24/10/2023
Khám phá bí quyết hạnh phúc đích thực: Tìm hiểu lí do vì sao chi tiêu cho những trải nghiệm lại tạo ra hạnh phúc lâu dài, không giống như những món đồ vật chất.
Ý chính trong bài:
Đối với hầu hết chúng ta, tiền là một nguồn tài nguyên có hạn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều đồng ý rằng điều quan trọng nhất không phải là số tiền chúng ta được trả mà là cách chúng ta sử dụng số tiền đó. Cụ thể là chúng ta chi tiền vào việc gì.
Phần lớn thu nhập của chúng ta được dùng để trang trải các khoản phí cơ bản. Số tiền còn lại có thể được dùng để mua một chiếc điện thoại mới, một chiếc laptop hoặc quần áo đang giảm giá.
Mua sắm luôn khiến chúng ta phấn khích đôi chút. Nhưng đáng tiếc là sự nồng nhiệt này rất nhanh chóng phai nhạt.
“Đừng đánh giá đồng tiền cao hơn hoặc thấp hơn giá trị của nó, vì nó vừa là người giúp việc tốt và cũng là người chủ tệ”. – Alejandro Dumas, Jr.
Bạn có biết, có một nhánh kinh tế học được gọi là Kinh tế học hạnh phúc (Economics of happiness)? Ngành nghiên cứu này đo lường mối quan hệ giữa thu nhập, chi phí và mức độ hài lòng của một người đối với cuộc sống.
Dựa trên nhiều bằng chứng, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều tiền hơn không có nghĩa là nhiều hạnh phúc hơn. Vậy chìa khóa của hạnh phúc là gì?
Tiền và những món đồ vật chất
Nhiều người chi khoản tiền dư của họ vào những món đồ vật chất. Họ thậm chí phải hy sinh rất nhiều để có được chúng. Họ cắt bớt những chi phí cơ bản hoặc vay nợ. Một ví dụ cụ thể là cuộc chạy đua thay mới điện thoại di động, nó không còn đơn thuần là một công cụ liên lạc mà là biểu tượng của địa vị.
Chúng ta có thể cảm nhận một sự cạnh tranh gay gắt trong lựa chọn tiêu dùng. Điện thoại di động chỉ là một trong những ví dụ, ngoài ra còn có các thiết bị điện tử, quần áo, hay phương tiện đi lại…
Và thực sự, với những thứ vật chất này, thương hiệu đôi khi quan trọng hơn hết thảy. Bạn không chỉ có một chiếc xe hơi, bạn sở hữu một chiếc BMW. Bạn không chỉ có một chiếc điện thoại, nó phải là một chiếc iPhone.
Với hầu hết các món đồ như vậy, sự so sánh (ngầm hay cố ý) với người khác ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua sắm của chúng ta. Chúng ta chọn một thương hiệu cụ thể hoặc một thứ cụ thể để ngang bằng hoặc tốt hơn những người xung quanh.
Những món đồ này đôi khi cho chúng ta cảm giác được thuộc về một nhóm nào đó. Nhưng nghịch lý thay, chúng cũng biểu thị sự căng thẳng. Đặc biệt là đối với những vật phẩm xa xỉ, chúng có xu hướng tạo ra khoảng cách.
Tiền và những trải nghiệm
Các nhà kinh tế học về hạnh phúc đã nghiên cứu, đo lường và kết luận rằng: việc chi tiền cho những trải nghiệm sẽ tạo ra sự hài lòng hơn nhiều so với việc chi tiền cho các món đồ yêu thích.
Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell, đã nghiên cứu chủ đề này trong nhiều năm. Ông phát hiện ra rằng con người thích nghi với đồ vật một cách cực kỳ dễ dàng.
Ngay sau khi sở hữu chúng, chúng bắt đầu trở thành thói quen, không còn hấp dẫn. Nói cách khác, chúng trở nên nhạt nhẽo. Những điều thông thường không làm cho chúng ta hạnh phúc.
Tuy nhiên, với những trải nghiệm, điều ngược lại xảy ra. Khi chúng có ý nghĩa, chúng có giá trị, giá trị này sẽ tăng theo thời gian.
Hơn nữa, các trải nghiệm có khả năng kết nối con người. Hai người có thể sở hữu cùng một dòng iPhone nhưng chưa chắc cảm thấy liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, hai người sưu tập tem khả năng cao sẽ cảm thấy gần gũi với nhau.
Nếu bạn đi mua sắm với ai đó, bạn chưa chắc sẽ gắn kết với họ như khi bạn cùng họ thực hiện một hoạt động hoặc cùng nhau đi du lịch. Trong trường hợp này, sự căng thẳng do cạnh tranh sẽ không xảy ra, mà ngược lại là sự xuất hiện của sự thấu hiểu và tinh thần đoàn kết.
Hãy cân nhắc việc chi tiêu cho trải nghiệm
Trải nghiệm tạo nên con người chúng ta. Trong khi đó, những trải nghiệm mà các đồ vật mang lại cho chúng ta thường rất hạn chế. Điều này có nghĩa rằng các đồ vật thực sự không có khả năng làm cho chúng ta say mê với niềm vui và cảm giác sống một cuộc sống trọn vẹn. Ngược lại, những trải nghiệm có khả năng làm được điều đó.
Ngay cả nhiều trải nghiệm tiêu cực, khi được xử lý, cũng biến thành những câu chuyện có ý nghĩa, thậm chí là những câu chuyện hài hước. Và những trải nghiệm tích cực chính là nguồn dinh dưỡng thực sự cho tâm hồn.
Nhiều năm sau, chúng ta vẫn có thể nhớ đến chúng và hồi tưởng lại được một số cảm giác tuyệt vời đó. Chúng không bị hao mòn theo thời gian.
Không giống như những món đồ được sản xuất hàng loạt, mỗi trải nghiệm là duy nhất. Ngay cả khi chúng ta trải qua một điều gì đó tương tự, nó cũng sẽ không bao giờ giống nhau. Đó là lý do vì sao những trải nghiệm luôn đáng giá.
Có những cuộc trò chuyện tuyệt vời khiến chúng ta không bao giờ quên. Có những nơi tuyệt vời đưa chúng ta đến ranh giới của sự kinh ngạc và thán phục. Niềm vui của một bữa ăn hoặc thời gian dành cho bạn bè thì không thể nào đong đếm được.
Nếu điều chúng ta đang tìm kiếm là: muốn cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn thì tốt nhất là nên suy nghĩ lại cách chúng ta sử dụng các nguồn lực của mình. Đặc biệt là tiền bạc.
Bằng việc tập trung ít hơn vào các món đồ vật chất và nhiều hơn vào các trải nghiệm, có thể chúng ta sẽ tìm thấy con đường dẫn đến hạnh phúc.
Theo Exploring Your Mind
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Biên tập: AGATE
Bình luận (0)