12/04/2023
Bạn luôn muốn làm mọi thứ thật “hoàn hảo”? Bạn muốn kiểm soát từng yếu tố có thể dẫn đến kết quả? Đồng thời, bạn thường trực cảm giác lo âu, e sợ việc sẽ không như ý? Và chính bạn cũng cảm thấy bế tắc vì điều này? Đây là bài viết dành cho bạn.
Được viết bởi Sonya Matejko
Ý chính trong bài:
Không đạt được những kỳ vọng của mình có thể là một điều khó chấp nhận. Áp lực xã hội, những thay đổi quan trọng trong cuộc sống và mạng xã hội có thể càng làm cho mọi thứ trở nên thách thức hơn, khiến bạn khó có thể tự thuyết phục bản thân rằng bạn đang “đủ đầy”.
Nhưng sự thật là: Bạn đã “đủ đầy” rồi!
Và nếu như bạn đang cảm thấy có những áp lực nặng nề và phi thực tế về việc phải trở nên “hoàn hảo” hoặc lo lắng về việc không sống đúng là “phiên bản tốt nhất của bản thân” thì đây có thể là một dấu hiệu của chủ nghĩa cầu toàn. Nhưng, tin tốt là bạn không phải sống với sự lo âu này mãi.
Lo âu là gì?
Cảm thấy căng thẳng khi ở trong trạng thái “Chiến đấu hay bỏ chạy” (đối diện với vấn đề hay làm lơ vấn đề) là một chuyện rất tự nhiên. Đó là cách mà cơ thể bảo vệ chúng ta thông qua việc nâng cao nhận thức của bản thân. Khi căng thẳng và lo âu bắt đầu gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của bản thân, bạn có thể suy nghĩ về việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe về tinh thần.
Các triệu chứng của lo âu thường bao gồm:
Trong khi có rất nhiều yếu tố có thể gây nên lo âu thì chủ nghĩa cầu toàn có thể là một trong số đó.
Chủ nghĩa cầu toàn là gì?
Rebecca Phillips – một chuyên gia tâm lý ở Texas, cho biết: “Chủ nghĩa cầu toàn là khi con người xuất hiện một áp lực phải liên tục đáp ứng những tiêu chuẩn cực kỳ cao để các giá trị của bản thân được công nhận. Bất chấp những hậu quả tiêu cực do sự phấn đấu không ngừng mang lại”.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chủ nghĩa cầu toàn là lòng tự trân trọng thấp (self-esteem). Bà Phillips cho biết: “Họ có một niềm tin tiềm ẩn rằng nếu họ hoàn hảo thì có lẽ sau đó họ sẽ trở nên “đủ đầy”, và nhiều người cố gắng bù đắp cho cảm giác tự ti đó bằng cách làm việc quá sức”.
Sự cầu toàn cũng có thể là một biểu hiện của mong muốn kiểm soát (manifestations of control).
Emilea Richardson – Một nhà tham vấn trị liệu về hôn nhân và gia đình cho biết, những người có khuynh hướng cầu toàn thường có ý nghĩ rằng: “Nếu tôi có thể kiểm soát kết quả này một cách hoàn hảo thì tôi có thể kiểm soát cảm giác của mình và cảm giác của người khác về những thứ xung quanh tôi và về tôi”.
Chủ nghĩa cầu toàn có thể bắt nguồn từ thời thơ ấu. Bà Phillips giải thích rằng: “Những đứa trẻ thường xuyên nhận những lời phán xét khắc nghiệt từ cha mẹ đôi khi dành cả cuộc đời để đáp ứng những kỳ vọng đó và không bao giờ cảm thấy mình đủ tốt”.
Cho dù có yếu tố nào kể trên liên quan đến bạn, bạn cần biết rằng chúng ta hoàn toàn có thể học cách ứng phó với chủ nghĩa cầu toàn. Bước đầu tiên là nhận ra nó.
Những dấu hiệu của chủ nghĩa cầu toàn:
Liệu chủ nghĩa cầu toàn có dẫn đến lo âu (anxiety)?
Câu trả lời là CÓ. Chủ nghĩa cầu toàn có thể dẫn đến lo âu – bên cạnh một số vấn đề sức khỏe tinh thần khác.
Một nghiên cứu năm 2016 gồm 398 sinh viên tham gia đã phát hiện ra 6 khía cạnh liên quan của sự cầu toàn và sự nhạy cảm với lo âu.
Nghiên cứu tìm ra rằng “Quan tâm quá mức đến những thiếu sót, kỳ vọng của chính mình, kỳ vọng của gia đình, nhận xét chỉ trích của cha mẹ, hành động do dự và khả năng tổ chức” có mối tương quan đáng kể đến sự nhạy cảm với lo âu.
Chuyên gia tâm lý Phillip chia sẻ: “Lo âu cũng có thể làm trầm trọng thêm sự cầu toàn – và ngược lại. Bà cho rằng giá trị bản thân của những người theo chủ nghĩa cầu toàn thường gắn liền với hiệu suất, “họ có thể trải qua những suy nghĩ cực kỳ lo âu khi hiệu suất của họ không đáp ứng được những tiêu chuẩn cao mà họ đặt ra ”.
