Đừng mặc định stress luôn là điều gì đó không tốt. Thay vào đó, bạn có thể coi nó như một lời nhắc “Hãy chuẩn bị sẵn sàng” để làm tốt nhất có thể trong bài thi sắp đến. Cùng Agate tìm hiểu những cách hiệu quả để vượt qua stress trong thi cử nhé.
Bài viết được đánh giá chất lượng bởi Tiến sĩ D’Arcy Lyness.
Ý chính trong bài:
Cảm thấy stress trước, trong và sau kỳ thi là điều thường gặp ở bất kỳ học sinh, sinh viên nào và bạn có thể học cách để ứng phó hiệu quả với chúng.
Một số cách để ứng phó với stress trước và trong kỳ thi có thể bao gồm: chuẩn bị thật tốt, giữ thái độ tích cực và sử dụng các kỹ thuật thư giãn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, giáo viên hoặc cố vấn cũng có thể hữu ích trong việc kiểm soát căng thẳng khi thi cử.
Nếu bạn đang cảm thấy stress về bài thi sắp tới thì bạn không hề cô đơn. Hầu hết các bạn học sinh hay sinh viên đã, đang và sẽ trải nghiệm cảm giác này. Bạn cảm thấy stress là vì bạn muốn làm tốt nhất có thể và đương nhiên là bạn không mong nhận được một kết quả xấu.
Khi cảm thấy stress, cơ thể tự nhiên sản sinh ra hormone căng thẳng (stress hormones) giúp bạn sẵn sàng tâm thế. Những hormone này khiến bạn tập trung chú ý hơn và đồng thời cho bạn thêm năng lượng. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể cảm nhận được các hormone này bằng cảm nhận cơ thể. Chẳng hạn như bạn cảm thấy bồn chồn trong người, căng thẳng, run rẩy hoặc đổ mồ hôi. Tim bạn có thể đập nhanh hơn. Những cảm giác này là điều bình thường khi bạn stress. Chúng sẽ tự biến mất khi bạn cảm thấy bớt stress hơn.
Đừng mặc định stress luôn là điều gì đó không tốt. Thay vào đó, bạn có thể coi nó như một lời nhắc “hãy chuẩn bị sẵn sàng” để làm tốt nhất có thể trong bài thi sắp đến.
Dù có thế nào, bạn hãy luôn ghi nhớ:
Hoàn toàn bình thường nếu bạn cảm thấy stress về một bài kiểm tra.
Stress là cách bộ não nhắc nhở và giúp bạn tập trung.
Phản ứng của cơ thể khi stress là do các “hormone căng thẳng” gây ra.
Có nhiều cách để bạn đối phó với stress.
Mỗi bài kiểm tra là một cơ hội để bạn học hỏi và gia tăng sự tự tin.
Đâu là cách đối phó tốt nhất với stress khi thi cử?
Những ngày trước kỳ thi:
Hãy để stress thúc đẩy bạn học tập. Thay vì chối bỏ stress, hãy thừa nhận rằng bạn đang stress và tận dụng điều đó. Hãy để stress cho bạn thêm động lực giúp học tập chăm chỉ hơn. Nếu không có stress, có khả năng bạn sẽ buông lỏng việc học thay vào đó chỉ tập trung vào việc giải trí.
Dành thời gian cho việc học. Học tập chuyên tâm là cách tốt nhất để bạn giảm stress trong thi cử. Càng học kỹ, bạn càng hiểu bài và nhớ bài hơn. Bạn cảm thấy tự tin với những gì mình đã học, cảm thấy sẵn sàng (ít stress hơn) trước giờ thi.
Mix it up! Đừng ngại sử dụng nhiều phương pháp học khác nhau. Xem lại một lượt trọng tâm lý thuyết cần ôn tập. Tập ghi chép lại bài học, công thức… và đọc lớn lên như đang trả bài. Thử làm đề thi mẫu, canh giờ như khi làm bài thật. Tự làm flashcards (thẻ ghi nhớ hai mặt – ví dụ một mặt là tên khái niệm, một mặt giải thích/ định nghĩa khái niệm). Giả vờ như mình là giáo viên giảng lại bài cho người thân, bạn bè nghe (hoặc tự giảng cho chính mình nếu bạn không tìm được ai có thời gian lắng nghe). Bạn cũng có thể nhờ ba mẹ hoặc thầy cô để được hướng dẫn thêm các phương pháp, kỹ năng học tập khác.
Chăm sóc bản thân: Bạn sẽ có phong độ tốt nhất nếu duy trì được thói quen sinh hoạt điều độ, bao gồm ăn thức ăn bổ dưỡng, ngủ đủ giấc và có thời gian giải trí lành mạnh. Hãy đảm bảo thực hiện được 3 việc này mỗi ngày bạn nhé, kể cả hôm trước khi thi!
Trong kỳ thi:
Bạn hãy nhớ rằng: stress là điều rất bình thường. Nếu bạn cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu của stress, chỉ cần để tâm đến nó và không cần quá lo lắng. Có thể bạn cảm thấy bồn chồn. Có thể tay bạn run hoặc đổ mồ hôi, hoặc tim bạn đập nhanh. Nếu bạn có những cảm giác này, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang trong trạng thái tỉnh táo và sẵn sàng cho bài kiểm tra. Hãy nói với cơ thể rằng bạn đang ổn.
Hít thở giúp bạn bình tĩnh hơn. Để giảm bớt các phản ứng căng thẳng kể trên, bạn có thể thử các bước sau: Hít thở một vài hơi thật chậm rãi – hít vào trong lúc nhẩm đếm từ 1 đến 4, và thở ra đếm từ 5 hoặc 6 về 1 (tức là thở ra sẽ hơi lâu hơn lúc hít vào). Xoa hai bài tay vào nhau như lúc bạn muốn làm ấm tay, rồi thả lỏng ra nhẹ nhàng. Bạn không cần phải tìm cách “tiêu diệt” stress hoàn toàn. Chỉ cần bắt đầu bài kiểm tra, stress sẽ dần tự biến mất.
Nói những lời khẳng định với chính mình để ổn định tâm trí: “Mình đã học bài rất kỹ. Mình đã sẵn sàng. Mình sẽ làm tốt nhất có thể.” hoặc “Mình xử được vụ này mà” và bắt đầu làm bài thi. Nếu thấy cần thiết, bạn có thể chuẩn bị sẵn những câu nói động viên này, và lên cả kế hoạch sẽ tự nói với chính mình như thế nào khi đến giờ thi.
Sau kỳ thi:
Nhìn lại những gì bạn đã làm tốt. Khi nhận lại kết quả, chúng ta thường có thói quen để ý đến những câu mình đã làm sai. Bạn nhớ đừng bỏ qua những phần đã làm tốt nữa nhé. Hãy công nhận bản thân vì những thành quả đó.
Chấp nhận sai lầm và học hỏi từ nó. Cảm thấy tiếc nuối về những lỗi sai trong bài kiểm tra là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng đừng quá nghiêm khắc với bản thân và đừng vì thế mà bỏ cuộc. Thay vào đó, hãy để những sai lầm giúp bạn học hỏi và trưởng thành. Mỗi kỳ thi đi qua là cơ hội để bạn nhận biết những gì bạn thực sự hiểu và làm tốt, và đồng thời cũng biết được những khía cạnh mình cần trau dồi nhiều hơn.
Bạn không cần phải hoàn hảo. Đừng tạo áp lực cho bản thân phải đạt điểm tuyệt đối. Đôi khi áp lực quá mức lại phản tác dụng và khiến việc học trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, hãy cố gắng làm hết khả năng có thể trong các bài kiểm tra. Kiên trì học tập và thực hành từng chút, từng chút một, bạn sẽ dần tiến bộ. Điều này không chỉ đúng cho các bài kiểm tra – mà còn đúng cho bất cứ việc gì bạn muốn chinh phục trong cuộc sống!
Nếu bạn cần hỗ trợ về việc stress trong kỳ thi – hoặc một vấn đề liên quan khác – đừng ngần ngại chia sẻ với người thân, thầy cô hoặc chuyên viên tham vấn học đường để nhờ giúp đỡ.
Hãy nhớ rằng, stress là một phần tất yếu của cuộc sống và việc đón nhận stress với tâm thế sẵn sàng, không trốn tránh là chìa khóa quan trọng có thể giúp bạn vượt qua stress bởi thi cử một cách hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo: KidsHealth Người dịch: Quốc Hảo Biên tập: Ôn Bích Ngọc
Bình luận (0)