28/05/2024

Những kiểu quyết định nào thường khiến chúng ta hối tiếc nhất?

Khám phá 5 loại quyết định thường khiến chúng ta hối tiếc nhất và học cách sử dụng sự hối tiếc đó thể định hướng cho những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: unsplash

Hối tiếc là một loại cảm xúc khó chịu mà chúng ta trải qua khi nhận ra hoặc tin rằng kết quả đã có thể tốt hơn nếu chúng ta lựa chọn khác đi (Connolly & Zeelenberg, 2002). Đằng sau cảm xúc này là niềm tin “Tôi không nên làm như vậy. Tôi nên làm gì đó khác đi.”. Điều này thúc đẩy chúng ta khắc phục hậu quả và làm mọi thứ khác đi trong tương lai.

Dưới đây là những lý do phổ biến khiến chúng ta hối tiếc:

1. Hiệu ứng “xém trúng” (The near-miss effect)

Càng gần với mục tiêu, người ta càng có nhiều sự hối tiếc. Ví dụ, bỏ lỡ chuyến xe bus cách đây 5 phút có vẻ khó chịu hơn so với việc bỏ lỡ chuyến xe cách đây 30 phút. Một ví dụ khác, nhìn chung những người đoạt huy chương đồng thường cảm thấy vui vẻ hơn so với những người đoạt huy chương bạc (Medvec và cộng sự, 1995).

2. Cảm giác trách nhiệm

Khi bạn cảm thấy mình có nhiều quyền kiểm soát kết quả của một sự việc, bạn sẽ càng hối tiếc nhiều hơn nếu kết quả đó không như ý. Đây là những trường hợp mà bạn thấy mình phải chịu trách nhiệm về những gì đã diễn ra và lẽ ra đã có thể làm gì đó để tránh đi hậu quả ấy (Lewis, 2016).

3. Những cơ hội đã qua

Khi nhìn lại cuộc đời, người ta thường nuối tiếc vì những lần đã không hành động nhiều hơn (ví dụ: lẽ ra tôi nên ở lại trường; lẽ ra nên mời cô ấy đi chơi). Cơ hội sinh ra nuối tiếc (Roese & Summerville, 2005). Trong một thế giới mà nguồn tài nguyên có hạn, chọn một điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ những điều khác. Khi đã cam kết với một lựa chọn, những cơ hội còn lại trở nên không còn khả thi, chúng được xem là những cơ hội đã vuột mất. Ví dụ, nhiều sinh viên tiếc nuối vì đã đổi từ đáp án đúng sang đáp án sai hơn là tiếc nuối vì đã chọn đáp án sai ngay từ đầu.

4. Những quyết định có thể thay đổi

Quá nhiều lựa chọn có thể gây rối trí và làm cho việc quyết định trở nên khó khăn hơn. Người mua sắm lại có xu hướng vui hơn khi cửa hàng không có chính sách đổi trả (Gilbert & Ebert, 2002). Các quyết định có thể thay đổi làm cho chúng ta khó bao biện cho những chọn lựa của mình, dẫn đến sự giảm sút về mức độ hài lòng.

5. Cảm giác gắn kết xã hội

Chúng ta cảm thấy tiếc nuối nhiều về những quyết định đe dọa đến cảm giác được thuộc về một cộng đồng của bản thân (ví dụ: các mối quan hệ tình cảm hay gia đình…) so với những quyết định ít mang tính xã hội hơn (ví dụ: công việc, học tập…) (Morrison và cộng sự, 2012).

Sự hối tiếc giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn

Mặc dù nuối tiếc là loại cảm xúc hướng về quá khứ, nhưng các nhà tâm lý học cho rằng cảm xúc này lại có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của chúng ta.

Sự hối tiếc tiềm tàng (Anticipated regret). Trong một số quyết định, con người thường hướng đến việc giảm thiểu sự hối tiếc tiềm tàng (ví dụ: quan hệ tình dục an toàn hoặc tránh uống quá nhiều rượu bia). Sự hối tiếc tiềm tàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc ra quyết định (Koch, 2014). Trong nhiều trường hợp, sự do dự kéo dài, chần chừ trong hành động vốn bắt nguồn từ việc lo ngại sẽ hối tiếc về sau.

Không mắc lỗi ở lần sau. Sau khi đã trải qua sự hối tiếc về một lựa chọn, chúng ta có thể quyết định khác khi gặp lại tình huống tương tự. Các nhà tâm lý học cho rằng khả năng nhận ra những điều đáng tiếc trong cuộc sống phát triển từ sự trưởng thành và đồng thời thúc đẩy sự trưởng thành đó (King & Hicks, 2007). Sự nuối tiếc về những cơ hội đã qua nhắc nhở chúng ta không bỏ lỡ những cơ hội hiện tại. Vì vậy, đâu đó sự nuối tiếc cũng giúp ích, nó khiến chúng ta biết trân trọng và nắm bắt từng cơ hội.

Tác giả: Shahram Heshmat Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *