10/05/2024
Việc ai đó đối xử với bạn như thế nào hoàn toàn là việc của họ, nó không định nghĩa được bạn là ai, giá trị con người bạn là gì.
Gần đây, có một từ khóa rất “hot” trong cộng đồng gen Z gọi là “Silent treatment” (Tạm dịch: Sự im lặng độc hại hoặc Im lặng để trả đũa), chỉ các hành động im lặng nhằm tránh sự giao tiếp bằng lời và lờ đi người khác. Mặc dù Silent treatment khá phổ biến, nhưng chưa có một định nghĩa rõ ràng nào cho thuật ngữ này.
Một cách đơn giản, “silent treatment” bao gồm việc ngó lơ, không trả lời người khác, khiến họ cảm thấy bị từ chối hoặc bị cô lập. Điều này có thể xuất hiện trong nhiều mối quan hệ khác nhau, chẳng hạn như: tình yêu, tình bạn, công việc, gia đình… Trong thời đại số, khi con người dần ít đi những kết nối trực tiếp mà thay vào đó là những tương tác gián tiếp qua mạng xã hội, tin nhắn zalo, messenger, telegram… “silent treatment” càng dễ có cớ để xảy ra.
Chẳng hạn: tin nhắn bị “seen” là điều mà người trẻ thường dùng để bày tỏ rằng bản thân đang bị một người khác “silent treatment”. Điều đó cũng không có nghĩa là bất cứ ai “đã xem” tin nhắn của bạn mà chưa trả lời đều đang “silent treatment” bạn. Tôi biết có nhiều người thực sự vô cùng bận rộn, họ đọc tin nhắn, nhận thông tin, suy nghĩ và… chỉ đơn giản là quên phản hồi hoặc thậm chí họ đã đánh câu trả lời vào khung trò chuyện (chat box) nhưng quên bấm “Gửi”. Đúng vậy! Và những người này hoàn toàn không có ý định muốn trả đũa, hay cô lập ai cả.
Dưới đây là một số hình thức phổ biến của “silent treatment”:
Chúng ta cần phân biệt giữa “khoảng lặng để trả đũa” (silent treatment) và “khoảng lặng để bình tâm” (time-outs/ healthy disengagement). Những lúc xung đột leo thang quá mức, một khoảng lặng (im) là vô cùng cần thiết để mọi thứ không đi quá xa. Sự khác nhau rất rõ ràng, khoảng lặng để bình tâm được trình bày rõ ràng, dưới sự tôn trọng nhu cầu của nhau và được sự thống nhất từ hai phía về thời điểm có thể tiếp tục nói chuyện. Ngược lại, khoảng lặng để trả đũa không định rõ về thời hạn và cũng không thể giải thích.
Điều gì xảy ra cho người gặp phải “Silent treatment”?
“Silent treatment” đe dọa đến nhiều khía cạnh sức khoẻ tâm lý của con người như: nhu cầu được thuộc về (belonging), nhu cầu có giá trị (self-esteem), nhu cầu kiểm soát và cảm thấy có ý nghĩa (control and meaningful existence) (Williams, 2007, 2009).
Khi bạn vờ như sự hiện diện của một người là không hề tồn tại, dù vô tình hay cố ý bạn đang truyền đi một thông điệp đến đối phương rằng: họ không hề quan trọng và không hề có giá trị. Dưới góc nhìn tâm lý học, điều này đe doạ mạnh mẽ đến nhu cầu được thuộc về và nhu cầu có giá trị của đối phương.
Họ có thể phải trải qua nhiều cảm xúc vô cùng đau khổ như: buồn bã, giận dữ, sợ hãi hoặc tội lỗi. Vì không biết phải hiểu thế nào về “sự im lặng” này, nên họ có xu hướng loay hoay, hoài nghi chính mình, không biết liệu bản thân đã làm gì sai? Họ cảm thấy bản thân không kiểm soát được tình hình. Nếu “silent treatment” kéo dài, họ có nguy cơ bị quá tải bởi cảm giác buồn bã có thể dẫn đến trầm cảm. Đây chính là lý do vì sao “silent treatment” không được xem là một cách giải quyết mâu thuẫn lành mạnh.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng “silent treatment” kích hoạt vùng não (anterior cingulate cortex) chịu trách nhiệm phát hiện các mức độ đau khác nhau. Khi vùng não này được kích hoạt, các triệu chứng thể chất thường xuất hiện như: đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, hoặc các vấn đề liên quan đến tiêu hoá. Hậu quả có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu người thực hiện hành vi “silent treatment” là một nhân vật có uy quyền như cha mẹ, thầy cô, hoặc cấp trên. Một cách dễ hiểu, “silent treatment” không hề có những hành vi đụng chạm hay tác động bạo lực nhưng nó vẫn có khả năng khiến người lãnh chịu “đau đớn” thực sự theo nghĩa đen.
Đối phó với “Silent treatment” như thế nào?
Một số lưu ý bên dưới có thể giúp bạn ứng phó hiệu quả với “silent treatment”:
Trong một số nền văn hoá, “silent treatment” được bình thường hoá và xem như một phản ứng nhằm hạn chế đối đầu. Dù vậy, cảm nhận từ phía bạn vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu phát hiện bản thân loay hoay với những cảm xúc khó (nêu ở phần trên) do gặp phải sự phớt lờ có chủ ý từ người khác, việc thừa nhận rằng bản thân có thể đang đối mặt với một hình thức kiểm soát hoặc lạm dụng tinh vi là bước cần thiết đầu tiên để có thể giúp bản thân vượt qua tình huống này. Bạn biết không, trong số chúng ta không ai “đáng” bị tổn thương theo cách như thế! Bản thân bị người khác phớt lờ có thể là điều khá tệ nhưng còn tệ hơn nếu chính chúng ta cũng “phớt lờ” sự việc đó ở bản thân. Hãy dũng cảm thừa nhận nó và chủ động tìm cách giải quyết. Đối thoại rõ ràng có thể là một phương án nếu đó là một mối quan hệ ý nghĩa mà bạn vẫn muốn gìn giữ. Và trong bất kỳ tình huống nào, hãy nhớ luôn tin tưởng vào bản thân, và bạn sẽ từ từ vượt qua tất cả.
Tác giả: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Nguồn tham khảo:
(n.d.). Retrieved May 3, 2024, from https://www.goodtherapy.org/blog/psychpedia/silent-treatment
(n.d.). Retrieved May 3, 2024, from https://exploringyourmind.com/silent-treatment-psychological-abuse-disguise/
Aronson, L. (2020, September 8). Why the Silent Treatment Is a Tactic of Abuse and Control. Psychology Today. Retrieved May 3, 2024, from https://www.psychologytoday.com/us/blog/invisible-chains/202009/why-the-silent-treatment-is-a-tactic-of-abuse-and-controlGolden, B. (2022, September 11). Why the Silent Treatment Is Such a Destructive Form of Passive-Aggression. Psychology Today. Retrieved May 3, 2024, from https://www.psychologytoday.com/gb/blog/overcoming-destructive-anger/202209/why-the-silent-treatment-is-such-destructive-form-passive
Bình luận (0)