01/10/2024
Tâm linh là một khái niệm bị bỏ rơi trong thời đại lo âu, trầm cảm và nghiện ngập.
Ý chính trong bài:
Tâm linh đã trở thành một chủ đề được nhiều người quan tâm thời gian gần đây trong cộng đồng khoa học. Điều này được thể hiện qua hàng loạt những bước tiến trong những nghiên cứu liên quan đến vai trò của tâm linh trong các nhóm hỗ trợ đồng đẳng, tâm lý học sức khỏe, tâm thần học và lĩnh vực nghiên cứu về ý thức.
Tâm linh: một cấu trúc tâm lý và yếu tố có tính trị liệu
Tâm linh theo truyền thống vẫn luôn được xem là một khái niệm khó nắm bắt và khó khảo sát. Do đó, vai trò của nó trong sức khỏe tâm lý được xem là hầu như không có.
Tuy nhiên, gần đây hơn, tâm linh đã được đặt đúng vị trí trong tâm lý học đương đại. Nhiều mệnh đề siêu lý thuyết (metatheory) đã giải thích tâm linh như một cấu trúc tâm lý hợp thức, khác với tôn giáo/tín ngưỡng và có khả năng áp dụng xuyên văn hóa.
Mặc dù có thể bao gồm tôn giáo, tâm linh nhìn chung được hiểu là những phương thức siêu việt nhằm phát huy tiềm năng của con người và là từ đồng nghĩa với các khái niệm như hy vọng, ý nghĩa, sự toàn vẹn, sự hòa hợp và siêu việt (O’Reilly, 2004). Tâm linh đã được công nhận là một đặc trưng quan trọng của quá trình trị liệu, góp phần cải thiện sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống, đồng thời giảm thiểu hành vi chống xã hội, lạm dụng chất gây nghiện và tỷ lệ tự sát (Brawer và cộng sự, 2002).
Ví dụ, những nghiên cứu gần đây về liệu pháp giản đồ nhận thức (schema therapy) – một phương pháp ngày càng phổ biến được các nhà lâm sàng áp dụng trong làm việc với người mắc nhiều rối loạn – giải thích tâm linh là “tri thức tự nhiên, không nhất thiết gắn liền với các tổ chức tôn giáo. Tâm linh có thể tạo nên nội lực, giúp định hướng khi con người đối mặt với mất mát và nghịch cảnh” (Edwards, 2022, tr. 5).
Tương tự, ngành tâm lý học sức khỏe gần đây đã có các bước tiến trong việc phát triển các phương pháp đánh giá về tâm linh (Braghetta và cộng sự, 2021). Các nhà khoa học đang đề xuất một khung nghiên cứu mới để hiểu rõ hơn về tâm linh, xem đây là một khía cạnh quan trọng của nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (de Brito Sena và cộng sự, 2021).
Cơ sở khoa học của tâm linh
Hàng loạt các bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tâm lý (Stanard và cộng sự, 2000), và bất kỳ liệu pháp tâm lý nào đi sâu vào bản chất con người đều sẽ chạm đến lĩnh vực tâm linh (Elkins, 2005). Kết quả phân tích tổng hợp từ 31 nghiên cứu về các liệu pháp trị liệu tâm lý theo hướng tâm linh đã đưa ra được các bằng chứng thực nghiệm về lợi ích của các phương pháp này đối với những cá nhân đang trải qua các vấn đề tâm lý như lo âu, rối loạn ăn uống, trầm cảm và stress (Smith và cộng sự, 2007).
Những đóng góp đương đại trong các báo cáo về lĩnh vực nhận thức cho thấy có mối liên hệ nhân quả thuận giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe tâm linh (Saad et.al., 2022), cũng như những bằng chứng bổ trợ khác cho thấy việc sử dụng những trải nghiệm tâm linh để hỗ trợ các trạng thái sức khỏe tâm thần như nghiện, trầm cảm, và lo âu giúp cải thiện cuộc sống một cách tích cực (Corneille & Luke, 2021).
Những đóng góp gần đây trong ngành tâm thần học khẳng định rằng “ngành tâm thần học lâm sàng hiện đại đang hướng đến cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả cho những người mắc bệnh tâm thần theo cách tiếp cận toàn diện, tích hợp… các khía cạnh xã hội và tâm linh” (Huber & Schneeberger, 2020, tr. 1).
Cuối cùng, các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh được hiệu quả trong việc điều trị rối loạn sử dụng chất của chương trình 12 bước (12SP) – vốn bắt nguồn từ tổ chức Alcoholics Anonymous (AA) và các phương pháp điều trị cai nghiện. Chương trình này không những hiệu quả khi áp dụng độc lập, mà còn bổ trợ hiệu ích cho các phương pháp điều trị chuyên nghiệp khác để điều trị chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện (Kelly và cộng sự, 2020). Mặc dù trước đây từng bị giới học thuật nghi ngờ và chỉ trích, nhưng hiện nay, “bằng chứng về hiệu quả của các chương trình can thiệp 12SP rất thuyết phục” (Greene, 2021, tr. 19). Trong chương trình 12SP, tâm linh là cấu trúc cốt lõi, đồng thời là yếu tố trị liệu, và là cơ chế thay đổi (Kelly và cộng sự, 2011).
Khoa học thần kinh, Ý thức và Tâm linh
Với những tiến bộ và sự kết hợp đã đề cập, không có gì ngạc nhiên khi sự kết hợp giữa khoa học thần kinh và lợi ích lâm sàng của các thực hành tâm linh đã trở thành động lực chính của nghiên cứu khoa học gần đây.
Các nghiên cứu đương đại về ý thức đang cung cấp những bằng chứng sơ bộ về tâm linh bằng cách khẳng định rằng:
(1) tâm trí tách biệt với não bộ;
(2) tâm hồn và linh hồn tương tự như năng lượng và thông tin tồn tại trong không gian vô tận;
(3) cá nhân có thể tiếp nhận những thông tin trực giác thật sự chính xác và hữu ích trong đời sống riêng và tập thể; và
(4) sức khỏe thể chất và tinh thần có thể được nuôi dưỡng thông qua những thực hành tâm linh có tính tích cực và nhân ái.
Minh triết đến từ Carl Jung
Gần một thế kỷ trước, Carl Jung nhận thấy nhiều người trong thời đại của ông bị ám ảnh bởi cảm giác tầm tường, bất lực và vô vọng. Trong bộ Toàn Tập Các Công Trình (The Collected Works) của mình, Jung kết luận rằng những cảm giác này bắt nguồn từ “vấn đề tâm linh của con người hiện đại”.
Thực hành tâm linh – Bắt đầu từ đâu?
Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chuyên môn của bản thân, tôi có thể khẳng định (mà không hề nói quá) rằng, các thực hành tâm linh có thể giúp tất cả mọi người tránh được nhiều năm trị liệu tâm lý hoặc đắm chìm trong đau khổ.
Không bất ngờ khi gần đây, nhiều tác giả/ bậc thầy tâm linh – trong đó có những tên tuổi nổi tiếng thế giới như Tolle và Singer – đã tích cực lan toả các thông điệp về tâm linh.
Sau cùng, William James – người khởi đầu của Tâm lý học hiện đại – đã đưa ra một điểm để khởi đầu hành trình tâm linh bằng cách phân biệt các vấn đề sau đây của Cái Tôi. Nói một cách ngắn gọn, quá trình này liên quan đến “Cái Tôi Chủ Thể” và “Cái Tôi Đối Tượng” trong quá trình quan sát chính mình.
“Cái Tôi Chủ Thể” là Cái Tôi đóng vai trò chủ thể của các trải nghiệm sống, đây là phần liên quan đến việc thực hành thiền, Mindfulness và các khái niệm khác trong Phật Giáo. Cái Tôi này đóng vai trò người quan sát, người suy nghĩ, chịu trách nhiệm cho quá trình tự nhận thức và hiểu biết về chính mình.
“Cái Tôi Đối Tượng” là phần Cái Tôi đóng vai trò đối tượng của các trải nghiệm sống hoặc các quá trình tư duy.
(Ví dụ: khi tự quan sát bản thân và cảm nhận được có cảm xúc giận dữ xuất hiện; cảm xúc giận dữ là “Cái Tôi Đối Tượng”, “Cái Tôi Chủ Thể” là phần đang quan sát – BT)
Sự khác biệt giữa 2 khái niệm này gần đây được chú ý trở lại trong lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức (neurocognitive science), đặc biệt trong các nghiên cứu về Cái Tôi và Ý Thức.
Tác giả: Sebastian Salicru
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: Nguyễn Phước Cát Phượng – Thạc sĩ khoa học
Theo Psychology Today
Bình luận (0)