17/12/2024
4 “bẫy” tình yêu mà có thể bạn chưa biết.
Ý chính trong bài:
Là một nhà trị liệu cặp đôi, tôi thường xuyên chứng kiến những mô típ lặp đi lặp lại trong phòng khám của mình. Các thân chủ thường hỏi: “Tại sao tôi cứ gặp phải những người không tốt với mình?”. Họ vừa chấm dứt mối quan hệ với một người này, lại gặp ngay một người khác cũng “na ná” như vậy. Vậy điều gì khiến chúng ta cứ mãi lặp lại những sai lầm trong tình yêu? Dưới đây là 4 nguyên nhân phổ biến nhất có thể lý giải cho tình trạng này. Tôi sẽ minh họa bằng những ví dụ thực tế mà tôi đã gặp trong quá trình trị liệu. Ngoài ra, tôi cũng bật mí một số mẹo nhỏ để giúp bạn thoát khỏi “vòng luẩn quẩn” trên.
1. Ta thường bị hấp dẫn bởi những điều quen thuộc
Đối với nhiều người, cách chúng ta yêu thương bắt nguồn từ những mối quan hệ đầu tiên. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ hay thay đổi thất thường, quá khắt khe hoặc thiếu sự quan tâm, bạn có thể sẽ bị thu hút bởi những người có tính cách tương tự. Dù điều đó có thể gây đau khổ, nhưng sự quen thuộc mang lại cảm giác “quen thuộc”, khiến ta vô tình lặp lại những vòng tròn luẩn quẩn từ thời thơ ấu.
Ví dụ như trường hợp của My. Vì lớn lên trong sự lạnh nhạt và thiếu tình cảm của cha, cô vô thức tìm kiếm những người bạn trai có tính tình xa cách tương tự. “Tại sao em cứ phải lòng những anh chàng lạnh lùng?”, cô ấy hỏi trong một buổi trị liệu. Sự thật là My đã quá quen với kiểu quan hệ này, dù nó ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trân trọng của cô. Việc phải “cố gắng” để có được tình yêu thương đã trở thành một thói quen mà cô không hề nhận ra là không lành mạnh.
Lời khuyên: Khả năng tự nhận thức vô cùng quan trọng. Nếu bạn có thể nhìn ra mình đang lặp lại những mô thức quen thuộc nhưng không lành mạnh, hãy thử thay đổi từng chút một. Hãy tập mở lòng với những người mang đến cho bạn sự ổn định và tử tế, ngay cả khi họ không mang đến cảm giác “cuốn hút” như những mối quan hệ quen thuộc trước đây.
2. Bạn lầm tưởng giữa chuyện “cảm xúc bùng nổ” và chuyện cả hai thật sự hoà hợp
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa những cảm xúc mạnh mẽ ban đầu với sự hòa hợp lâu dài. Tuy rằng “tiếng sét ái tình” rất thú vị, nhưng nó có thể khiến ta bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo quan trọng (red flags). Các chất hoá học bên trong bạn có thể mang đến cảm giác thăng hoa, nhưng nó cũng có thể nhanh chóng phai nhạt, để lại cho bạn một người đồng hành thực sự không phù hợp với các giá trị và nhu cầu của bạn.
Chẳng hạn như trường hợp của Hùng. Anh gặp Ly Ly, bạn gái mình, tại một bữa tiệc chung của bạn bè. Cả hai ngay lập tức bị thu hút bởi nhau, và Hùng hoàn toàn bị chinh phục bởi tính cách ưa mạo hiểm của Ly Ly. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, những khác biệt giữa họ ngày càng rõ: Ly Ly bốc đồng, khó đoán và thường thay đổi kế hoạch, trong khi Hùng lại coi trọng sự ổn định và đáng tin cậy. “Nhưng tụi em đã từng rất hợp nhau!“, anh ấy nói với tôi, vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi mọi thứ đổ vỡ quá nhanh.
Lời khuyên: Khi bạn phải lòng ai đó, hãy thử lùi lại một bước để xem xét sự hòa hợp giữa hai người, đừng chỉ dựa vào những cảm xúc nhất thời. Đối phương có cùng chung những giá trị cốt lõi với bạn không, hay sự hứng thú ban đầu đang che mờ những khác biệt cơ bản giữa hai bạn? Như đã đề cập trong cuốn Why Can’t You Read My Mind? (Tạm dịch: Sao anh không hiểu em), sự đồng cảm và những giá trị chung chính là “chất keo” gắn kết các mối quan hệ, đặc biệt là khi những cảm xúc ban đầu đã phai nhạt.
3. Bạn đang cố gắng thay đổi đối phương
Nhiều người thường rơi vào vai “người cứu rỗi” hoặc “người sửa chữa” trong các mối quan hệ. Nếu bạn là người giàu lòng trắc ẩn và thấu cảm, bạn có thể bị thu hút bởi những người có vẻ như đang cần được “cứu giúp” – có thể họ đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, đang đối mặt với khủng hoảng gia đình, hoặc thậm chí đang vật lộn với một chứng nghiện nào đó. Tuy rằng thấu cảm là một phẩm chất tốt đẹp, nhưng nếu nó khiến bạn cứ mãi đâm đầu vào thứ “tiềm năng” không chắc chắn ở một người nào đó mà quên mất con người thật của họ ở hiện tại thì đó lại là một sai lầm.
Ngọc chính là một ví dụ điển hình. Cô ấy đã trải qua hàng loạt các mối quan hệ với những người “cần cô ấy giúp đỡ”. Người yêu hiện tại của Ngọc, là Minh, đang phải đối mặt với những vấn đề cá nhân kéo dài và hiếm khi đáp ứng được những nhu cầu của cô. “Em biết anh ấy có thể thay đổi”, cô ấy nói, nhưng nhiều tháng trôi qua mà mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Ngọc bắt đầu cảm thấy kiệt quệ và oán trách, nhưng cô ấy vẫn không thể rời bỏ Minh.
Lời khuyên: Thay vì tìm kiếm những người cần được “cứu giúp”, hãy tập trung vào việc tìm kiếm một người bạn đời đã trưởng thành về mặt cảm xúc và có cuộc sống ổn định. Hãy biết yêu thương chính mình và nhớ rằng tình yêu của bạn không thể thay đổi hay chữa lành những vấn đề của người khác. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho sự trưởng thành và an vui của chính mình.
4. Bạn không tin mình xứng đáng với điều tốt đẹp hơn
Thực chất, một số người chọn những đối tượng không phù hợp vì sâu thẳm trong lòng, họ không tin rằng mình xứng đáng có được một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc. Điều này có thể bắt nguồn từ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc những tổn thương trong quá khứ, khiến họ chấp nhận ở bên những người không tôn trọng hay không quan tâm đến họ. Bạn có thể thấy mình đang cố gắng biện minh cho những hành vi tồi tệ c ủa người ấy hoặc bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo, bởi vì bạn tin rằng đây là điều tốt nhất mà mình có thể nhận được.
Trường là một trường hợp như vậy. Sau vài mối tình thất bại, anh tự thuyết phục bản thân rằng có lẽ mình đã đặt tiêu chuẩn quá cao. Anh bắt đầu hẹn hò với Lam, một cô gái thường tỏ ra xem thường và hay chỉ trích anh. “Có lẽ các mối quan hệ đều như vậy”, anh nói với tôi. Nhưng lời nói của anh cho thấy một vấn đề sâu xa hơn: Anh cảm thấy mình không xứng đáng với một tình yêu thật sự.
Lời khuyên: Hãy nỗ lực xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân. Bạn xứng đáng có được một người yêu thương và tôn trọng bạn. Hãy gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực rằng bạn đang “đòi hỏi quá nhiều” và tìm kiếm một mối quan hệ mà ở đó, cả hai đều dành cho nhau sự tôn trọng và quan tâm.
Thoát khỏi vòng luẩn quẩn
Nếu bạn thấy mình trong những câu chuyện trên, nên nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể thay đổi. Để thoát khỏi những vòng luẩn quẩn này, trước hết bạn cần nhận thức được vấn đề và quyết tâm lựa chọn khác đi. Việc thay đổi những mô thức yêu đương quen thuộc có thể sẽ rất khó khăn, nhất là khi những điều quen thuộc thường mang lại cảm giác an toàn. Tuy nhiên, thông qua việc tự soi chiếu bản thân, tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu và học cách yêu thương bản thân đúng cách, bạn hoàn toàn có thể thu hút những “người đồng hành” phù hợp và có thể mang lại hạnh phúc cho bạn.
Các mối quan hệ có thể – và nên – giúp bạn hạnh phúc hơn. Bằng cách lựa chọn những người đồng hành biết tôn trọng, tử tế và phù hợp với các giá trị của bản thân, bạn có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt dựa trên sự thấu cảm, tin tưởng và gắn kết. Luôn nhớ rằng, thấu cảm chính là “chất keo” gắn kết các mối quan hệ. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang ở bên một người biết quan tâm đến người khác, chứ không chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Tác giả: Jeffrey Bernstein, Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)