27/10/2024

Sự linh hoạt tâm lý: Chìa khóa bí mật giúp nâng cao sức khỏe tinh thần

Bạn ở nơi làm việc và nơi gặp gỡ bạn bè có phải là cùng một người? Bạn có cho rằng thay đổi hành vi tuỳ theo hoàn cảnh là tính cách giả tạo?

Rate this post

Ý chính trong bài:

Theo các nhà tâm lý học, một trong những đặc điểm của người có đời sống lành mạnh là khả năng ứng phó linh hoạt (flexible responding) hay còn gọi là tính linh hoạt tâm lý (psychological flexibility). Nó có nghĩa là bạn có thể ứng xử phù hợp và lành mạnh trong mọi tình huống, dù là với những người khác nhau hay trong những hoàn cảnh khác nhau, đồng thời bạn vẫn giữ vững những giá trị của bản thân. Sự linh hoạt này giúp bạn thích nghi tốt hơn, có thể đối mặt với stress và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn thế nữa, nó còn là một trong những thành tố cần có để xây dựng tình bạn. Tính linh hoạt tâm lý thực sự vô cùng quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, sự linh hoạt giúp chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa hơn, đúng với những gì ta thực sự coi trọng.

Vậy, ứng xử linh hoạt trong đời sống hàng ngày có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bạn có thể thay đổi cách cư xử tùy theo từng tình huống cụ thể. Một số người rất hài lòng với cuộc sống thường nhật của họ và họ có một thói quen sinh hoạt ổn định. Tuy nhiên, nếu để những thói quen này kiểm soát hoàn toàn cuộc sống, nó có thể gây trở ngại cho các mối quan hệ của chúng ta.

Doris có một lịch trình hàng ngày rất ổn định. Cô thức dậy lúc 6 giờ sáng, cho chó ăn và dắt đi dạo. Sau đó, cô ấy vừa ăn sáng vừa xem tin tức trước khi đi làm. Bữa trưa của Doris luôn là salad, và cô ấy luôn tan làm lúc 5 giờ 30. Về đến nhà, cô ấy ăn tối với thực đơn giàu đạm và rau xanh, sau đó làm việc nhà, rồi xem vài chương trình trên tivi trước khi đi ngủ. Doris rất hài lòng với lịch trình sinh hoạt này và cô ấy sẽ cảm thấy lo lắng nếu không thể thực hiện theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi có người rủ cô ấy làm điều gì đó khác. Ngay cả khi đó là việc cô ấy muốn làm, Doris vẫn cảm thấy lo lắng và bồn chồn vì cô ấy chỉ thấy yên tâm với những gì quen thuộc. Thậm chí, khi bạn bè đến chơi nhà, thật khó để Doris dành toàn tâm toàn ý cho họ. Khi tiếp khách, cô ấy vẫn luôn nghĩ về những việc mình “phải” làm theo lịch trình. Rõ ràng, thói quen sinh hoạt của Doris quá cứng nhắc, và cô ấy không thể thích ứng linh hoạt với các tình huống mới.

Doris còn thể hiện sự cứng nhắc trong nhiều khía cạnh khác. Cô luôn giữ một vẻ ngoài nghiêm túc, hiếm khi nở nụ cười. Doris là người sống quy củ, kín đáo, chỉ có phong cách ăn mặc hơi nổi loạn. Cô ấy chẳng bao giờ biểu lộ cảm xúc ra mặt, thành ra ai cũng nghĩ cô ấy khó gần. Tại nơi làm việc, phong thái này có thể được xem là chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả trong các hoạt động giao tiếp xã hội, như ở các buổi tiệc công ty, cô ấy vẫn giữ thái độ đó. Cô ấy tỏ ra xa cách và nghiêm túc, trong khi mọi người xung quanh đang ca hát và nhảy múa vui vẻ.

Doris cũng cư xử như vậy với người nhà. Cô ấy rất quan tâm đến các cháu gái của mình, nhưng lại không biết cách chơi đùa hay thể hiện tình cảm. Vì thế, các cháu của Doris không cảm thấy gần gũi với cô. Mặc dù rất coi trọng bạn bè và gia đình, Doris lại dành phần lớn thời gian cho những thói quen của bản thân và công việc. Khi tức giận với ai đó, cô thấy rất khó để tha thứ cho họ và thường cắt đứt luôn mối quan hệ. Cô ấy cũng không thích nghi được với sự thay đổi của những người xung quanh.

Bạn có thấy mình phần nào trong câu chuyện của Doris? Có thể bạn là người thích mọi thứ rõ ràng, ngăn nắp, theo lịch trình và cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi, thư giãn hay kết nối với người khác, ngay cả khi đó là điều cần thiết. Có thể bạn luôn cư xử theo một kiểu nhất định, dù là ở công ty hay trong buổi sum họp gia đình. Bạn có thể đang băn khoăn tại sao mình lại khó kết bạn và tự cho rằng mình là một người sống khép kín.

Linh hoạt về mặt tâm lý có nghĩa là bạn biết lúc nào nên theo thói quen, lúc nào thì không. Bạn có thể điều tiết cảm xúc khi cần, nhưng cũng sẵn sàng bộc lộ bản thân khi thích hợp. Nếu bạn không giỏi thể hiện sự biết ơn, quan tâm hay buồn bã, và nếu bạn thường thấy mình khó thư giãn hay vui vẻ, thì việc kết nối với người khác sẽ trở nên khó khăn hơn.

Nếu những điều trên đang miêu tả bản thân mình, hãy thử để ý xem những thói quen của bạn có đang cản trở các mối quan hệ và những điều thực sự quan trọng với bạn hay không. Bạn cũng nên thử cởi mở hơn với cảm xúc của mình trong những tình huống phù hợp. Điều này có nghĩa là bạn nên cân nhắc thể hiện cảm xúc qua nét mặt và cử chỉ cơ thể. Nếu bạn không chắc mình biểu cảm như thế nào, hãy thử nói chuyện trước gương và quan sát bản thân. Bạn có cười không? Bạn có trông thân thiện và cởi mở không? Bạn có vẻ thoải mái hay căng thẳng? Bạn có nhìn vào mắt người đối diện không?

Cách bạn giao tiếp cũng rất quan trọng. Bạn có thường trả lời thẳng vào câu hỏi của người khác không, hay thường né tránh hoặc trả lời vòng vo? Bạn có hay đáp lại bằng một câu hỏi khác không? Bạn có thường đồng ý với mọi người chỉ để tránh xung đột không? Bạn có hay chuẩn bị trước những gì mình sẽ nói không? Đây có thể là những điều khiến bạn vô tình tạo khoảng cách với người khác. Dù có thể những điều này giúp bạn cảm thấy an toàn và giúp bạn bảo vệ bản thân, nhưng nó cũng khiến người khác khó để gần bạn. Nếu họ không gần bạn, không hiểu bạn, làm sao tình bạn có thể tồn tại?

Cởi mở hơn với mọi người xung quanh có thể giúp bạn tạo dựng các mối quan hệ và giảm bớt cảm giác cô đơn. Hãy thử mở lòng hơn, cả về lời nói lẫn cử chỉ và xem mọi người phản ứng thế nào. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bạn cởi mở với người khác, họ cũng sẽ cởi mở lại với bạn. Biết đâu bạn sẽ có thêm một người bạn thì sao!

Tác giả: Karyn Hall Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *