11/03/2025

Những lợi ích bất ngờ của việc nói chuyện to với chính mình

Bạn có biết rằng tự nói chuyện với bản thân là hoàn toàn bình thường và thậm chí rất tốt cho sức khỏe tinh thần?

Rate this post

Ý chính trong bài:

Mỗi khi Ellie Shoja đi dạo, cô ấy lại đeo tai nghe và bắt đầu nói chuyện – nhưng không có giọng nói nào khác phát ra từ tai nghe cả. Đó chỉ là một cách đơn giản để che giấu việc cô ấy đang mải mê trò chuyện với chính mình.

“Từ khi tôi còn bé, tôi đã có thói quen tự nói chuyện với bản thân,” Shoja, 43 tuổi, sống ở Los Angeles, chia sẻ. “Nếu tôi đang suy nghĩ về điều gì đó, chắc chắn 100% là tôi sẽ nói chuyện với chính mình. Khi đeo tai nghe vào lúc đi dạo, tôi có thể thoải mái vừa đi vừa nói to hơn, thay vì phải thì thầm.”

Khi Shoja thức dậy vào buổi sáng hoặc đến phòng tập thể dục, đoạn độc thoại đó mang chế độ động viên: “Bạn làm được mà. Cố lên nào.” Suốt cả ngày, khi có ý tưởng liên quan đến câu lạc bộ viết lách cô đang tổ chức, cô ấy nói ra thành tiếng như thể đang chia sẻ với nhóm của mình; khi nấu bữa tối, cô ấy nói chuyện luyên thuyên dù có ai khác trong bếp hay không. Cô cho rằng thói quen này đã giúp cô đạt được trạng thái bình tĩnh và tự tin. “Chỉ bằng cách nói ra thành lời, suy nghĩ của bạn sẽ chậm lại,” cô nói. “Khi bạn phải diễn đạt suy nghĩ ra, ngôn từ sẽ giúp bạn hạn chế sự hỗn loạn, bạn trở nên tập trung hơn, và mức độ lo âu cũng như stress thực sự giảm đi đáng kể.”

Shoja không phải là trường hợp cá biệt: Nhiều người có thói quen nói chuyện thành tiếng với chính mình – thường được gọi là “external self-talk” (độc thoại thành tiếng) hay “private speech” (lời tự thoại), khác với với “inner speech” (độc thoại nội tâm), là những đoạn đối thoại thầm diễn ra trong tâm trí. Tuy nhiên, như cách dùng tai nghe của Shoja cho thấy, việc tự nói chuyện với chính mình có thể bị coi là kỳ quặc. Liệu định kiến đó có chính đáng hay không, và các chuyên gia tâm lý nhìn nhận như thế nào về lợi ích của việc tự trò chuyện?

Tại sao người ta nói chuyện thành tiếng với chính mình?

Ba mươi năm trước, khi Thomas Brinthaupt mới lên chức bố, quay cuồng trong những ngày dài và đêm thâu thiếu ngủ, ông bắt đầu tự nói chuyện một mình để giải tỏa. Điều đó đã thôi thúc ông nghiên cứu căn nguyên của hành động này. Một trong những lý do chính ông tìm ra được là sự cô lập xã hội (social isolation): như dự đoán của ông, những người dành nhiều thời gian một mình có xu hướng bầu bạn với bản thân bằng cách chuyện trò một mình. Mẹ của Brinthaupt sống một mình, và sau khi ông vô tình nghe được bà tự nói chuyện một mình, bà nói với ông rằng việc tự nói chuyện giúp bà đi qua từng ngày một cách dễ dàng hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với những người con một: họ nói chuyện với chính mình thường xuyên hơn so với những người có anh chị em, như cách một số trẻ nhỏ có những người bạn tưởng tượng để trò chuyện tâm sự.

Một lý do chính khác khiến người ta tự nói chuyện thành tiếng với mình là để đối phó với “những tình huống mới lạ hoặc stress cao độ, hay khi bạn không chắc chắn phải làm gì, nghĩ gì hay cảm thấy như thế nào,” Brinthaupt, giáo sư danh dự về tâm lý học (Đại học Bang Middle Tennessee), cho biết. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi bạn lo lắng hoặc, ví dụ, có những biểu hiện ám ảnh cưỡng chế, bạn sẽ có nhiều khả năng tự nói chuyện với mình hơn. Những trải nghiệm khó chịu hoặc bối rối khiến người ta muốn giải quyết hoặc hiểu rõ chúng – tự nói chuyện là một công cụ giúp họ làm điều đó.

Yếu tố tuổi tác cũng có liên quan. Trẻ nhỏ thường nói chuyện một mình thành tiếng khi đang học các quy tắc xã hội, dần dần điều đó chuyển thành các độc thoại nội tâm. Người lớn tuổi có xu hướng nói chuyện với chính mình nhiều hơn, Brinthaupt nói. “Có thể là để giúp họ ghi nhớ, hoặc có thể là do khả năng kiểm soát bị giảm sút,” ông nói. “Mẹ tôi thường nói, ‘Mẹ không quan tâm người khác nghĩ gì. Mẹ đang nói chuyện với chính mình.’ Những người còn lại ở độ tuổi trung niên vẫn có sự e ngại đó. Bạn nghĩ rằng mình không nên làm điều đó quá thường xuyên, vì như thế có thể bị xem là không bình thường.”

Liệu những người hay nói chuyện một mình có thông minh hơn? Hay ngược lại? Rất ít nghiên cứu khám phá mối liên hệ này, nhưng trong các nghiên cứu của Brinthaupt, điểm GPA và xu hướng độc thoại không có tương quan mạnh. Ông chỉ ra rằng GPA không phải là thước đo chính xác cho trí thông minh. Ông suy đoán rằng, ở “mức độ cực đoan,” những người có chỉ số IQ thiên tài có thể nói chuyện với chính mình nhiều hơn những người khác. Nhưng nhìn chung, “tôi nghĩ trí thông minh không thực sự liên quan với điều này,” ông nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng sẽ rất thú vị nếu nghiên cứu xem nội dung tự nói chuyện (“Những cuộc trò chuyện của bạn với chính mình là tích cực hay tiêu cực?”) và chức năng (“Tại sao bạn làm điều đó?”) khác nhau như thế nào giữa những người có mức IQ khác nhau.

Đó có phải là một điều tốt?

Nói chuyện thành tiếng với chính mình là hoàn toàn bình thường – và thậm chí còn có lợi. “Nó có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề và cải thiện hiệu suất khi bạn làm việc”, theo Gary Lupyan, giáo sư tâm lý học (Đại học Wisconsin-Madison), người đã nghiên cứu về self-talk (độc thoại). Một trong những nghiên cứu của ông yêu cầu mọi người tìm kiếm các đồ vật khác nhau, chẳng hạn như hình ảnh một chiếc nĩa trong một tập ảnh ngẫu nhiên. Khi những người tham gia nói to tên của vật họ đang tìm, họ có thể tìm thấy nó nhanh hơn nhiều so với khi họ không nói. “Ý tưởng ở đây là: việc nói ra sẽ giúp hình ảnh của vật đó luôn hiện diện rõ ràng trong tâm trí bạn khi bạn đang tìm kiếm,” ông nói. Điều đó có nghĩa là nếu bạn làm mất chìa khóa xe, việc lẩm nhẩm “chìa khóa, chìa khóa, chìa khóa” khi bạn chạy quanh nhà tìm kiếm có thể sẽ hữu ích.

Tự nói chuyện cũng có thể tạo động lực, Lupyan chỉ ra. Trong một nghiên cứu, các cầu thủ bóng rổ đã di chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn khi họ nói to các bước di chuyển của mình theo kiểu khích lệ hoặc hướng dẫn. Nó cũng có thể giúp bạn duy trì sự tập trung, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi nhiều bước khác nhau. “Ngôn ngữ có khả năng xâu chuỗi tốt mọi thứ,” ông nói. “Nó giúp mọi người tập trung vào nhiệm vụ và biết khi nào nên chuyển đổi.”

Trong khi đó, Brinthaupt lại ví tự nói chuyện như một bộ điều nhiệt – một công cụ có thể giúp bạn điều chỉnh mức độ cảm xúc hàng ngày của mình. Tự nói chuyện có thể giúp bạn hướng tới mục tiêu và cung cấp những phản hồi giá trị, ông nói. Bạn có thể tự nói chuyện để tự phê bình bản thân, tự động viên mình, xác định những gì cần làm tiếp theo, hoặc phân tích một nhiệm vụ khó khăn. Ví dụ, bạn nói to để luyện tập những gì cần nói trước khi gặp ai đó lần đầu tiên; hoặc nếu bạn hối hận về những gì đã nói trong cuộc gặp đó, bạn có thể nói to để tự vực dậy tinh thần sau đó, tự nhủ rằng sẽ còn có lần sau.

Nói to cũng có thể là một cách để xả giận. Ví dụ kinh điển là chửi thề thành tiếng, Brinthaupt cho rằng nó giống như một van xả giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Đáng ngạc nhiên là, đôi khi nó còn có chức năng xã hội, giúp làm mờ đi ranh giới giữa giao tiếp nội tâm và giao tiếp với người khác. “Đó là một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để nói cho người khác biết về suy nghĩ hay cảm xúc của chúng ta,” ông nói. “Tôi có thể tự nói thành tiếng để vợ tôi biết rằng tôi đang thực sự bực bội hoặc khó chịu. Tôi đang nói chuyện với chính mình, nhưng tôi biết cô ấy ở gần đó và sẽ nghe thấy, có khi cô ấy sẽ phản ứng và chúng tôi có thể trao đổi về chuyện đó.”

Ứng dụng trong trị liệu – và hơn thế nữa

Gabrielle Morse, một nhà trị liệu ở New York, thường khuyến khích thân chủ của mình nói chuyện với chính họ. Ngoài việc giúp mọi người điều chỉnh cảm xúc tốt hơn, cô nhận thấy nó giúp tăng cường mindfulness nhờ nâng cao khả năng tự nhận thức. Nó cũng có xu hướng làm chậm dòng suy nghĩ, giống như việc viết nhật ký. “Tôi biết việc đó có vẻ hơi kỳ quặc hoặc gượng gạo, nhưng mọi người lại rất hưởng ứng,” cô nói. “Chúng ta có hàng ngàn suy nghĩ mỗi ngày, và chúng chỉ là những xung thần kinh – rất ngẫu nhiên. Nói chuyện thành tiếng thực sự có thể giúp điều chỉnh, xoa dịu bản thân và kiểm soát dòng suy nghĩ của bạn.”

Morse sử dụng các kỹ năng từ liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behavior therapy), và một trong số đó là tự nói chuyện như thể bạn là một huấn luyện viên của chính mình. Ví dụ: “Tôi có mọi thứ tôi cần để vượt qua chuyện này.” Cô cũng giúp thân chủ xây dựng những câu nói ứng phó với sự lo lắng. Chẳng hạn như lặp đi lặp lại thành tiếng, “Tôi ổn. Cảm giác này thật đáng sợ, nhưng tôi không gặp nguy hiểm tức thời nào cả.” Hoặc: “Điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Tôi có thể vừa cảm thấy khó chịu, vừa cảm thấy an toàn.” Cô chỉ ra rằng, những suy nghĩ lo lắng có thể dễ dàng lấn át lý trí, vì vậy việc nói thành lời những câu nói này có thể giúp bạn thoát ra khỏi mớ suy nghĩ của chính mình, đặc biệt là khi bạn đang trải qua những cảm xúc mãnh liệt.

Điều đó đúng với trường hợp của Stephanie Crain, người thường xuyên tự nói chuyện thành tiếng, cô ấy còn nói chuyện với chó, rắn cưng, gà và thậm chí là nói lảm nhảm một mình suốt cả ngày. Cô ấy mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn, với cô, tự nói chuyện là một cơ chế ứng phó. Khi bắt đầu cảm thấy lo lắng, nói chuyện với chính mình giúp cô tự xoa dịu bản thân; nó cũng giúp cô cảm thấy được kết nối và có điều gì đó để tập trung vào khi ở một mình.

Thêm vào đó, nói chuyện một mình có thể rất vui! Crain, 55 tuổi, sống ở Austin, thường nói có vần điệu hoặc bất chợt hát nghêu ngao: “Chăm sóc đàn gà, mỗi ngày! Chăm sóc đàn gà, đủ kiểu!” “Khi không có ai quan sát, đó là lúc bạn cho phép mình được vui đùa và thể hiện cảm xúc,” cô nói. “Nó kích thích trí não của tôi, và giúp tôi kiểm tra những gì trong đầu mình trong một bối cảnh thực tế.” Cô ấy coi thói quen tự nói chuyện của mình như một món quà và nguồn lực quý giá mà cô có thể tận dụng bất cứ lúc nào. Những người bạn bốn chân của cô ấy dường như cũng không bận tâm. “Theo kinh nghiệm của tôi, mọi sinh vật đều phản ứng với năng lượng vui vẻ.”

Shoja, nhân vật đầu tiên của bài viết – người tự nói chuyện với tai nghe, hy vọng nhiều người sẽ bắt đầu xem xét lại định kiến của mình về việc tự nói thành tiếng. “Bằng cách nào đó, chúng ta đã quy chụp rằng nói chuyện một mình là hơi kỳ quặc,” cô nói. Nhưng thực tế, việc giải phóng những suy nghĩ và ý tưởng rối rắm trong đầu bạn, sắp xếp chúng thành lời nói dành cho chính bạn, lại mang một sức mạnh to lớn. “Việc đó giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu bởi chính mình,” cô nói, “và khi bạn đã thấu hiểu bản thân, bạn có thể tự tin để người khác nhìn thấy con người thật của bạn.”

Tác giả: Angela Haupt
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Biên tập: AGATE
Theo TIME

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *