19/05/2023

Tạo cuộc họp với chính mình: Một bí quyết nâng cao năng suất làm việc

Hiệu quả trong công việc và học tập của bạn đang giảm sút? Hãy cùng tâm lý gia Sergio De Dios González và Agate tìm hiểu cách tổ chức các cuộc họp với chính bản thân mình nhằm tạo nên những thay đổi tích cực trong hiệu suất trong việc và học tập nhé!

Rate this post

Tạo các cuộc họp với chính mình giúp bạn phân tích phong cách làm việc của bản thân và các kết quả bạn đang đạt được. Đó là một cơ hội tuyệt vời để xem xét lại bản thân và đem lại những thay đổi tích cực trong công việc của bạn. 

Được viết và kiểm chứng bởi nhà tâm lý học Sergio De Dios González.

Ý chính trong bài:

  • Tạo một cuộc họp với chính mình giúp bạn phát triển cách sắp xếp đời sống tinh thần của bản thân và tăng năng suất làm việc.
  • Một cuộc họp với chính mình cũng cần có các mục tiêu rõ ràng, những nguyên tắc và cách thức như các cuộc họp thông thường với người khác. 

“Họp với chính mình”? Ý tưởng kỳ quái gì vậy? Bạn thử để ý mà xem, có phải chúng ta thường dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về các vấn đề bên ngoài, tâm trí của chúng ta tập trung vào hàng nghìn thứ khác nhau, ngoại trừ bản thân mình.

Vậy, cũng như mọi người tổ chức họp hành để cùng nhau xem xét vấn đề, đề ra kế hoạch, giải pháp tốt nhất cho công việc chung, thì các cuộc họp với chính mình có thể là ý tưởng tuyệt vời cho các vấn đề cá nhân.

Cũng như khi họp cùng người khác, trong các cuộc họp với chính mình, bạn có thể đặt ra những mục tiêu tương tự, và nên tiến hành chúng theo cách và trình tự tương tự. Hãy cùng xem xét chúng một cách cụ thể hơn nhé. 

Nguồn: designlifeproject.com

“Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi bạn có thể nhìn vào trái tim của chính mình. Kẻ nhìn ra bên ngoài, mơ mộng; người nhìn vào bên trong, tỉnh thức”.

-Carl Jung-

“Họp với chính mình” là như thế nào?

“Khái niệm “họp” thường được cho là một việc cần ít nhất hai người để thực hiện, nên khi nghe nói đến “họp với chính mình” có phải bạn cảm thấy rất hoang mang?

Bạn có thể hiểu đơn giản rằng đây là một cuộc gặp gỡ giữa phần tâm trí thường hướng ra các yếu tố bên ngoài và phần con người hướng vào nội tâm của bạn. Tuy là một hoạt động cá nhân, nhưng ta dùng từ “họp” chính là vì sự gặp gỡ này, và vì chúng cũng theo khuôn mẫu trình tự như những cuộc họp có nhiều người tham gia.

Khi nào bạn cần họp với chính mình? Tốt nhất là bạn có thể duy trì đều đặn ít nhất một lần trong tuần, nhất là khi bạn cảm thấy có quá nhiều việc cần làm nhưng lại quá ít thời gian để thực hiện chúng. Ngồi xuống làm việc với bản thân mình đặc biệt quan trọng nếu bạn đang phải đối mặt với những trách nhiệm to lớn hoặc đang trải qua một tình huống khủng hoảng tại nơi học tập làm việc.

Ví dụ như khi bạn vừa phải đảm nhận trách nhiệm của một lớp trưởng để dẫn dắt các bạn tham gia các hoạt động do trường đề ra vừa phải thực hiện tốt công việc học của riêng mình. Hay khi bạn đang trải qua một chuyện đau buồn nhưng lại sắp có một bài kiểm tra quan trọng.

Các “cuộc họp” này sẽ giúp bạn hiểu hơn tình huống mình đang gặp phải, những điều mình có thể làm và cần ưu tiên thực hiện, cũng như những người hay nguồn lực có thể hỗ trợ bạn để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Lên kế hoạch cho các buổi họp với chính mình

Bạn lên kế hoạch cho các cuộc họp với chính mình giống như khi bạn tổ chức những cuộc họp khác. Trước tiên, bạn phải xác định ngày giờ bắt đầu và kết thúc. Sau đó, bạn phải ghi chúng vào chương trình làm việc của mình và tôn trọng khoảng thời gian đó tương tự như lúc bạn họp mặt với những người khác.

Thông thường, mục tiêu của các cuộc họp này là để bạn đánh giá công việc của chính mình và sắp xếp các hoạt động, nhiệm vụ dựa theo sự đánh giá đó. Điều quan trọng nhất là bạn cần xác định mục tiêu cụ thể cho mỗi cuộc họp (không phải là mục tiêu công việc cần hoàn thành). Mục tiêu của bạn càng cụ thể thì càng có nhiều khả năng kết quả của cuộc họp sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đó.

Ví dụ cùng là việc làm thế nào để học tốt môn tiếng Anh, nhưng bạn có thể cần sắp xếp những cuộc “tự họp” với các mục tiêu khác nhau: tìm một phương pháp học tập phù hợp hơn, hay xác định lý do vì sao mình liên tục trì hoãn việc làm bài tập, hay thực hiện một phiên đánh giá xem mình đã làm tốt những phần nào trong môn học này suốt tuần qua. Vậy đó, mục tiêu cụ thể của cuộc họp là điều quan trọng.

“Họp với chính mình” sao cho hiệu quả?

Hãy nghĩ đến cách chúng ta thường làm trong các buổi họp thông thường. Điều cần thiết là không để các hoạt động khác của bạn làm gián đoạn cuộc họp. Tốt nhất là bạn nên lên lịch trước cho chúng và vào những thời điểm không thể thực hiện các hoạt động khác. Tốt nhất, bạn nên lên kế hoạch trước một tuần.

Khi lên kế hoạch cho các cuộc họp với chính mình, một điều cũng rất quan trọng là phải xác định tài liệu và công cụ nào bạn sẽ cần trong cuộc họp. Ví dụ: thời khóa biểu/lịch học, bài tập, ghi chú, v.v. Cuộc họp sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có sẵn các công cụ cần thiết.

Như các cuộc họp thông thường với (những) người khác, ngoài mục tiêu, thời gian, tài liệu còn cần có chương trình cụ thể (agenda), bạn nên lên danh sách trình tự các hoạt động bạn sẽ làm trong buổi họp với chính mình. Bạn định làm gì? Theo thứ tự nào? Nếu cuộc họp nhằm mục đích tự đánh giá kết quả học tập, bạn có thể chia thành các phần để đánh giá. Ví dụ,tuân thủ thời gian nộp bài,, chất lượng bài tập, v.v. Sắp xếp chúng theo thứ tự, giải quyết chúng và rút ra kết luận.

Bạn hoàn toàn có thể xây dựng thêm các chiến lược và công cụ của riêng mình để việc “tự họp” được hiệu quả. Điều tối quan trọng chính là sự tập trung. Việc “tự họp” là để hỗ trợ bạn ngắt kết nối với những yếu tố gây nhiễu bên ngoài và lắng nghe chính mình, kết nối lại với ý nghĩa thực sự trong những việc bạn làm. Khi tự họp với chính mình, bạn đã tự tạo không gian cho việc phát triển bản thân, xây dựng kỹ năng tư duy và tăng hiệu suất học tập làm việc.

Tác giả: Tâm lý gia Sergio De Dios González
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Ôn Bích Ngọc
Biên tập: Ngọc Trinh
Theo Exploring Your Mind

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *