29/12/2024
Hạnh phúc bền vững đến từ các mối quan hệ chất lượng. Bài viết này sẽ cùng bạn đánh giá lại và xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa cho năm mới.
Ý chính trong bài:
Kết thúc một năm, nhiều người trong chúng ta thường nhìn lại các mục tiêu cá nhân, thành tựu trong công việc cũng như sức khỏe của bản thân. Thế nhưng, chúng ta lại ít khi nghĩ đến việc đánh giá các mối quan hệ của mình. Có lẽ không cần nói thêm, các mối quan hệ – dù là với gia đình, bạn bè hay người yêu – đều đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên hạnh phúc của mỗi chúng ta.
Khác với công việc, nơi bạn thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp xúc với một số người nhất định, các mối quan hệ cá nhân lại cho bạn nhiều tự do hơn. Bạn có quyền đánh giá, cải thiện hoặc tạo khoảng cách với những người có thể đang vắt kiệt năng lượng của bạn.
Thời điểm cuối năm chính là lúc việc “nhìn lại” các mối quan hệ trở thành một công cụ vô cùng hữu ích. Thực hiện việc này hàng năm sẽ giúp bạn nhìn nhận lại tình cảm của mình, đánh giá chất lượng các mối quan hệ và đưa ra những quyết định sáng suốt về việc nên tập trung năng lượng vào đâu trong tương lai.
Dưới đây là 4 câu hỏi bạn nên tự đặt ra cho bản thân khi đánh giá lại các mối quan hệ của chính mình.
Câu hỏi 1. Mối quan hệ này khiến tôi cảm thấy thế nào?
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí khoa học về Gia đình và Hôn nhân (Journal of Family and Marriage) chỉ ra rằng, những trải nghiệm tích cực trong những mối quan hệ quan trọng – chẳng hạn như vợ/chồng, con cái, gia đình và bạn bè – có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và giúp con người hạnh phúc hơn. Ngược lại, những mối quan hệ thường xuyên mang đến những cảm xúc lẫn lộn hoặc tiêu cực có xu hướng làm giảm mức độ hạnh phúc và thậm chí có thể dẫn đến cảm giác trầm cảm.
Hiểu rõ cảm xúc của bản thân trong một mối quan hệ là chìa khóa để đánh giá xem mối quan hệ đó đang nuôi dưỡng hay làm hao mòn hạnh phúc của bạn. Cảm xúc chính là kim chỉ nam giúp ta nhận biết một mối quan hệ có đang lành mạnh, cân bằng hay tiềm ẩn nguy cơ khiến ta tổn thương. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta hướng tới những mối quan hệ mang lại hạnh phúc và sự phát triển bản thân.
Hãy ngẫm lại những cảm xúc xuất hiện khi bạn ở bên một người nào đó. Bạn cảm thấy hứng khởi, thoải mái và được hỗ trợ; hay bạn cảm thấy lo lắng, thất vọng hoặc kiệt sức? Nếu một mối quan hệ liên tục khiến bạn cảm thấy tiêu cực, có lẽ đã đến lúc bạn nên đánh giá lại vị trí của người đó trong cuộc đời của chính mình.
Câu hỏi 2. Mối quan hệ này có sự nỗ lực và tương hỗ từ hai phía hay không?
Sự cân bằng là nền tảng của những mối quan hệ lành mạnh. Dù cho không phải mọi tương tác đều hoàn toàn ngang bằng nhau, nhưng về tổng thể, cần có sự cho và nhận, tương hỗ lẫn nhau theo thời gian. Nỗ lực từ hai phía trong một mối quan hệ là biểu hiện của sự tôn trọng và cam kết. Việc xem xét lại tính tương hỗ giúp bạn đánh giá mức độ cân bằng của mối quan hệ, đảm bảo rằng cả hai bên đều đang nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ ấy.
Nghiên cứu Whitehall II, diễn ra từ năm 1985 đến năm 2004, đã theo dõi 10.308 công chức Anh. Kết quả cho thấy việc thiếu sự tương hỗ lâu dài trong các mối quan hệ thân thiết, như với vợ/chồng, người thân và bạn bè, đã tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe của họ.
Những người tham gia nghiên cứu, khi trải qua tình trạng thiếu hụt sự hỗ trợ qua lại trong các mối quan hệ, đã cho thấy sự gia tăng tỷ lệ trầm cảm và rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng kéo dài từ việc nhu cầu tình cảm không được đáp ứng và cảm giác bị đối xử bất công. Đáng chú ý, những ảnh hưởng tiêu cực này vẫn rất rõ rệt ngay cả khi đã tính đến các yếu tố như tình trạng sức khỏe ban đầu, sự hỗ trợ xã hội và lối sống.
Kết quả này cho thấy việc vun đắp các mối quan hệ cân bằng, có sự tương hỗ là vô cùng cần thiết để duy trì sức khỏe, không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả thể chất. Nếu bạn luôn là người chủ động lên kế hoạch, giúp đỡ và nhượng bộ người kia, đó có thể là dấu hiệu cho thấy sự mất cân bằng cần được giải quyết. Hãy nhớ rằng, các mối quan hệ chỉ thực sự thăng hoa khi cả hai bên cùng góp sức duy trì sự kết nối.
Câu hỏi 3. Tôi có thể giao tiếp cởi mở và chân thành trong mối quan hệ này không?
Giao tiếp cởi mở là nền tảng của những mối quan hệ ý nghĩa, cho phép bạn thể hiện bản thân một cách chân thực. Ngược lại, những mối quan hệ “vì lợi ích” – được duy trì dựa trên địa vị hay lợi ích cá nhân – thường vắt kiệt năng lượng tinh thần của chúng ta do phải liên tục che giấu cảm xúc và thiếu đi sự tin tưởng thực sự.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí The Journal of Experimental Psychology đã chỉ ra rằng, mọi người thường đánh giá thấp tác động tích cực của sự trung thực và lo sợ thái quá về những phản ứng tiêu cực. Trên thực tế, giao tiếp trung thực thường củng cố các mối quan hệ, khiến chúng trở nên thú vị và gắn kết hơn so với những gì người ta dự đoán.
Nhìn lại cách bạn và đối phương giao tiếp trong mối quan hệ sẽ giúp bạn nhận ra liệu mối quan hệ đó có thực sự mang tính hỗ trợ hay chỉ đang khiến bạn thêm mệt mỏi. Nó giúp bạn nhận ra những khía cạnh nào trong mối quan hệ đang được xây dựng dựa trên sự chân thành, và những khía cạnh nào còn thiếu đi sự thẳng thắn, cởi mở. Trong những mối quan hệ có ý nghĩa, bạn sẽ cảm thấy an toàn để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không sợ bị phán xét.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy phải kìm nén cảm xúc hoặc né tránh những cuộc trò chuyện khó khăn, thì có thể mối quan hệ đó đang thiếu đi sự an toàn về mặt cảm xúc – yếu tố thiết yếu cho sự phát triển và tin tưởng lẫn nhau.
Câu hỏi 4. Ranh giới của tôi có được tôn trọng hay không?
Ranh giới giúp xác định vai trò và những hành vi được chấp nhận trong các mối quan hệ, mang lại sự rõ ràng, từ đó giảm thiểu xung đột và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau. Thiết lập ranh giới không chỉ đơn thuần là đặt ra các giới hạn cá nhân mà còn bao gồm việc chủ động trao đổi, thương lượng những giới hạn này với người khác để phù hợp với nhu cầu phát triển của mối quan hệ.
Hơn nữa, ranh giới đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe cảm xúc và tâm lý, bởi chúng giúp mỗi cá nhân bảo vệ bản sắc và quyền tự chủ của mình trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong gia đình và với người yêu/bạn đời của mình.
Một nghiên cứu năm 2023 về ranh giới tinh thần định nghĩa “ranh giới lỏng lẻo” là lằn ranh mờ nhạt giữa bản thân và người khác, khiến các cá nhân khó tách biệt cảm xúc của mình với những người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến lòng tự trân trọng thấp hơn và sự hỗ trợ xã hội yếu hơn. Ngược lại, “ranh giới vững chắc” bao gồm sự phân biệt rõ ràng, giúp nâng cao lòng tự trân trọng, tăng cường hỗ trợ xã hội và bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Các mối quan hệ lành mạnh luôn bao hàm việc tôn trọng các giới hạn cá nhân của nhau – dù đó là về thời gian, sự sẵn sàng về mặt cảm xúc hay không gian cá nhân. Nếu bạn thấy mình liên tục phải thỏa hiệp về ranh giới của mình hoặc cảm thấy tội lỗi khi phải thiết lập ranh giới với một số người nhất định, bạn cần đánh giá lại động lực của mối quan hệ đó.
Hãy bắt đầu năm mới với những mối quan hệ chất lượng và sâu sắc hơn
Nhìn nhận lại các mối quan hệ không chỉ là để xác định vấn đề – mà còn để đặt ra những mục tiêu cải thiện cho tương lai. Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi mong muốn điều gì từ các mối quan hệ của mình trong năm tới?”
Bạn mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho một số mối quan hệ nhất định hay muốn tạo khoảng cách với những mối quan hệ khác? Việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn làm chủ đời sống cảm xúc của mình, đảm bảo rằng các mối quan hệ sẽ song hành cùng sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của bạn.
Một cách để đạt được điều này là xác định rõ các giá trị cốt lõi của bạn. Hiểu được điều gì thực sự quan trọng với bạn là một phần thiết yếu trong việc đánh giá lại các mối quan hệ. Hãy suy ngẫm xem bạn trân trọng những phẩm chất nào nhất trong các mối quan hệ – như lòng trung thành, sự trung thực, sự cùng nhau phát triển hay sự hỗ trợ lẫn nhau.
Khi bạn đã hiểu rõ điều mình coi trọng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra mối quan hệ nào phù hợp với những giá trị đó và mối quan hệ nào không. Đôi khi, bạn có thể nhận thấy rằng một mối quan hệ không nhất thiết phải được duy trì chỉ vì thói quen hay vì đã tồn tại lâu dài. Điều này gợi ý cho bạn nên chủ động lựa chọn những mối quan hệ cộng hưởng với các giá trị cá nhân của bạn và đóng góp tích cực vào đời sống của bạn.
Các mối quan hệ là những thực thể sống động, luôn vận động và phát triển, và việc thường xuyên nhìn nhận lại cho phép bạn điều chỉnh hướng đi khi cần thiết. Bằng cách đặt ra những câu hỏi đúng đắn, bạn có thể đưa ra những lựa chọn có chủ đích về những người bạn sẽ dành thời gian trong năm tới, đảm bảo rằng các mối quan hệ sẽ nâng tầm cuộc sống thay vì cản trở cuộc sống của chính bạn.
Tác giả: Mark Travers, Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Forbes
Bình luận (0)