Theo Tiến sĩ Pauline Yeghnazar Peck, tiến sĩ tâm lý học ở California, sự lo âu có thể trở nên trầm trọng hơn khi bạn liên tục không đáp ứng được kỳ vọng của mình. “Sự bất lực và nỗ lực gấp đôi sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên về trí tuệ và cảm xúc của chúng ta.”
Các tình trạng sức khỏe tinh thần khác liên quan đến chủ nghĩa cầu toàn bao gồm:
Khi nào tình trạng của bạn cần giúp đỡ?
Richardson đề nghị: “Những ai theo chủ nghĩa cầu toàn nhưng cảm thấy cuộc sống đang bị bế tắc vì khó tham gia vào các mối quan hệ có ý nghĩa hoặc cảm thấy bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực vì không thể đạt đến sự hoàn hảo như mong đợi thì nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tinh thần”.
Nếu sự cầu toàn của bạn làm gia tăng sự lo âu đến mức bạn cảm thấy cơn hoảng loạn (panic attack) sắp ập đến hoặc bạn thường xuyên bị hoảng loạn, thì đây có thể là một dấu hiệu khác cho thấy bạn cần đến sự giúp đỡ của một nhà tham vấn trị liệu.
Làm thế nào để quản lý chủ nghĩa cầu toàn và lo âu
Có nhiều cách khác nhau để quản lý và ứng phó với suy nghĩ cầu toàn và lo âu. Mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau theo những cách khác nhau, vì vậy hãy cho mình cơ hội tìm ra chiến lược phù hợp với bản thân:
– Thực hành lòng trắc ẩn (self-compassion): Chuyên gia tâm lý Phillips cho biết: “Lòng tự trắc ẩn là liều thuốc giải mạnh mẽ cho chủ nghĩa cầu toàn. Lòng trắc ẩn với bản thân đòi hỏi chúng ta phải tử tế và chấp nhận bản thân như cách chúng ta sẽ làm với người bạn thân của mình. Đối với những người cầu toàn, điều đó có nghĩa là cho phép bản thân trở thành một con người không-hoàn-hảo và biết rằng bạn có giá trị, bạn xứng đáng được yêu thương và trân trọng bất kể bạn không-hoàn-hảo như thế nào đi chăng nữa”.
– Tập trung vào thực tại: Richardson giải thích: “Khi cảm giác lo lắng quá mức về việc thiếu hoàn hảo xuất hiện, tôi yêu cầu thân chủ của mình tập trung vào cơ thể của họ. Hãy hít một hơi thật sâu, nhớ rằng cơn hoảng loạn và xấu hổ này sẽ tan biến. Hãy nhớ, cảm xúc này chưa hẳn phản ảnh đúng sự thật và bạn vẫn có thể thực hiện những hành động thiếu hoàn hảo nhưng đầy dũng cảm và ý nghĩa cho dù đó là một việc rất khó.
– Hãy không hoàn hảo: Peck gợi ý bạn hãy tham gia vào các hoạt động không có mục tiêu cụ thể. Ví dụ, vẽ tranh hoặc chơi một môn thể thao mà không áp lực bản thân phải đạt kết quả tốt. “Cố ý luyện tập để trở nên không hoàn hảo theo những cách ít rủi ro có thể giúp hệ thần kinh của bạn quen với việc làm điều gì đó không-hoàn-hảo, có thể ban đầu cảm thấy hơi bất ổn và rồi sau đó sẽ nhận thấy trải nghiệm đó ổn.”
Ngoài ra còn có một số kỹ thuật khác bao gồm: tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, thực hành chánh niệm (mindfulness) và chủ động tránh những việc dễ gây lo lắng hoặc khiến bạn cảm thấy mình “không đủ”.
Tóm tắt
Hãy tiến lên phía trước, quan sát bản thân và để ý xu hướng cầu toàn của chính mình. Trong quá trình đó, bạn có thể khám phá nguyên nhân gốc rễ của sự cầu toàn hoặc cân nhắc sử dụng một trong các cách ứng phó nêu trên.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát những suy nghĩ hoặc cảm xúc lo lắng, hãy cân nhắc đến việc liên hệ với các chuyên gia về sức khỏe tinh thần.
Trên hết, đừng đặt kỳ vọng quá cao vào quá trình chữa lành. Hãy thật chậm rãi, kiên nhẫn với bản thân và nhớ rằng bạn không cần phải làm hết tất cả, trở thành tất cả hoặc có tất cả để trở nên trọn vẹn.
Hay, như Richardson nói: “Còn một cuộc sống tốt bên cạnh một cuộc sống hoàn hảo.”
Nguồn tham khảo: Psychcentral
Biên dịch: Tâm
Biên tập: Trinh
Bình luận (0)