18/09/2023

Tất tần tật về Trí thông minh cảm xúc

Tất cả chúng ta đều có thể học tập và rèn luyện để thành thạo các kỹ năng hình thành nên trí thông minh cảm xúc.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Có nhiều hơn một loại trí thông minh

Có lẽ bạn đã nghe nhiều người nhắc đến IQ khi nói đến trí tuệ hay sự thông minh của một người. Ví dụ: Anh trai tôi không cần học nhiều vì anh ấy có IQ rất cao. IQ là từ viết tắt của chữ “intellectual quotient” – hay còn gọi là chỉ số thông minh. Chỉ số này có thể giúp dự đoán một người có thể học tập tốt như thế nào.

IQ chỉ dùng để đo lường khả năng của chúng ta. Ngoài ra, có nhiều loại hình trí thông minh khác đã được khám phá ra. Ví dụ: Trí thông minh không gian là khả năng tư duy theo nhiều chiều không gian khác nhau, như không gian 3 chiều. Trí thông minh âm nhạc là khả năng nhận biết các nhịp điệu, ngữ điệu và âm sắc của bài hát. Ngoài ra còn có các loại hình trí thông minh khác như trí thông minh vận động, trí thông minh nghệ thuật và trí thông minh cơ học. Đặc biệt, một loại hình trí thông minh rất quan trọng đó là trí thông minh cảm xúc. 

Trí thông minh cảm xúc là gì?

Trí thông minh cảm xúc là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của chính mình. Trí thông minh cảm xúc thường được viết tắt là EQ hoặc EI. Nếu như chỉ số thông minh IQ có thể giúp dự đoán điểm số của bài kiểm tra thì chỉ số EQ có thể dự đoán thành công trong các tình huống xã hội và các tình huống có liên quan đến cảm xúc. EQ giúp chúng ta xây dựng các mối quan hệ bền vững, đưa ra quyết định đúng đắn và ứng phó với các tình huống khó khăn.

Có thể nhìn nhận EQ là một phần của việc trở thành một ‘người thông minh’. Hiểu và có mối quan hệ tốt với mọi người giúp chúng ta thành công trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy EQ quan trọng hơn IQ khi nói đến việc học giỏi ở trường hoặc thành công trong công việc.

Một vài người sinh ra đã có trí thông minh cảm xúc cao, và một số khác cần phải rèn luyện nó. Không giống như IQ, trí thông minh cảm xúc hoàn toàn có thể được cải thiện nếu chúng ta biết cách.

Cải thiện trí thông minh cảm xúc của bạn

Trí thông minh cảm xúc là sự cấu thành của nhiều kỹ năng khác nhau:

Nhận thức được cảm xúc của bạn

Hầu hết mọi người đều trải qua nhiều cảm xúc khác nhau trong một ngày. Một số cảm nhận (như ngạc nhiên) chỉ kéo dài trong vài giây. Những cảm nhận khác có thể kéo dài lâu hơn, tạo thành tâm trạng như hạnh phúc hoặc buồn bã. Khả năng nhận biết và xác định chính xác những cảm nhận hàng ngày này là kỹ năng cơ bản nhất trong tất cả các kỹ năng của trí thông minh cảm xúc.

Nhận thức được cảm xúc — chỉ đơn giản là phát hiện ra cảm xúc khi chúng bắt đầu hình thành – điều này giúp chúng ta quản lý cảm xúc của chính mình. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được cảm giác của người khác. Một số người có thể trải qua cả ngày mà không thực sự chú ý đến bất kỳ cảm xúc nào của họ. Thực hành nhận diện cảm xúc khi bạn cảm thấy chúng. Gọi tên cảm xúc ở trong đầu (ví dụ: bằng cách tự nói với bản thân “Tôi cảm thấy biết ơn”, “Tôi cảm thấy thất vọng”,…). Hãy tạo thói quen hàng ngày để nhận thức được cảm xúc của chính mình.

Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?
Nguồn: Freepik

Hiểu được người khác đang cảm thấy như thế nào và tại sao họ lại cảm thấy như vậy

Con người được sinh ra với mong muốn thấu hiểu người khác. Một phần của trí thông minh cảm xúc là khả năng hình dung được cảm nhận của một người trong một tình huống nhất định, đồng thời hiểu được tại sao họ lại cảm thấy như vậy.

Khả năng mường tượng được những cảm xúc mà một người có thể cảm thấy (ngay cả khi chúng ta không thực sự biết) được gọi là sự thấu cảm. Sự thấu cảm giúp chúng ta quan tâm đến người khác, xây dựng tình bạn và các mối quan hệ tốt đẹp. Nó giúp chúng ta biết nên cư xử như thế nào với một người đang có những cảm xúc dữ dội.

Quản lý những phản ứng mang tính cảm xúc

Chúng ta đều có lúc nổi giận. Chúng ta ai cũng có thể thất vọng. Và việc bày tỏ những gì bạn đang cảm thấy là một điều quan trọng. Khi bạn biết được bản thân nên bày tỏ cảm xúc khi nào, ở đâu và như thế nào nghĩa là bạn đã biết cách quản lý phản ứng cảm xúc của chính mình.

Khi bạn hiểu cảm xúc của mình và biết cách quản lý chúng, bạn có thể tự kiểm soát bản thân để điều chỉnh phản ứng nếu đó không phải là thời điểm hoặc địa điểm thích hợp để bộc lộ cảm xúc. Một người có trí tuệ cảm xúc cao biết rằng những phản ứng cảm xúc theo cách thiếu tôn trọng, quá dữ dội, quá bốc đồng hoặc gây hại có thể phá hỏng các mối quan hệ.

Lựa chọn tâm trạng của bạn

Một phần của quản lý cảm xúc là lựa chọn tâm trạng cho mình. Tâm trạng là một trạng thái cảm xúc kéo dài hơn. Chúng ta có quyền quyết định tâm trạng nào phù hợp với tình huống nào và sau đó điều chỉnh tâm trạng theo hướng mong muốn. Lựa chọn đúng tâm trạng có thể giúp một người trở nên có động lực, tập trung vào công việc, hoặc nỗ lực hơn thay vì bỏ cuộc.

Một người có trí thông minh cảm xúc cao biết rằng tâm trạng không phải là thứ bất chợt xảy ra. Chúng ta có thể kiểm soát nó bằng cách nhận ra tâm trạng nào sẽ phù hợp với tình huống hiện tại và cách để có tâm trạng đó.

Trí thông minh cảm xúc: Đang trong quá trình hình thành

Càng trưởng thành trí thông minh cảm xúc của con người càng phát triển hơn. Nếu không, tất cả người lớn sẽ hành động như những đứa trẻ, thể hiện cảm xúc của mình bằng cách giẫm chân, khóc lóc, đánh đập, la hét và mất kiểm soát!

Một số kỹ năng cấu thành trí thông minh cảm xúc phát triển sớm và dễ hơn để thực hiện. Ví dụ, việc nhận diện các cảm xúc có vẻ dễ dàng khi chúng ta biết phải chú ý đến điều gì. Nhưng kỹ năng quản lý những phản ứng cảm xúc và lựa chọn tâm trạng có vẻ khó thành thạo hơn. Bởi vì phần não chịu trách nhiệm việc tự quản lí (self-management) sẽ còn tiếp tục phát triển sau tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, việc thực hành có thể giúp những liên kết nơron trên phần não này phát triển hơn, giúp hình thành kỹ năng này nhanh hơn.

Trí thông minh cảm xúc sẽ phát triển hơn khi bạn trưởng thành
Nguồn: Freepik

Tất cả chúng ta đều có thể rèn luyện để thành thạo các kỹ năng hình thành nên trí thông minh cảm xúc, thông qua việc nhận biết những gì chúng ta cảm thấy, hiểu tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy, hiểu người khác cảm thấy thế nào, vì sao họ cảm thấy như thế, và diễn đạt cảm xúc của chúng ta bằng những lời lẽ chân thành khi cần thiết.

Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý Đặng Thị Thanh Tâm
Biên tập: Thạc sĩ Tâm lý Đào Thị Nguyên Hoàng
Theo TeensHealth

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *