17/12/2024
8 câu hỏi tự vấn để hiểu rõ điều gì khiến bạn muốn quay lại với người yêu cũ.
Ý chính trong bài:
Dạo này bạn có hay nghĩ về người yêu cũ không? Liệu khoảng thời gian xa cách có khiến bạn nhận ra rằng người ấy mới chính là “chân ái” của đời mình?
Trước khi vội vàng cho rằng người yêu cũ chính là định mệnh của đời mình và quay lại với người ấy, hãy tự hỏi bản thân: Tại sao? Tại sao bạn muốn quay lại? Sau đó, tiếp tục hỏi bản thân “tại sao” một lần nữa. Sau khi đã xong, hỏi bản thân “tại sao” lần thứ ba.
Bởi vì, khi bạn cảm thấy cô đơn và chán nản với tình trạng yêu đương hiện tại, bạn rất dễ “lý tưởng hóa” những kỷ niệm cũ. Đúng là khoảng thời gian xa cách có thể khiến bạn trân trọng người ấy hơn, nhưng nếu bạn đang “một mình” quá lâu thì cũng có thể bạn đang “mắt nhắm mắt mở” mà tìm về những gì quen thuộc chỉ để cảm thấy an tâm. Thời gian trôi qua có thể khiến bạn quên mất lý do khiến hai người chia tay, giống như một kiểu tóc xấu đã kịp dài ra, và bạn quên mất mình đã từng xấu hổ như thế nào. Chính vì vậy, trước khi quyết định bất cứ điều gì, bạn cần nhìn vào thực tế bằng cách tự hỏi bản thân 8 câu hỏi sau đây.
1. Liệu tình dục và những thứ “thể xác” khác có đang làm lu mờ lý trí của bạn?
Có thể “chuyện ấy” với người yêu cũ rất tuyệt. Hoặc có thể, ở thời điểm hiện tại, thì “chuyện ấy” với ai cũng tuyệt vời cả. Nhưng đừng quên, chuyện thể xác rất dễ đưa bạn đến với những quyết định sai lầm. Chuyện giường chiếu hay những thứ tương tự không nên là lý do chính để bạn quyết định quay lại với một người, vì nếu không, cả cơ thể bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả đấy.
2. Có phải bạn chỉ đang mong muốn có người bầu bạn?
Cũng liên quan đến thể lý, có phải bạn chỉ đang tìm kiếm một người để đi cùng đến các sự kiện công ty, tiệc tùng, đi xem phim,… cho đỡ lẻ loi không? Kiểu như để bạn có thể tự tin tích vào ô “+1” khi điền vào danh sách khách mời. Tuy nhiên bạn nên nhớ, khi đi cùng ai đó bạn không chỉ đi cùng với mỗi “thân xác” của họ, mà bạn còn phải đồng hành với cả những thứ thuộc về tính cách lẫn hành trang trong quá khứ của họ nữa. Đừng bao giờ để nỗi cô đơn chi phối quyết định quay lại với người yêu cũ của bạn.
3. Bạn đang nhìn nhận mối quan hệ này bằng con mắt của hiện tại, hay đang để những hoài niệm cũ chi phối?
Đã bao giờ bạn quay lại quán ăn hồi đại học, háo hức thưởng thức món ăn từng ngon tuyệt cú mèo, để rồi thất vọng nhận ra chiếc pizza yêu thích giờ đây chẳng khác gì bìa cứng? Chuyện tình cảm cũng vậy. Bạn có thể sẽ không bao giờ tìm lại được cảm giác tuyệt vời như xưa, dù cho bạn có hẹn hò với ai hay bạn có “trùng tu” nhan sắc đến đâu đi nữa. Vậy nên, bạn đang nhớ người yêu cũ, hay chỉ đang hoài niệm về quá khứ?
4. Liệu bạn có đang cố tình lờ đi những tổn thương nghiêm trọng mà người ấy đã gây ra?
Ừ thì… mối quan hệ trước đây của bạn rất tuyệt vời, trừ việc… người ấy đã lừa dối bạn, và gì nữa nhỉ, họ đã bỏ rơi bạn ngay khi bạn đang khó khăn nhất. Nếu người ấy đã từng phản bội bạn, thì làm sao bạn có thể chắc chắn rằng chuyện đó sẽ không lặp lại? Hãy nhớ câu nói của Maya Angelou: “Khi ai đó cho bạn thấy con người thật của họ, hãy tin điều đó ngay từ lần đầu tiên.”
5. Liệu bạn có đang cố tình bỏ qua những sự khác biệt cơ bản về giá trị sống và nguyên tắc sống?
Nếu bạn thích khoai tây luộc còn người kia thích khoai tây chiên thì điều này chẳng sao. Nhưng sẽ rất khó để làm lơ những khác biệt cốt lõi. Và trong trường hợp này, “phần lõi” (core) không phải là cơ bụng, cơ lưng hay vòng ba. “Cốt lõi” ở đây là những giá trị bạn theo đuổi, cách bạn nhìn nhận cuộc sống và con người thật của bạn. Giả sử người ấy chưa bao giờ thực sự hiểu bạn, và không hiểu những gì thôi thúc bạn, dù cho bạn đã cố gắng giải thích, thì liệu bạn có sẵn sàng sống chung với sự khác biệt đó mãi không?
6. Bạn đã dành đủ thời gian để ngẫm nghĩ và hiểu rõ lý do tại sao mối quan hệ này kết thúc chưa?
Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao hai người chia tay, thì chắc chắn là bạn KHÔNG NÊN quay lại. Vội vàng quay lại trong trường hợp này cũng giống như bạn chưa hiểu vì sao không nên dí trán vào bếp lò đang nóng mà vẫn cứ cắm đầu vào vậy.
7. Bạn có biết cần phải thay đổi những gì để mối quan hệ này tốt đẹp hơn không, và liệu những thay đổi đó có khả thi không?
Nếu bạn muốn có một kết quả khác, thì mọi thứ phải thay đổi so với lần đầu tiên hai người bên nhau. Điều này có thể khả thi hơn nếu trước đây hai bạn chia tay vì hoàn cảnh khách quan, chẳng hạn như khoảng cách địa lý hoặc do công việc. Hoặc nếu cả hai khi đó còn quá trẻ, chưa trưởng thành và giờ đây hai bạn đã thay đổi rất nhiều. Nhưng, nếu cả hai bạn vẫn là những con người như xưa, vẫn giữ nguyên cách sống cũ, thì mọi thứ có thể sẽ kết thúc theo cách cũ: không mấy tốt đẹp.
8. Liệu nỗi sợ hãi về sự bất định và những điều chưa biết có đang chi phối suy nghĩ và quyết định của bạn không?
Là con người, ai cũng khao khát sự ổn định. Nhưng quay lại với người yêu cũ, một người mà bạn đã quá quen thuộc, sẽ không phải là “liều thuốc giải độc” cho những điều bất định trong cuộc sống. Bạn vẫn sẽ không thể biết trước cuộc đời mình thay đổi chóng mặt như thế nào trong tuần tới, ngày tới, hay thậm chí chỉ một vài giờ tới. Tuy nhiên, nếu bạn cố “chịu đấm ăn xôi” với một người không phù hợp với mình, thì có một điều chắc chắn sẽ xảy ra: Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được người tốt hơn.
Nếu sau khi tự vấn bản thân những câu hỏi trên mà bạn vẫn cảm thấy người yêu cũ chính là “nửa kia” của mình, thì cứ mạnh dạn liên lạc với họ và xem họ có cảm thấy giống bạn hay không. Biết đâu phần tiếp theo của câu chuyện tình yêu sẽ có một cái kết khác. Tuy nhiên, hãy thật thận trọng và chắc chắn rằng cả hai bạn đều đã học hỏi và trưởng thành hơn từ những sai lầm trong quá khứ. Nếu không, người yêu cũ rồi cũng sẽ lại trở thành người yêu cũ mà thôi.
Tác giả: Bruce Y. Lee M.D., M.B.A.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)