh

Biên tập: Thuý Vy

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

5/5 - (1 vote)

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *