02/03/2025
Bạn cảm thấy ngột ngạt trong mối quan hệ? “Parallel Play” – giải pháp tình yêu dành cho người bận rộn.
Ý chính trong bài:
Khi trưởng thành, bạn sẽ đối mặt với nhiều trách nhiệm hơn, đòi hỏi thời gian và sự tập trung cao độ. Từ sự nghiệp đến phát triển cá nhân, bạn có thể cảm thấy như mình luôn bị kéo về nhiều hướng khác nhau. Cân bằng những yêu cầu này trong khi duy trì một mối quan hệ ý nghĩa có thể khiến bạn băn khoăn về việc làm thế nào để dung hòa thời gian cho bản thân và người yêu.
Đây là lúc “parallel play” phát huy tác dụng – một khái niệm thường được liên tưởng đến trẻ nhỏ, nhưng lại vô cùng có lợi cho người lớn, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm. “Parallel play” ở người trưởng thành nghĩa là chia sẻ không gian chung với đối phương trong khi theo đuổi các hoạt động yêu thích riêng, giống như trẻ em chơi cạnh nhau mà không nhất thiết phải tương tác.
Thói quen này giúp giảm bớt áp lực giao tiếp hoặc tương tác liên tục, đồng thời vẫn cho phép bạn dành thời gian chất lượng bên nhau. Thay vì cảm thấy bắt buộc phải luôn “thể hiện” sự quan tâm, bạn có thể đơn giản tận hưởng không gian chung, hoặc thậm chí gọi video, mỗi người tập trung vào công việc riêng và vẫn cảm thấy kết nối.
Dưới đây là ba cách áp dụng “parallel play” vào thói quen của bạn để cải thiện mối quan hệ:
1. Cân bằng giữa sự gắn bó và độc lập
Trong mọi mối quan hệ, việc tìm kiếm sự cân bằng giữa sự thân mật và không gian cá nhân là rất quan trọng. Khi bạn trở nên gần gũi hơn với đối phương, ranh giới giữa bản sắc cá nhân và bản sắc chung của cả hai dần trở nên mờ nhạt. Điều này có thể dẫn đến cảm giác phụ thuộc hoặc mất đi bản sắc riêng.
Theo nghiên cứu được đăng trên Journal of Personality and Social Psychology (Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội), việc gắn chặt lòng tự trân trọng vào các mối quan hệ tình cảm có thể không lành mạnh. Đây được gọi là “Lòng tự trân trọng phụ thuộc vào mối quan hệ”. Điều này xảy ra khi giá trị bản thân của một người phụ thuộc vào việc mối quan hệ của họ diễn ra như thế nào. Thay vì tự tin vào bản thân một cách độc lập, họ dựa vào mối quan hệ để khẳng định giá trị. Điều này có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ và cản trở sự phát triển cá nhân.
“Parallel play” giúp cả hai phát triển độc lập bằng cách cho phép họ tham gia vào các hoạt động và sở thích riêng, trong khi vẫn chia sẻ không gian chung. Nó mang lại sự tự do để mỗi người tập trung vào phát triển cá nhân, dù là theo đuổi sở thích hay đơn giản là có thời gian yên tĩnh một mình. Sự hiện diện của người kia trong cùng không gian sẽ tạo cảm giác gắn bó, thoải mái và tự chủ.
Cách tiếp cận Mindfulness này cũng giúp giảm bớt lo lắng và bất an bằng cách củng cố quan điểm rằng tình yêu phát triển mạnh mẽ trong môi trường mà cả hai người đều cảm thấy được tôn trọng với tư cách là những cá thể độc lập. “Parallel play” xây dựng sự an toàn cảm xúc cho cả hai, giúp họ không còn lo sợ mất đi cá tính của mình, từ đó tạo nên một mối quan hệ vững mạnh.
2. Giảm thiểu sự kiệt sức trong mối quan hệ
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều mối quan hệ có thể trở nên mệt mỏi về mặt cảm xúc. Áp lực phải luôn sẵn sàng và hiện diện cảm xúc cho đối phương có thể dẫn đến kiệt sức. Theo thời gian, điều này có thể khiến việc kết nối và thể hiện tình cảm trở nên khó khăn hơn.
“Parallel play” là một giải pháp hiệu quả, mang đến cơ hội nạp lại năng lượng cho cả hai người. Điều đó không có nghĩa là bạn phải tạo khoảng cách với người yêu/bạn đời của mình, mà là cùng hiện diện về mặt thể chất nhưng độc lập về cảm xúc. Sự cân bằng giữa “bên nhau nhưng riêng tư” này đảm bảo không ai cảm thấy quá tải hay ngột ngạt, đồng thời vẫn duy trì sự gắn kết.
Điểm hay của phương pháp này là thời gian “riêng tư” giúp củng cố chất lượng thời gian dành cho nhau. Khi cả hai quay trở lại sau những hoạt động riêng, họ đã được nạp lại năng lượng để cống hiến cho mối quan hệ một cách trọn vẹn, thay vì cảm thấy thiếu thốn. Điều này tạo nên động lực bền vững hơn nhiều so với việc tương tác liên tục.
3. Thấu hiểu sự kết nối thầm lặng
Một mối quan hệ mà sự im lặng không gây khó chịu là một mối quan hệ vững mạnh. “Parallel play” cho phép các cặp đôi tận hưởng sự đồng hành mà không cần giao tiếp liên tục bằng lời nói.
Theo thời gian, điều này xây dựng sự tin tưởng và thoải mái sâu sắc hơn, vì cả hai có thể thoải mái ở bên nhau mà không cần phải cố gắng thể hiện hay làm hài lòng đối phương. Sự im lặng này tạo ra không gian an toàn để họ là chính mình, ngay cả trong những khoảnh khắc chân thật và dễ bị tổn thương nhất.
Một nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Motivation and Emotion đã xem xét khái niệm “sự im lặng có động lực nội tại”. Nghiên cứu này khẳng định rằng sự im lặng được chia sẻ, xuất phát từ sự kết nối cảm xúc thay vì những kỳ vọng bên ngoài, giúp xây dựng cảm giác gần gũi và hài lòng sâu sắc hơn.
Cuộc sống ngày càng phức tạp, và các mối quan hệ cũng vậy. Dù các mối liên kết quan trọng có thể bị lu mờ trước những trách nhiệm, việc dừng lại giữa bộn bề và ưu tiên các mối quan hệ thực sự quan trọng là điều cần thiết.
“Các mối quan hệ cần được vun đắp thường xuyên. Sự lơ là có thể khiến tình cảm âm thầm phai nhạt. Vì vậy, hãy dành thời gian và nỗ lực cho tình yêu trước khi quá muộn. “Parallel play” nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu không chỉ thể hiện qua những hành động phô trương, mà còn qua những khoảnh khắc tĩnh lặng được chia sẻ, khi một trong hai người cảm nhận được sự hiện diện của người kia, một cách thầm lặng: “Anh/em luôn ở đây bên cạnh em/anh”.
Tác giả: Mark Travers
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Forbes
Bình luận (0)