14/07/2023
Thực hành Mindfulness để gia tăng khả năng tự nhận thức, có thể là bước đầu tiên đưa bạn đến cuộc đời hạnh phúc hơn.
Ý chính trong bài:
Jon Kabat-Zinn được biết đến là người tiên phong trong lĩnh vực mindfulness (chánh niệm) ở phương Tây. Ông tin rằng nếu khả năng tự nhận thức của chúng ta được nâng cao, cuộc sống sẽ dần thay đổi. Ông không chỉ đưa ra một lời khẳng định mơ hồ hay vô căn cứ. Nhà nghiên cứu này đã cống hiến cả quãng đời của mình để chứng minh một cách khoa học rằng: quay vào bên trong, khám phá và kết nối với chính mình giúp chúng ta tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và lâu dài trong cuộc sống.
Theo tờ báo La Vanguardia (Tây Ban Nha): nhờ có mindfulness hay sự ý thức tuyệt đối, chúng ta có thể tập trung vào khoảnh khắc hiện tại một cách chủ động, mà không phán xét nó.
Chúng ta học cách trân quý thực tại khi thực hành mindfulness. Tác động tích cực diễn ra không chỉ ở trong những khía cạnh trừu tượng như chữa lành tâm hồn hay cảm giác tăng khả năng tập trung. Thực tế đã có những bằng chứng cho thấy sự thay đổi diễn ra ngay trong não bộ của người thực hành mindfulness.
Câu trả lời từ ngàn xưa cho những căn bệnh thời đại
Đằng sau thuật ngữ mindfulness là tập hợp của nhiều nghiên cứu về khoa học, y tế và tâm lý. Các nghiên cứu chứng minh rằng sự kết hợp giữa thiền Zen (một truyền thống Phật giáo cổ xưa có từ thời nhà Đường ở Trung Quốc) và thiền Vipassana (một phương pháp thiền cổ xưa ở Ấn Độ) rất có lợi cho chúng ta.
Cách tiếp cận cổ xưa này thực tế lại là một hướng đi rất mới mẻ. Vì sao ư? Hãy hình dung về nền y học phương Tây “chuẩn mực” hiện đại. Quy tắc chung là tập trung loại bỏ triệu chứng, xoa dịu sự khó chịu, triệt tiêu sự hỗn loạn và sự nhấn mạnh về quy chuẩn “bình thường”.
Mindfulness đã giúp nhiều bệnh nhân kiểm soát các cơn đau mãn tính, lo lắng, hoảng loạn và các khó khăn về thể chất và tâm lý khác. Trạng thái chú tâm đạt được từ việc luyện tập mindfulness giúp gia tăng sự tự nhận thức, từ đó chúng ta thay đổi thái độ, góc nhìn, và cuộc sống của chúng ta thay đổi. Mindfulness không dạy chúng ta phải cố gắng yêu lấy cuộc sống này. Điều chúng ta cần làm là chấp nhận và trải nghiệm cuộc sống như nó vốn là.
Trải nghiệm cuộc sống, thay đổi từ gốc rễ
Giáo dục tập trung vào việc dạy cho chúng ta cách để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Trong khi đó, Mindfulness hướng chúng ta đến sự thay đổi chỉ bằng cách trải nghiệm cuộc sống trong ý thức. Với mindfulness, bạn chạm sâu hơn vào nội tâm của chính mình và nhận thức rõ ràng hơn về mọi thứ xung quanh mình.
Với sự rèn luyện mindfulness đúng đắn và bền bỉ, những thay đổi sẽ dần xảy ra ở vùng não bộ điều khiển sự học hỏi và ghi nhớ. Những vùng não này sẽ nở rộng, phát triển. Vùng não trung tâm của cảm xúc, amygdala cũng được củng cố, giúp chúng ta điều tiết cảm xúc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Kabat-Zinn còn kết luận rằng rèn luyện mindfulness có thể biến đổi cấu trúc gen:
Làm thế nào chúng ta có thể đạt được những điều trên thông qua mindfulness? Cơ chế thật sự đằng sau là gì? E là không có câu trả lời cụ thể. Mindfulness chỉ đơn giản là cố gắng kéo bạn ra khỏi sự mơ màng, vô định trôi qua và bắt đầu một cuộc đời đúng nghĩa trong tỉnh thức. Bạn không cần cố gắng thay đổi hoặc làm bất cứ điều gì quá đặc biệt. Hãy bắt đầu thiền định và rèn luyện sự chú tâm (điều này đòi hỏi sự kỷ luật của chúng ta rất nhiều).
Khi nhận thức được những vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực, chúng ta có thể ngăn ngừa chúng. Chúng ta chấp nhận rằng không phải cuộc sống lúc nào cũng đẹp đẽ, chính sự tỉnh thức này giúp đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực không lối thoát.
“Phân tâm phiền não, tịnh tâm chẳng đến”. Khi kết nối thực sự với bên trong mình, khi có sự hoà hợp thân – tâm – trí, ta sẽ dần có được sự an lạc, sáng trí và khoẻ mạnh. Khi ta rèn luyện mindfulness, chúng ta đang nuôi dưỡng tình yêu và lòng trắc ẩn với bản thân trong tỉnh thức.
Nguồn tham khảo: Exploring Your Mind
Biên dịch: Quốc Hảo
Biên tập: AGATE
Bình luận (0)