06/10/2023

Tâm lý học về động lực tự thân (Self-motivation)

Kỹ năng tự tạo động lực là một kỹ năng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của một cá nhân. Động lực nhắc nhở bạn về mục đích, giá trị của bản thân và cách bạn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Động lực tự thân (Self-motivation)

Một bạn học sinh hoàn thành bài tập về nhà của mình chỉ vì cha mẹ nhắc nhở, cằn nhằn hoặc thậm chí là phạt. Một bạn học sinh khác hoàn thành bài tập của mình mà không cần ai thúc giục vì bạn ấy muốn thi đậu vào trường Luật, bạn muốn sau này có thể trở thành luật sư giống ba mình.

Trường hợp đầu tiên động lực học tập của bạn học sinh là gì? Nếu bạn làm một việc chỉ để đạt được các tiêu chuẩn do người khác đặt ra chứ không phải vì sự hài lòng bên trong của chính bạn, thì có lẽ đó chưa phải là động lực tự thân.

Động lực tự thân liên quan đến việc động lực của bạn từ đâu mà có; nếu động lực của bạn đến từ bên trong và thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu vì những lý do cá nhân của riêng bạn, thì đó có thể được coi là động lực tự thân.

Nó là sự thôi thúc bên trong của chính mỗi người, một loại động lực đến từ mong muốn thực sự đạt được điều gì đó và khao khát những phần thưởng liên quan đến điều bạn muốn đạt được. Động lực tự thân hướng bạn tới mục tiêu của mình, nỗ lực phát triển bản thân và đạt được sự thỏa mãn cá nhân.

Động lực tự thân cũng có thể được thúc đẩy từ động lực bên ngoài, xuất phát từ việc mong muốn những phần thưởng bên ngoài (như tiền bạc, quyền lực, địa vị hoặc sự công nhận của người khác), mặc dù rõ ràng là động lực bên trong thường hiệu quả và mang tính thỏa mãn hơn. Bởi lẽ nếu bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, một ngày nào đó những yếu tố đó mất đi thì liệu rằng một cá nhân có còn động lực để cố gắng?

Ví dụ: Một người đàn ông đi làm chỉ như một phương tiện để thanh toán các hóa đơn, tránh xa gia đình và làm hài lòng ông chủ của anh ta thì không có động lực tự thân, vì nếu một ngày nào đó anh ta không còn phải lo cho gia đình, không cần phải làm vừa lòng sếp thì anh ta sẽ cố gắng vì điều gì, liệu anh ta có còn cố gắng làm việc nữa không? Trong khi một người đàn ông không cần ngoại lực để đi làm hàng ngày và tìm thấy sự thỏa mãn trong những gì anh ấy làm là động lực tự thân. Tức là mỗi ngày anh ấy đi làm, anh thấy mình giỏi giang và tiến bộ hơn, anh thấy mình có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và anh vui vẻ vì những điều đó, anh càng ngày càng muốn làm việc năng suất hơn và cố gắng thách thức các giới hạn của bản thân hơn và càng tập trung vào công việc hơn.

Niềm tin vào năng lực bản thân và động lực có mối quan hệ như thế nào?

Nhà tâm lý học Scott Geller – Người đi đầu trong nghiên cứu về động lực bản thân giải thích rằng có ba câu hỏi bạn có thể sử dụng để xác định xem bạn (hoặc ai đó trong cuộc sống của bạn) có động lực tự thân hay không:

1.    Bạn có làm được không? (Can you do it?)
2.    Hành động của bạn sẽ đạt hiệu quả chứ? (Will it work?)
3.    Việc này có đáng không? (Is it worth it?)

Nếu bạn trả lời “Có” cho cả 3 câu hỏi trên, rất có thể bạn là người có động lực tự thân. Nếu bạn tin rằng bạn có thể làm được, bạn có niềm tin vào năng lực bản thân. Nếu bạn tin rằng hành động của bạn sẽ hiệu quả, thì bạn có phản ứng tích cực – tin rằng hành động bạn đang thực hiện sẽ dẫn đến kết quả mà bạn mong muốn. Và nếu bạn tin rằng nó xứng đáng, thì chắc rằng bạn đã cân nhắc giữa những gì bạn phải bỏ ra với kết quả mà bạn sẽ nhận lại và quyết định rằng kết quả nhận lại sẽ lớn hơn những gì bạn bỏ ra.

Nói đến những nền tảng quan trọng cho động lực tự thân, Geller có nhắc đến 4 chữ “C” (theo tiếng Anh)

  1. Kết quả (Consequences): Để tự tạo động lực cho bản thân, bạn thực sự muốn gặt hái những kết quả liên quan đến những hành động bạn thực hiện hơn là chỉ làm một việc gì đó để tránh những hậu quả tiêu cực;
  2. Năng lực (Competence): Nếu câu trả lời bạn dành cho cả ba câu hỏi trên là “có”, bạn sẽ cảm thấy mình có đủ năng lực để hoàn thành công việc;
  3. Lựa chọn (Choice): Khi bạn hiểu rằng bạn có quyền lựa chọn cho những quyết định và hành động của mình, điều này sẽ tạo cho bạn nhiều động lực hành động hơn;
  4. Cộng đồng (Community): Sự hỗ trợ xã hội và kết nối với những người khác là rất quan trọng để cảm thấy có động lực và tin tưởng vào bản thân cũng như khả năng đạt được thành tích của bạn.

Tầm quan trọng của tự tạo động lực cho bản thân

Tự tạo động lực cho bản thân là một điều quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Mặc dù làm hài lòng người khác và đáp ứng các tiêu chuẩn bên ngoài có thể thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc, nhưng những nỗ lực đó không hẳn là làm vì bạn thực sự muốn. Nói cách khác, làm mọi việc vì chúng ta cảm thấy mình phải làm hoặc để đạt được một số phần thưởng bên ngoài là đủ trong nhiều trường hợp, nhưng nó không gợi lên niềm đam mê cần thiết để thúc đẩy sự đổi mới và xuất sắc.

Bạn có thể sử dụng các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy bạn trong một số lĩnh vực, nhưng động lực bên ngoài ít có khả năng khiến bạn cảm thấy mãn nguyện và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống của mình. Nhìn chung, chúng ta không chỉ làm việc tốt hơn khi có động lực tự thân mà còn có khả năng đối phó với căng thẳng tốt hơn và đơn giản là hạnh phúc hơn khi được làm những gì mình muốn. Các nghiên cứu của Ryan & Deci năm 2001 và Kasser năm 2003 đã ghi nhận rằng động lực bên trong (động lực tự thân) ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người, trong khi động lực bên ngoài lại có tác động tiêu cực. Sheykholeslami và Razavie năm 2005 đã chỉ ra rằng những động lực bên trong có mối quan hệ tích cực và đáng kể với sự sáng tạo. Kết quả nghiên cứu của Amir Hossein Khoshnam cùng cộng sự năm 2013 cũng cho thấy có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa động lực tự thân và thành tích học tập cũng như giữa hạnh phúc và thành tích học tập (Amir Hossein Khoshnam cùng cộng sự, 2013).

Những cách để nuôi dưỡng động lực tự thân cho chính bạn

Với những lợi ích của việc tự tạo động lực cho bản thân, câu hỏi tiếp theo của bạn có thể là: Tôi có thể trở nên “có động lực” hơn không?

Câu trả lời chắc chắn là .”

Động lực tự thân được thúc đẩy bởi những yếu tố (thói quen/ kỹ năng) mà bạn hoàn toàn có thể tác động được. Hãy cùng tìm hiểu để vận dụng nó thật tốt nhé.

1. Ghi mục tiêu của bạn vào lịch

Một cách để tăng cường động lực bên trong của bạn là tạo ra một số động lực bên ngoài: Đặt ra “deadline” cho kế hoạch của mình.

Dù bạn đang nhắm đến mục tiêu hoàn thành điều gì, hãy ghi nó vào lịch. Bạn có thể đang hướng tới một mục tiêu với ngày kết thúc đã định sẵn. Ví dụ như chuẩn bị cho bài kiểm tra hoặc tham gia một khóa học có ngày kết thúc cố định. Nếu mục tiêu của bạn thiếu ngày bắt đầu và kết thúc, bạn có thể tự bổ sung bằng cách quyết định ngày mà bạn có thể đạt được mục tiêu của mình trên thực tế.

Biết được thời điểm “deadline” cần phải hoàn thành không chỉ giúp bạn duy trì động lực mà còn giúp bạn theo dõi tiến trình của mình – bạn luôn biết mình còn phải đi bao xa nữa. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc của bạn.

2. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Lưu ý rằng không ai bắt bạn phải đọc sáu chương sách giáo khoa, xem hai giờ video bài giảng hoặc dành một giờ đổ mồ hôi trên máy chạy bộ trong một lần. Bắt đầu thường là phần khó nhất trong những ngày có ít động lực và việc bắt đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều khi nhiệm vụ được chia nhỏ: Soạn sách vở theo thời khóa biểu trước khi làm bài tập về nhà hoặc mang giày trước khi chạy bộ.

Những hành động có vẻ nhỏ nhặt này có thể giúp bạn chuẩn bị tâm thế cho nhiệm vụ sắp tới, nhờ đó giai đoạn tiếp theo – một buổi học dài hơn hoặc một buổi tập luyện đầy đủ – có thể diễn ra tự nhiên hơn với ít sức đề kháng về tinh thần hơn.

3. Đặt mục tiêu nhỏ để tạo động lực

Nếu bắt đầu từ những việc nhỏ nhất giúp bạn từng bước hoàn thành một công việc, thì bắt đầu đặt những mục tiêu nhỏ có thể giúp bạn đi hết một đoạn đường dài và đạt được một mục tiêu lớn.

Nghiên cứu cho thấy rằng những thành công nhỏ, thường xuyên, có thể tạo ra động lực để thúc đẩy thành công lâu dài, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của quá trình làm một việc gì đó. Bất kể mục tiêu lớn của bạn là gì, hãy bắt đầu bằng cách chia nó thành những phần nhỏ hơn. Ví dụ: Nếu bạn muốn tham gia cuộc thi marathon 12km, thì bạn cần đặt mục tiêu hoàn thành 1km đầu tiên, rồi 3km tiếp theo, 5km, 7km, 10km và 12km. Mục tiêu nhỏ không những giúp bạn có thêm niềm tin vào bản thân mà còn đồng thời từ từ nâng cao sức bền của bạn, giúp bạn tiến tới những chặng đường dài hơn. Tương tự như vậy, một mục tiêu khác liên quan đến việc học tập. Mục tiêu lớn của bạn là đạt 9.0 môn Toán năm lớp 10. Các mục tiêu nhỏ hơn bạn có thể thực hiện là chăm chỉ xem bài trước khi đến lớp để được 10 điểm miệng, tiếp theo là ôn tập để được 9 điểm 15 phút, 9 điểm 45 phút và 9 điểm thi học kì. Tất các các con điểm trên đều trên 9.0 thì trung bình cuối năm của bạn sẽ đạt được mục tiêu.

4. Theo dõi tiến trình của bạn

Nhìn thấy sự tiến bộ của chính mình có thể mang lại động lực rất lớn. Hiện tại có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn theo dõi các mục tiêu của mình. Các công cụ có thể đơn giản như danh sách việc cần làm (to-do list), lịch để bàn – bạn có thể gạch bỏ các nhiệm vụ hoặc ngày khi bạn hoàn thành chúng. Hoặc bạn có thể chọn một công cụ miễn phí như Trello, Notion, Todoist, Obsidian… cho phép bạn tạo một bảng nhiệm vụ kỹ thuật số được cá nhân hóa để phân loại mục tiêu lớn của bạn thành các mục tiêu phụ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Một lựa chọn khác là vẽ một lịch trình hoặc sơ đồ tư duy lên giấy khổ lớn, treo nó ở đâu đó mà bạn sẽ nhìn thấy nó thường xuyên và điền vào khi bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.

5. Ghi nhận bản thân

Ghi nhận bản thân là một cách để bạn thấy được bản thân mình đang tiến bộ và phát triển từng ngày, dù là rất nhỏ hoặc rất chậm. Có nhiều cách để ghi nhận bản thân, ví dụ như tự khen mình, khoe thành tích của mình với người khác, tự thưởng… Trước hết, cảm xúc khi bạn được khen thưởng thường rất tuyệt vời phải không? Đồng thời phần thưởng cũng có thể giúp cải thiện động lực và hiệu suất làm việc. Tự thưởng cho bản thân khi đạt được những cột mốc nhỏ và hoàn thành mục tiêu lớn có thể thúc đẩy sự quan tâm và niềm vui của bạn đối với công việc bạn đang làm. Những phần thưởng này không nhất thiết phải lớn hoặc tốn nhiều tiền. Dưới đây là danh sách nhanh các ý tưởng bạn có thể sử dụng để tự thưởng cho mình:

Hãy dành vài phút để lập danh sách phần thưởng mà bạn muốn để bạn sẵn sàng ăn mừng chiến thắng của mình, dù lớn hay nhỏ.

6. Thực hành lòng biết ơn

Thực hành lòng biết ơn bao gồm việc bày tỏ sự biết ơn với mọi việc đã diễn ra, biết ơn người khác, vũ trụ và đừng quên biết ơn cả bản thân bạn. Lòng biết ơn sẽ dẫn đến sự thỏa mãn, chấp nhận thực tế, giúp bạn nhận ra rằng cuộc sống này tươi đẹp và còn nhiều điều ý nghĩa hơn bạn nghĩ. Ngoài ra, thực hành lòng biết ơn còn có thể:

Có nhiều cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn và bạn có thể bắt đầu bằng bước đơn giản nhất là dành 5 phút để viết điều biết ơn mỗi ngày. Bạn có thể dành 5 phút đầu tiên sau khi thức dậy hoặc 5 phút trước khi đi ngủ để ghi lại tất cả những điều mà bạn cảm thấy biết ơn trong ngày hôm đó. Để tăng cảm giác thích thú cho, một gợi ý cho bạn là hãy viết chúng vào một cuốn sổ và trang trí theo cách mà bạn muốn. 

Kỹ năng tự tạo động lực là một kỹ năng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của một cá nhân. Động lực nhắc nhở bạn về mục đích, giá trị của bản thân và cách bạn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa.

Nếu bạn đang đấu tranh với tình trạng thiếu động lực của chính mình, đừng quá lo lắng. Nhận ra vấn đề chính là cơ hội để bạn tìm hiểu sâu hơn về hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống. Khi bạn tìm ra điều gì thúc đẩy bản thân, bạn sẽ thấy một sự thay đổi trong chính mình. Khi bạn đang nỗ lực hướng tới cuộc sống mơ ước của mình, bạn sẽ dễ dàng duy trì động lực hơn nhiều. Hãy chọn cho mình bước đơn giản đầu tiên để bắt đầu nuôi dưỡng và nâng cao động lực tự thân, bạn nhé!

Tác giả: Thạc sĩ Tâm lý học Đặng Thị Thanh Thanh Tâm
Biên tập: AGATE
Tài liệu tham khảo:

Ackerman, C. E., & Neuhaus, M. (2018, June 25). Self-Motivation Explained + 100 Ways To Motivate Yourself. Positive Psychology. Retrieved May 29, 2023, from https://positivepsychology.com/self-motivation/

Ackerman, C. E., & Neuhaus, M. (2018, June 25). Self-Motivation Explained + 100 Ways To Motivate Yourself. Positive Psychology. https://positivepsychology.com/self-motivation/

Eatough, E. (2022, May 18). What Is Self-Motivation? Push Yourself to Meet Your Goals. BetterUp. https://www.betterup.com/blog/what-is-self-motivation

How to Motivate Yourself: 11 Tips for Self Improvement. (2023, May 18). Coursera. https://www.coursera.org/articles/how-to-motivate-yourself

Khoshnam, A. H., & Ghamari, M. (2013). The Relationship between Intrinsic Motivation and Happiness with Academic Achievement in High School Students. International Journal of Academic Research in Business and Social Sciences, 3(11). https://www.researchgate.net/profile/Amir-Khoshnam/publication/271146555_The_Relationship_between_Intrinsic_Motivation_and_Happiness_with_Academic_Achievement_in_High_School_Students/links/60a8d6afa6fdcc6d6266e125/The-Relationship-between-Intrinsic-Motivat. 10.6007/IJARBSS/v3-i11/342

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *