18/07/2022

Nhà đồng sáng lập CirCO Coworking Space: Teen rèn luyện sức khỏe tinh thần – trưởng thành bình an, hạnh phúc

Sức khỏe tinh thần là một khái niệm tưởng lạ mà lại quen, chúng ta còn có thể rèn luyện cho tinh thần được vững vàng. Agate mời bạn tìm hiểu qua bài viết này.

Rate this post

Khi nghe đến cụm từ “sức khỏe tinh thần”, chúng ta có thể có cảm giác vừa quen quen vì nghe được từ “sức khỏe”, nhưng vừa thấy lạ lẫm vì “sức khỏe tinh thần” là thế nào nhỉ? Tinh thần đóng vai trò thế nào trong đời sống và những hoạt động học tập, làm việc?

Để cùng bạn trả lời câu hỏi này, Agate gửi đến bạn một bài viết đặc biệt hơn so với những bài quen thuộc trước đây.

Agate đã có một buổi phỏng vấn ngắn cùng anh Hoàng Linh – Phó Chủ Tịch của Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam – Viet Youth Entrepreneurs (VYE), đồng thời là Nhà đồng sáng lập tại CirCO Coworking Space. Là một doanh nhân đã gặt hái thành công cho sự nghiệp, anh Hoàng Linh còn có kinh nghiệm vững vàng trong tổ chức dự án, làm việc cùng các bạn thanh thiếu niên, với dự án tiêu biểu như Hội trại khởi nghiệp VYE Bootcamp. 

Trong không gian một buổi trò chuyện, người biên tập đã cùng anh Hoàng Linh bàn luận về chủ đề chăm sóc tinh thần và chia sẻ về cách thức các bạn trẻ có thể áp dụng để bồi dưỡng tinh thần của chính mình.

Agate hi vọng rằng câu chuyện trải nghiệm và những bài học từ anh Linh có thể phần nào giúp các bạn bước đi trên cuộc hành trình của riêng mình bình an và vững vàng hơn.

“Sức khỏe tinh thần” có phải là một khái niệm mới mẻ không?

Nói đến “sức khỏe tinh thần” mình thấy đây là một cụm từ chưa phổ biến, mặc dù phải công nhận là nó luôn ở đó, nhưng thường thì mọi người không đủ tự tin để đối mặt với nó. Tức là kể cả khi người ta có vấn đề về sức khỏe tinh thần, họ cũng né tránh việc phải gọi tên nó. 

Thật ra sức khỏe tinh thần nghĩ đơn giản thì nó cũng có thể là những cái rất gần gũi, như là trạng thái tinh thần, cảm xúc của chính chúng ta, và nó chi phối đến hầu hết các việc khác trong cuộc sống. 

hình ảnh trích dẫn lời chia sẻ của anh Hoàng Linh - co-founder circo co-working space
Trích dẫn chia sẻ của anh Hoàng Linh về khái niệm sức khỏe tinh thần

Lấy một ví dụ đơn giản, nếu như hôm nào mình giận dữ, cáu gắt thì tâm trạng tiêu cực đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc và những người thân trong gia đình. Ngược lại nếu ngày nào mình có nhiều năng lượng tích cực thì những người xung quanh mình cũng cảm thấy được thoải mái, có động lực để vui vẻ làm việc cùng mình hơn. 

Do vậy theo mình thì việc duy trì một sức khỏe tinh thần tốt khá là quan trọng. Thường thì mình sẽ dành thời gian vận động, thể dục thể thao để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, điều đó cũng tác động qua lại đến sức khỏe tinh thần.

Những hoạt động nào có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần?

Bên cạnh các hoạt động thể dục thể thao, mình cũng đã duy trì thói quen thiền tập được gần 2 năm nay. Thiền giúp cho mình tập trung hơn ở hiện tại, nhìn thấy rõ bản thân mình và mọi thứ xung quanh đang ở trạng thái như thế nào. Mình có thể làm chủ được bản thân và không bị cảm xúc hay những suy nghĩ, suy diễn chi phối quá nhiều. 

Mình cũng luyện tập đọc nhiều sách hơn trong thời gian rảnh và cố gắng làm sao để cuộc sống hài hòa, nhận biết khi nào mình stress để biết dừng công việc lại đúng lúc. Có những người đôi khi stress quá thậm chí dễ quên cả những người xung quanh, không dành đủ thời gian quan tâm tới họ và thậm chí cũng không có đủ thời gian cho cuộc sống cá nhân của mình.

Theo anh, các bạn trẻ tuổi teen có thể gặp những thử thách nào về mặt sức khỏe tinh thần?

Khoảng thời gian cấp 2 và cấp 3 thường là giai đoạn các bạn khám phá, tìm kiếm định hướng cho bản thân. Cảm giác mông lung, thiếu định hướng là không thể tránh khỏi.

Trước đây mình cũng đã từng có một giai đoạn như vậy, diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, khoảng 2-3 năm. Mình nhớ rằng lúc đó mình cảm thấy khá hoang mang, không chắc chắn với nhiều thứ, không rõ mình thật sự muốn gì, phù hợp với điều gì, mình làm điều gì giỏi và có đôi khi cảm thấy khá lạc lõng giữa bạn bè. 

Khoảng thời gian đó mình đã chủ động tìm nhiều cơ hội để thử nhiều thứ. Sau khi tìm thấy điều mình thật sự yêu thích và muốn theo đuổi rồi thì mình đã tập trung làm hết sức mình, học rất chăm chỉ để vào được ngôi trường mình muốn. 

Nghĩ lại thì trải nghiệm đó rất có ý nghĩa với mình, việc thực hiện được “giấc mơ” khi ấy mang lại cho mình một niềm tin chắc chắn về khả năng của bản thân. Việc tin là chỉ cần mình cố gắng hết sức trong khả năng thì kết quả sẽ đền đáp và có thể đạt được những điều mình mong đợi đã tiếp động lực cho mình trong một khoảng thời gian dài sau đó.

Các bạn teen có thể làm thế nào trong giai đoạn tìm kiếm định hướng của bản thân?

Nếu để nói đến lời khuyên cho các bạn trẻ, rút ra từ trải nghiệm trên của mình, chắc đó chính là 2 ý: 1 là xác định rõ mình muốn gì và 2 là sự tập trung và nỗ lực hết sức. 

Việc biết mình muốn gì sẽ giúp cho các bạn có được một động lực rất rõ ràng bên trong mình, các bạn biết mình cần phải làm gì và không làm gì, không mất thời gian xao nhãng cho những điều không có ích với bản thân.

Đặc biệt là nếu xuất phát từ điều các bạn thật sự muốn, thường các bạn sẽ dễ dàng để giữ chính kiến của mình, nhất quán và quyết đoán trong mọi hành động. Đây có lẽ chính là chìa khóa rất quan trọng để các bạn đi đến thành công nhanh chóng. 

Mình nghĩ rằng không phải bạn trẻ nào cũng may mắn tìm được “cái muốn”, “cái thôi thúc” thật sự như vậy. Nếu bạn thật sự tìm thấy được điều ấy, thì bạn đã đi được một bước tiến rất xa so với các bạn đồng trang lứa rồi. 

Nhắc đến việc tìm ra định hướng của bản thân, điều này cũng khiến mình suy nghĩ đến trường hợp ở không ít gia đình, nhiều khi cha mẹ không dừng ở định hướng mà còn áp đặt ngành nghề cho bạn trẻ.

Kết quả là nếu đó không phải là điều bạn trẻ đó muốn làm trong cuộc sống, thì việc bạn ấy có cố gắng đạt được nó hay không thì đến cuối cùng, bạn cũng không có được hạnh phúc.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có những bạn trẻ rất giỏi – “high performer”, khả năng của bạn có thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào cha mẹ mong muốn. Nhưng càng tiếp tục như vậy, bạn sẽ càng lạc lối và hoang mang với tương lai của chính mình. 

Trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn teen, cha mẹ đóng vai trò thế nào?

Mình nghĩ yếu tố quan trọng nhất vẫn là ở cha mẹ. Cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian để quan tâm và suy nghĩ nghiêm túc về sức khỏe tinh thần của các bạn. Đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nếu cứ nghĩ rằng chuyện ẩm ương tuổi dậy thì rồi sẽ tự qua, hoặc thậm chí lờ đi không coi trọng ý kiến quan điểm của bạn trẻ thì dần dần những cảm xúc tiêu cực sẽ không được giải quyết và dồn nén ở đó. 

Cảm xúc tiêu cực không tự nhiên bốc hơi, nếu bố mẹ không quan tâm đến bạn trẻ thì bạn đó sẽ phải tự loay hoay giải quyết trong sự non trẻ về kinh nghiệm của mình. Và nếu không may mắn được định hướng hay cũng không tự vượt qua được, thì nó sẽ dễ chuyển thành những niềm tin cố hữu in sâu trong lòng. Ví dụ như nỗi sợ hãi. Có những nỗi sợ sẽ đi theo đứa trẻ đến mãi về sau và vô thức thể hiện ra khi bạn ấy lớn lên và “chạm” vào những vấn đề liên quan. 

Do vậy một lần nữa, mình rất tin là ở giai đoạn này người lớn nên nghiêm túc dành thời gian với bạn trẻ, nhìn nhận ra được những sự khó khăn về mặt tâm lý cảm xúc mà bạn đang trải qua để hỗ trợ bạn được tốt nhất.

Sức khỏe tinh thần có mối liên hệ với việc thấu hiểu, yêu thương bản thân không?

Với mình thì yêu bản thân là việc xem mình có đang thật sự làm theo cái gì mình muốn, mình được thôi thúc hay không. Bản thân mình thì mình đơn giản là muốn được hạnh phúc. Hàng ngày, mình dành thời gian để xem bản thân mình đang hạnh phúc ở đâu, có việc gì khiến mình không hạnh phúc. Từ đó thì mình rất dễ dàng để biết mình nên làm gì tiếp theo. 

Nói chung với mình thì vui hay buồn là ở góc nhìn, ở cách suy nghĩ trong đầu mình. Nếu mình bớt để cảm xúc dẫn dắt, nhìn mọi thứ đơn giản và chính xác sự việc thì sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. 

Lời kết

Agate xin cảm ơn những lời chia sẻ của anh Hoàng Linh. Như vậy, đối với anh Linh, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần đóng vai trò rất quan trọng, kể cả ở lứa tuổi teen. Việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần ở lứa tuổi này sẽ góp phần cho hành trình trưởng thành , thấu hiểu bản thân thêm hạnh phúc, bình an.

Bạn có đồng tình với anh Linh không? Bạn có cảm nghĩ thế nào sau khi đọc bài chia sẻ này? Agate mời bạn chia sẻ bằng cách để lại bình luận nhé!

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *