06/06/2024

Tại sao chúng ta tức giận?

Khám phá lý do vì sao một số người dễ tức giận hơn so với người khác.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: unsplash

Trước đây, tôi đã từng chia sẻ con người thường trở nên tức giận trong những hoàn cảnh khá dễ đoán. Cụ thể, mọi người thường tức giận khi họ cảm thấy điều gì đó khó chịu, bất công, đáng trách,… Tuy nhiên, điều đó đã dấy lên một số câu hỏi về lý do tại sao một số người tức giận với cường độ dữ dội hơn hoặc thường xuyên hơn những người khác.

Để trả lời cho vấn đề này, tôi sẽ tham khảo mô hình cơn giận của Tiến sĩ Jerry Deffenbacher (1996), trong đó ông trình bày rằng cơn giận là kết quả của sự kết hợp giữa sự kiện kích thích, đặc điểm của cá nhân và cách cá nhân đánh giá tình huống.

Sự kiện kích hoạt

Đầu tiên, hãy xem xét phần đơn giản nhất của công thức này: sự kiện kích thích. Luôn có một sự kiện nào đó xảy ra ngay trước khi ai đó trở nên tức giận, đóng vai trò là tác nhân kích thích (ví dụ: bị cắt ngang khi đang lái xe, bị đồng nghiệp xúc phạm…). Thông thường, mọi người nghĩ rằng cơn giận của họ là do những tình huống này gây ra và họ hay nói những câu như “Tôi rất bực vì bị người lái xe phía trước cắt ngang” hoặc “người đó làm tôi nổi điên.” Hàm ý ở đây là những sự kiện đó trực tiếp gây ra cơn giận của họ và không có yếu tố nào khác can thiệp. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng điều đó không đúng. Vì nếu như vậy, mọi người sẽ phản ứng giống nhau trong những tình huống tương tự. Nói cách khác, tất cả chúng ta sẽ có phản ứng y hệt nhau khi bị cắt ngang khi lái xe hoặc khi bị xúc phạm.

Đặc điểm cá nhân

Có hai yếu tố quan trọng thuộc về cá nhân – trong trường hợp này là người bị tạt đầu xe hoặc bị xúc phạm – ảnh hưởng đến cường độ giận dữ, đó là đặc điểm tính cách (personality traits) và trạng thái trước khi tức giận (the pre-anger state). Về đặc điểm tính cách, chúng ta biết rằng có những kiểu tính cách khiến người ta dễ tức giận hơn (ví dụ, tính ái kỷ, cạnh tranh, khả năng chịu đựng thấp). Mặc dù không thể liệt kê hết các đặc điểm tính cách trong bài viết ngắn gọn này, nhưng thật dễ hiểu khi một người có tính cạnh tranh cao sẽ nổi điên khi bị cắt ngang trên đường, vì đối với họ, lái xe có thể như một cuộc đua với người khác. Tương tự, một người có tính ái kỷ có thể nghĩ mình là người quan trọng nhất trên đường và cảm thấy khó chịu với người lái xe khác vì lý do đó.

Yếu tố cá nhân thứ hai là trạng thái trước khi giận, bao gồm cả cảm giác sinh lý và tâm lý của người đó ngay trước khi tình huống xảy ra. Khi người ta mệt mỏi, lo lắng hoặc đã tức giận sẵn, họ dễ dàng tức giận hơn. Điều này liên quan đến việc kích thích sinh lý. Ví dụ, một người đang lo lắng đã có nhịp tim tăng cao nên dễ dàng chuyển sang trạng thái tức giận hơn.

Đánh giá tình huống

Cuối cùng, việc chúng ta có tức giận trước một tình huống cụ thể hay không phụ thuộc vào cách chúng ta đánh giá hoặc nhìn nhận tình huống đó. Để minh hoạ, tôi sẽ kể một ví dụ. Khoảng 10 năm trước, tôi đi xem phim với một vài người bạn. Mặc dù bạn tôi đã trên 17 tuổi khá lâu rồi, anh ấy vẫn bị yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé. Cuộc đối thoại diễn ra như sau:

Vừa lấy căn cước công dân, bạn tôi vừa nói: “Anh đùa à?”

Người bán vé nhìn vào căn cước, đưa vé cho bạn tôi và nói: “Xin lỗi, nhưng chúng tôi cần phải hỏi khi không chắc chắn.”

Chỉ vậy thôi. Đối với tôi, việc này khá đơn giản và dù tôi thấy rằng việc yêu cầu căn cước có lẽ không cần thiết, nhưng nó không gây phiền hà nhiều và đã được giải quyết nhanh chóng. Tôi nghĩ mọi chuyện đã xong cho đến khi chúng tôi vào rạp và bạn tôi nói: “Không thể tin được! Cậu tin nổi không, hắn ta nghĩ tôi chưa đủ 17 tuổi?!”

Chuyện không dừng lại ở đó. Suốt buổi tối, bạn tôi cứ nhắc đi nhắc lại chuyện này, nói rằng người kia cố ý làm anh ấy bẽ mặt và anh ta nên bị đuổi việc… Khi tôi nói rằng có vẻ như đó chỉ là một nhầm lẫn nhỏ, anh ấy tức giận với tôi và nói: “Không ai nên nhầm lẫn như vậy!”

Tôi không giải thích được vì sao bạn tôi lại cảm thấy bức xúc như vậy. Có thể vì anh ấy nhạy cảm với việc trông trẻ hơn tuổi vì một lý do nào đó. Hoặc có thể cách người bán vé yêu cầu căn cước khiến anh ấy cảm thấy bị xúc phạm. Điều tôi muốn nói là chúng tôi nhìn nhận sự việc rất khác nhau và cách anh ấy đánh giá vấn đề đã khiến anh ấy trở nên rất tức giận.

Đây là điều mà các nhà tâm lý học gọi là đánh giá mang tính nhận thức (cognitive appraisal) (chú thích của ND: cognitive appraisal là cách thức mà con người giải thích khi họ rơi vào một hoàn cảnh nào đó ở một thời điểm nhất định và đánh giá này quyết định phản ứng cảm xúc của họ). Đây là yếu tố nền tảng trong mô hình cơn giận của Tiến sĩ Deffenbacher. Ông cho rằng khi chúng ta đánh giá một tình huống là đáng trách, không hợp lý, đáng bị trừng phạt,… chúng ta sẽ tức giận. Trong trường hợp này, bạn tôi đã cho rằng yêu cầu đó là không hợp lý (“không ai nên nhầm lẫn như vậy”) và đáng bị trừng phạt (“anh ta nên bị đuổi việc”). Nếu anh ấy nhìn nhận tình huống khác đi một chút (ví dụ, “đó là một yêu cầu ngớ ngẩn nhưng cũng không phải vấn đề lớn”), anh ấy sẽ không trở nên tức giận đến vậy.

Điều quan trọng cần nhớ là, cách một người diễn giải, đánh giá một tình huống gây ra cơn giận vẫn có thể chính xác. Ở trên là một ví dụ cực đoan khi bạn tôi và tôi có cách nhìn nhận tình huống rất khác nhau, và tôi sẽ không bao giờ khẳng định rằng cách nhìn nhận của anh ấy là sai còn của tôi mới đúng. Thực tế, đôi khi người ta hoàn toàn đúng khi cho rằng họ đã bị đối xử không công bằng và trong những trường hợp đó, sự tức giận là một cảm xúc hoàn toàn hợp lý.

Tác giả: Ryan Martin Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *