24/04/2023

Nhìn Lại Thời Thơ Ấu Có Thể Thay Đổi Cách Bạn Nuôi Dạy Con – Tốt Hơn

Thay vì nỗ lực làm theo hay làm ngược lại các cha mẹ nuôi dạy bạn trong quá khứ, hãy tự nhìn lại cách bạn làm cha mẹ ở thời điểm hiện tại và dần điều chỉnh chính mình để củng cố mối quan hệ giữa bạn và con.

Rate this post

Viết bởi Marie Holmes

Ý chính trong bài:

  • Cách bạn được nuôi dạy sẽ ảnh hưởng đến cách bạn làm cha mẹ trong hiện tại.
  • Ý thức về cách bản thân đang nuôi dạy con ở hiện tại cho bạn cơ hội để thay đổi.
  • Kết nối với các cảm xúc thời thơ ấu có thể giúp bạn nuôi dạy con tốt hơn. 
  • Những sai lầm (nếu có) với con đều có thể sửa chữa.

Có nhiều kiểu gia đình do đó mà cũng có nhiều phong cách làm cha mẹ, và các phong cách này của chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi qua từng ngày, thậm chí là từng khoảnh khắc. 

Tuy nhiên, nhìn chung là hầu hết các phong cách này có thể được xếp vào một trong số các phong cách làm cha mẹ, đã được nhà tâm lý học Diana Baumrind định nghĩa vào những năm 1960.

Cha mẹ độc tài kiểm soát quá mức hành vi của con cái đồng thời lại không đáp ứng nhu cầu của con cái. Mối quan hệ này do cha mẹ định hướng và những mệnh lệnh được biện minh bằng những lời giải thích theo kiểu: “Cha/mẹ nói sao thì là vậy (không được cãi lời-ND)”.

Cha mẹ nuông chiều đáp ứng nhu cầu của con cái bằng cách luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của chúng và hiếm khi áp dụng các quy tắc.

Và kiểu cha mẹ lý tưởng, hay trung hòa hơn (so với 2 kiểu trên-ND), được gọi là cha mẹ thấu hiểu. Những bậc phụ huynh này đáp ứng nhu cầu của con cái nhưng cũng đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và có sự giao tiếp cởi mở, trung thực với con cái của họ.

Vào thập niên 80, Eleanor Maccoby và John Martin đã bổ sung thêm kiểu phong cách làm cha mẹ thứ tư. Cha mẹ thờ ơ không đáp ứng nhu cầu của con cái họ cũng như không kỳ vọng gì từ chúng. Thay vào đó, họ (như thể) không có bất kỳ liên quan gì đến cuộc sống của con cái họ. 

Sử dụng phong cách làm cha mẹ nào là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, tuy nhiên chúng ta chỉ có thể lựa chọn một cách chủ động khi thật sự nhận thức được điều gì đang xảy ra. Nếu không có sự để ý xem mình đang hướng theo phong cách dạy con nào, chúng ta dễ có xu hướng cho rằng chuyện mình đang làm là bình thường, là đương nhiên, hoặc hợp lý, trong khi thực tế có thể ta đang lặp lại một khuôn mẫu nào đó do cha mẹ đặt ra khi ta còn nhỏ.

Sarah Bren, một nhà tâm lý học ở New York, đưa ra nhận định: “Một số bậc phụ huynh vốn không thể nhận thức về cách nuôi dạy con của họ, bởi họ tuân theo các chiến lược nuôi dạy con cái đã được tiếp nhận trong quá trình lớn lên.” Cô ấy mô tả quá trình này là tự động, như kiểu: “Tôi chỉ làm theo những gì tôi biết.”

“Hầu hết các bậc cha mẹ mà tôi biết đều đã từng có những thời điểm mà họ mở lời và cứ như thể là cha/mẹ của họ đang nói chuyện. Điều đó vốn dĩ không tốt hay xấu – nó chỉ là một dấu hiệu cho thấy, giống như mọi cá nhân khác trên hành tinh này, cách bạn được nuôi dạy sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nuôi dạy con mình,” Kristene Geering, giám đốc giáo dục tại Parent Lab.

Xác định phong cách làm cha mẹ là điều cần thiết

Thật ra làm theo cách của cha mẹ trước đây thì không có gì sai. Họ có thể đã là những bậc cha mẹ tuyệt vời! Nhưng nếu bạn không kiểm chứng niềm tin của chính mình và tìm hiểu về cách bạn phản ứng trong những tình huống nhất định, bạn sẽ không có cơ hội điều chỉnh phương pháp nuôi dạy con của mình cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình ở hiện tại.

Còn đối với những ai muốn làm khác đi so với cách làm của cha mẹ mình trước đây, hoàn toàn sẽ có nguy cơ là họ lại đi quá xa theo hướng ngược lại.

“Trong thực tế công việc của mình, ở một thái cực, tôi sẽ làm việc với những bậc cha mẹ có thể cực kỳ khắc nghiệt, chỉ trích, kiểm soát và thờ ơ, ở thái cực ngược lại, tôi sẽ gặp những bậc cha mẹ quá mức nuông chiều, lo sợ và thiếu quyết đoán”, Nanika Coor, một nhà tâm lý học ở Brooklyn chia sẻ.

Mặc dù không phải tất cả các gia đình đều rơi vào trạng thái cực đoan này, nhưng Coor nói rằng cô ấy thấy nhiều bậc cha mẹ “bị xâm chiếm bởi những cảm xúc choáng ngợp không hề liên quan đến những gì đang xảy ra với con họ vào thời điểm đó mà liên quan nhiều hơn đến quá khứ của chính họ”.

Những người nói những điều như: “Tôi không muốn nuôi dạy con cái theo cách mà tôi đã được nuôi dạy trước đây. Tôi muốn là người phá vỡ vòng lặp”, Bren giải thích, đôi khi “đi đến một khía cạnh cực đoan hoàn toàn khác và đó là, ‘Tôi sợ phải nói không, tôi sợ phải kỷ luật, tôi sợ ức chế con tôi theo bất kỳ cách nào vì bản thân tôi khi còn nhỏ cũng cảm thấy bị ức chế.’” Trong trường hợp này, một người có cha mẹ độc đoán có thể cố gắng quá mức để không độc đoán và cuối cùng trở nên quá nuông chiều.

Bren nói, cách để đạt được “điểm lý tưởng” của việc làm cha mẹ thấu hiểu là phải có sự suy xét. Điều này liên quan đến nhận thức và kiểm nghiệm mối quan hệ giữa những gì bạn đang cảm nhận, nói và làm.

Nó cũng liên quan đến việc nhận ra khi nào điều gì đó đang kích động chúng ta và tạm dừng – cho bản thân đủ thời gian suy nghĩ để có thể đưa ra lựa chọn về cách ứng xử thay vì chỉ đơn giản phản ứng lại.

Khi có chuyện gì đó xảy ra và bạn cảm thấy xúc động trào dâng, thay vì hành động hoặc nói một cách bốc đồng, hãy dừng lại và quan sát, “Rồi, giờ tôi đang bị kích động. Có phải vì điều mà con tôi đang làm không? Hay là do điều gì đó mà tôi đang phóng chiếu (một cách vô thức chuyển những cảm xúc vốn có của bản thân sang người khác) vào tình huống?” Bren đề nghị.

Khi chúng ta làm như vậy, cô ấy giải thích, “Chúng ta đang kích hoạt vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Chúng ta không rơi vào trạng thái chiến đấu hay bỏ chạy (fight or fly).” Điều này cho phép chúng ta có “không gian để đưa ra lựa chọn,” cô ấy tiếp tục, đồng thời lưu ý rằng tất cả chúng ta, ngay cả những người không có tuổi thơ đau thương, đều có những điểm nhạy cảm (dễ gây kích động-ND).

Hãy nhìn lại cách bạn được nuôi dạy

Coor nói rằng nếu lắm lúc bạn cảm thấy quá bế tắc với con mình, thì việc nghĩ về cách mà cha mẹ bạn đã phản ứng với những hành vi tương tự của bạn thời thơ ấu có thể sẽ giúp ích cho bạn.

“Đôi khi cha mẹ kích động với con cái của họ bởi vì trong thời thơ ấu, cha mẹ của họ sẽ trừng phạt hoặc không chấp thuận nếu họ làm điều tương tự. Hoặc, họ đang cố gắng hết sức để làm điều ngược lại với những gì đã xảy ra với họ đến mức họ đã đi quá đà” Coor nói.

Nguồn: momlovesbest

Dù bằng cách nào, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội đáp ứng nhu cầu của con bạn vào ngay thời điểm hiện tại.

Việc xem xét lại những trải nghiệm của bạn khi còn nhỏ và cả khi đã làm cha mẹ đều sẽ hữu ích.

Coor nói: “Xung đột giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng là kết quả trực tiếp của việc nuôi dạy con cái, nhưng điều duy nhất bạn có thể thực sự kiểm soát là hành vi của chính mình, vậy nên thay đổi chính bản thân sẽ luôn là điểm khởi đầu lý tưởng nhất.” 

Một số câu hỏi gợi ý từ chuyên gia tâm lý mà bạn có thể tự hỏi mình:

Những câu hỏi này có thể giúp khám phá một số điểm nhạy cảm của bạn. Và nếu bạn thấy những câu hỏi đưa đến nhiều vấn đề khó khăn – điều mà có thể sẽ xảy ra với nhiều người trong chúng ta – hãy tìm cách để bạn có được sự hỗ trợ trong suốt quá trình này.

Geering cho biết: “Một số cha mẹ chọn bắt đầu hành trình khám phá với nhà trị liệu hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác … và một số chọn sự đồng hành của bạn bè hoặc người bạn đời hoặc thậm chí thông qua sách tự lực (sách self-help),” Geering nói.

Mục đích của việc đào bới quá khứ như thế này là để học cách đối mặt với hiện tại, chứ không chỉ đổ lỗi cho cha mẹ mình về mọi lỗi lầm của bản thân.

“Sẽ rất dễ dàng để bắt đầu đổ lỗi cho cha mẹ của chúng ta, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng đại đa số các bậc cha mẹ … đã làm tốt nhất có thể với những gì họ có thể vào thời điểm đó,” Geering nói.

Cô ấy nói thêm: “Bạn có thể không đồng ý với một số (hoặc nhiều) điều mà cha mẹ bạn đã làm, nhưng cũng có thể hữu ích nếu bạn cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ”.

Điều đáng lưu ý là không phải mọi thứ bạn nhớ về quá khứ hoặc khám phá trong hiện tại đều là tiêu cực.

Cha mẹ chúng ta đã làm tốt nhất có thể với tất cả những gì họ có ở thời điểm đó. Còn bây giờ, bạn thử nhớ xem, có phải rất nhiều lúc bạn cũng đã dịu dàng với con một cách vô tư, không hề gượng ép phải không? Những điều bạn đã trải qua với cha mẹ cũng chỉ là một phần của những trải nghiệm đầu đời và những trải nghiệm đó giúp bạn cũng như các bậc cha mẹ nhận ra rằng họ có thể đang làm rất nhiều điều ‘đúng’ (‘đúng’ do không thể khác đi được-ND),” Geering nói.

Hiểu nỗi sợ hãi của bạn.

Traci Baxley, cố vấn dạy con và tác giả của Social Justice Parenting (tạm dịch: Nuôi một đứa trẻ biết công bằng-ND), cho biết động lực thúc đẩy chúng ta thường là nỗi sợ hãi.

Baxley nói với HuffPost: “Thông thường, các phương pháp nuôi dạy con cái có liên quan trực tiếp đến trải nghiệm thời thơ ấu của người lớn và thể hiện thông qua nỗi sợ hãi.”

Cô ấy nói: “Ý định ban đầu có thể là tốt, nhưng kết quả cuối cùng có thể tạo ra những đứa trẻ nội tâm hóa (chuyển những gì xảy ra bên ngoài vào bên trong tâm trí của bản thân) và sống với những căng thẳng cùng lo âu của cha mẹ chúng”

Baxley cho biết, nếu chúng ta có thể nhận ra nỗi sợ hãi của mình trước khi lao vào và phản ứng với nó, thì nó “có thể đóng vai trò như một công cụ để tháo gỡ những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu và phá vỡ các chu kỳ tổn thương xuyên thế hệ”.

“Những bước đầu tiên,” cô ấy giải thích, “là nhận biết và tự suy xét. Hãy nghĩ xem những nỗi sợ hãi đến từ đâu, những lần đầu bạn cảm thấy chúng là khi nào và những ký ức nào được bao bọc trong những nỗi sợ hãi này. Điều quan trọng là không nên phán xét nỗi sợ là đúng hay sai, tốt hay xấu ngay từ đầu.

Baxley gợi ý rằng chúng ta nên tự hỏi: “Đây có phải là nỗi sợ hãi thực tế hay nỗi sợ hãi này bắt nguồn từ thời thơ ấu của tôi và nó có liên quan đến tuổi thơ mà tôi đang xây dựng cho con mình không?” (Bạn có thấy điểm tương đồng với các câu hỏi tự chiêm nghiệm Coor đã gợi ý ở phần trên không-ND)

Tất nhiên, đôi khi nỗi sợ hãi của chúng ta là rất thật.

Baxley cho biết: “Là một bà mẹ Da đen, tôi rất lo sợ phải giữ an toàn cho các con trai Da đen của mình khi chúng ra ngoài xã hội mà không có tôi. Gia đình tôi đã thảo luận thật cởi mở về vấn đề này, về lý do tại sao đây là nỗi sợ hãi đối với tôi và làm thế nào để cả gia đình có thể dũng cảm đối diện và hành động cùng nhau để kiểm soát nó.

Cha mẹ có thể vừa thừa nhận sự bất công, vừa giữ thái độ ấm áp và chu đáo trong các tương tác của chính họ với con cái.

Coor nói: “Những đứa trẻ [da màu] cần biết rằng không phải lúc nào chúng cũng được đối xử công bằng nhưng chúng xứng đáng được đối xử công bằng.”

Hãy khoan dung với chính mình và biết rằng bạn có thể sửa sai.

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tuân theo các tiêu chuẩn nuôi dạy con cái mà chúng ta đặt ra cho chính mình – hoặc những tiêu chuẩn được cho là mẫu mực. Một kích thích nhỏ có thể cuốn phăng lý trí của ta trước khi ta có cơ hội tạm dừng và xem xét nó. Nhưng lỗi lầm vô ý sẽ không thể xóa bỏ bức tranh tổng thể về cách nuôi dạy con cái của chúng ta.

Bren nói: “Tổng thể mới là quan trọng. Không có bất kỳ hành vi đơn lẻ nào chúng ta làm có thể tạo ra hoặc phá vỡ toàn bộ mối quan hệ cha mẹ và con cái”

Đôi khi chúng ta sẽ bị cảm xúc và nỗi sợ hãi lấn át, và chúng ta sẽ hành động theo những cách không phù hợp với các giá trị của mình. Và chúng ta vẫn có thể cùng con mình sửa chữa sai lầm sau đó,” Bren tiếp tục.

Việc sửa sai này củng cố mối quan hệ của chúng ta với con mình, cũng như các mối quan hệ trong tương lai của chúng.

Geering cho biết: “Khả năng sửa chữa mối quan hệ là một kỹ năng quan trọng mà mọi người cần học. Nó là một phần quan trọng của mọi mối quan hệ vì những sửa chữa đó cho phép chúng ta chân thật với người khác và tạo ra các mối quan hệ mật thiết hơn.”

Nguồn: freepik

Nói rõ những gì bạn đã làm là sai (“Cha/mẹ đã mắng con”), đưa ra lời xin lỗi vô điều kiện và hứa sẽ cố gắng làm khác vào lần sau có thể sẽ giúp ích rất nhiều.

Geering nói: “Thành thật với con bạn và thừa nhận khi bạn làm sai có thể củng cố mối quan hệ cha mẹ và con cái đồng thời rút ra được những bài học quý giá.”

Trái tim của trẻ thơ rất dễ tha thứ và chúng sẵn sàng đón nhận tình yêu của chúng ta. Đôi khi chúng ta chỉ cần thoát ra khỏi lối mòn của chính mình, từ bỏ những kỳ vọng không thực tế và cứ làm những điều tốt nhất có thể trong thời điểm đó.

Khi có bất cứ điều gì đánh thức cảm xúc từ thời thơ ấu của chúng ta, chúng ta có thể thử tập cách tạm dừng để nhận ra cảm xúc của mình, sau đó hãy quyết định cách ứng xử một cách có ý thức.

Nguồn tham khảo: Huffpost.com

Biên dịch: Tâm Đan

Biên tập: Ôn Bích Ngọc

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *