05/01/2024

Teen Bền Bỉ: 10 cách để xây dựng sức bật tinh thần cho người trẻ

Khả năng thích nghi và đương đầu với khó khăn là một kỹ năng cần có để trở thành một công dân toàn cầu.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: Freepik

Cuộc sống của tuổi teen trông có vẻ thật đơn giản qua các phương tiện truyền thông quảng cáo – ai cũng cười đùa vui vẻ, diện những bộ đồ thật phong cách, có một nhóm bạn thân thiết đi chơi mỗi lúc tan trường. Nhưng nếu bạn là một người trẻ, bạn biết rằng hiện thực khó khăn hơn thế. Có rất nhiều vấn đề mà một bạn trẻ phải đối mặt, từ áp lực học tập, nạn bắt nạt cho đến sự ra đi của một người bạn hoặc người thân trong gia đình…

Bạn có từng thắc mắc tại sao một người có thể trải qua những khoảng thời gian thật sự khó khăn và vẫn có thể hồi phục không? Sự khác biệt nằm ở việc họ sử dụng những kỹ năng liên quan đến sức bật tinh thần (resilience). Sức bền về mặt tinh thần là khả năng thích ứng tốt khi đối mặt với những thời điểm khó khăn; các thảm hoạ như bão, động đất hoặc hoả hoạn; bi kịch; các mối đe dọa; hay thậm chí là căng thẳng cao độ. Điều này khiến cho một số người có vẻ như có khả năng phục hồi, trong khi những người khác không thể. 

Tin vui dành cho bạn: sức bật tinh thần không phải một yếu tố bẩm sinh, đó là những kỹ năng hoàn toàn có thể được học và rèn luyện. 

Nguồn: Unsplash

10 cách để xây dựng sức bật tinh thần 

Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn học cách trở nên bền bỉ hơn về mặt tinh thần. Một lưu ý nhỏ trước khi bạn áp dụng, hãy nhớ rằng mỗi người có một hành trình riêng để đạt được sức bật tinh thần của mình – những gì hiệu quả với bạn có thể không hiệu quả với bạn bè của bạn và ngược lại. 

1. Cùng nhau. Trò chuyện với bạn bè, kết nối với cộng đồng của bạn, dù đó là một câu lạc bộ, nhóm chơi thể thao hay một nhóm bạn bè nhỏ. Và hãy chia sẻ với ba mẹ của bạn nữa. Ba mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn, dù bạn có cảm giác họ chưa từng trải qua độ tuổi của bạn và hoàn toàn không hiểu bạn. Ba mẹ có thể lo lắng nếu biết rằng bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn. Và bạn có biết rằng, thường thì họ cũng gặp khó trong việc hỏi thăm bạn nhiều hơn bạn nghĩ? Đừng ngần ngại nói ra quan điểm của bạn dù cho ba mẹ hoặc bạn bè có thể có góc nhìn ngược lại. Hãy đặt câu hỏi khi bạn cần, và thật lòng lắng nghe câu trả lời. 

2. Hãy rộng lượng hơn với chính mình. Ngoài những vấn đề gây stress thường nhật, cuộc sống đầy những bất ngờ và đôi khi những điều không hay xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Khi bạn ở tuổi dậy thì, cảm xúc vốn bị ảnh hưởng rất nhiều vì sự thay đổi thể lý và hormones, có thể lại càng khó kiểm soát hơn trước những điều bất định, hoàn cảnh khó khăn hoặc chấn thương tinh thần. Hãy sẵn sàng trước những biến cố này và rộng lượng hơn với chính bạn và những người xung quanh trong thời gian này. 

Nguồn: Unsplash

3. Tạo ra một không gian không muộn phiền. Biến căn phòng hoặc nhà của bạn thành “nơi không muộn phiền” – không phải vì bạn muốn mọi người tránh xa mình, nhưng nhà nên là nơi trú ẩn an toàn khỏi những stress và lo âu. Tuy nhiên khi có điều gì nghiêm trọng diễn ra trong cuộc sống của bạn, hãy hiểu rằng cả ba mẹ, anh chị em cũng cảm thấy stress vì điều đó và muốn dành nhiều thời gian cho bạn trong quãng thời gian này.

4. Tuân thủ lịch trình. Dành thời gian ở trường đồng nghĩa với việc bạn sẽ đối mặt nhiều hơn với những thay đổi nên hãy để nhà là một nơi mang đến cho bạn sự an ổn. Trong thời gian bạn cực kỳ stress, hãy xây dựng một lịch trình cá nhân và tuân thủ nó. Bạn có thể bận rộn với những điều mới mẻ nhưng đừng quên những thói quen mang đến bạn sự thoải mái. Dù đó là những gì bạn làm trước khi đến lớp, khi vừa về nhà, hoặc đơn giản là cuộc gọi hằng đêm với một người bạn.

5. Chăm sóc bản thân. Đừng quên chăm sóc bản thân cả về thể chất, tinh thần và tâm hồn. Giấc ngủ cực kỳ quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu và căng thẳng hơn trong những giờ phút cần tỉnh táo. Có nhiều việc sẽ diễn ra và chắc chắn nó sẽ khó khăn hơn để đương đầu nếu bạn “ngủ gật” đấy.

6. Nắm quyền kiểm soát. Ngay cả trong những thời điểm bi kịch và vô định, bạn vẫn có thể từng bước hướng tới mục tiêu của mình. Dù cho tất cả những gì bạn có thể làm khi đó là ra khỏi giường và đến trường thì hoàn thành chúng vẫn là thành tựu của bạn. Hãy nghĩ về những gì bạn có thể kiểm soát và cả những việc ngoài tầm kiểm soát, biết đâu bạn có thể làm gì đó. Thời điểm khó khăn sẽ khiến chúng ta cảm thấy bản thân không thể làm được gì – khi đó, hãy lấy lại quyền kiểm soát bằng những hành động quyết đoán. 

7. Diễn đạt bản thân. Đau thương hoặc những tình thế khó khăn có thể mang đến nhiều cảm xúc mâu thuẫn, nhưng đôi khi, việc chia sẻ những cảm xúc đó với một người khác lại vô cùng khó khăn. Nếu bạn không thể trò chuyện, hãy thử làm gì đó để diễn đạt cảm xúc của mình như viết nhật ký hoặc các hoạt động sáng tạo (vẽ tranh, chơi nhạc,…). 

8. Giúp đỡ một ai đó. Giúp đỡ người khác là một cách hiệu quả để bạn tạm quên đi vấn đề của bản thân. Bạn có thể thử làm tình nguyện, xung phong hỗ trợ tại địa phương, trường học hoặc dọn dẹp nhà cửa, giúp bạn bè làm bài tập một cách trực tiếp hoặc online. 

Nguồn: Unsplash

9. Nhìn mọi thứ với một góc nhìn khác. Bạn có thể cảm thấy mọi thứ như sụp đổ, và tất cả mọi người đang bàn tán về bạn. Thế nhưng mọi thứ đều thay đổi và không gì là mãi mãi. Nếu bạn đang lo lắng liệu mình có đủ khả năng để vượt qua hay không, hãy thử nghĩ về những thời điểm bạn từng đối mặt với nỗi sợ của chính mình, dù đó là tỏ tình với crush hay nộp đơn xin việc. Hãy học một vài kỹ thuật thư giãn, như tưởng tượng ra một nơi yên bình, nghĩ về một bài hát hoặc chỉ cần một hơi thở sâu để bạn bình tĩnh lại. Hãy nghĩ về những điều quan trọng vẫn luôn ở đó, ngay cả khi thế giới bên ngoài không ngừng thay đổi. Khi bạn nghĩ về những lúc khó khăn, hãy nghĩ về cả những thời khắc vui vẻ và bình thường nữa nhé.

10. Tạm ngưng “thu nạp” thông tin. Bạn muốn cập nhật tin tức – hoặc có một vài bài tập yêu cầu bạn xem tin tức. Thế nhưng đôi khi, tin tức với sự tập trung xoay quanh những sự kiện xúc động, có thể gia tăng những cảm xúc bất ổn của bạn. Hãy hạn chế khối lượng tin tức bạn tiếp xúc hằng ngày, dù là từ truyền hình, báo, tạp chí hay trên mạng. Xem bảng tin một lần sẽ giúp bạn cập nhật thông tin; xem đi xem lại chỉ khiến bạn stress hơn và không mạng lại kiến thức mới. 

Nguồn: Unsplash

Dành cho những ai cần thêm sự trợ giúp

Phát triển sức bật tinh thần là hành trình mang tính cá nhân. Nếu bạn “chững” lại và không thể áp dụng những cách ở trên, bạn có thể cân nhắc trò chuyện với những người giúp được bạn, như một chuyên gia tâm lý hoặc những chuyên gia về sức khỏe tinh thần. Một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bạn có thể tham khảo hình thức tham vấn tâm lý tại trường học của bạn (nếu có) hoặc qua những đơn vị sau:

Những thông tin trong bài không thể thay thế cho việc chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Nếu bạn nghĩ rằng mình cần được giúp đỡ, hãy tìm đến sự hỗ trợ của một chuyên gia tâm lý hoặc các chuyên gia về sức khỏe tinh thần. 

Tạm kết

Bạn có thể học cách trở nên bền bỉ về tinh thần. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ không còn cảm thấy stress hay lo âu. Bạn sẽ trải qua những thời điểm không mấy vui vẻ và điều này hoàn toàn bình thường. Xây dựng sức bật tinh thần là một hành trình và mỗi người sẽ có khoảng thời gian riêng để chinh phục. Bạn có thể cảm thấy một số lời khuyên ở trên hữu ích trong khi bạn bè sẽ thấy hợp với những lời khuyên còn lại.   

Sức bền về tinh thần có thể giúp bạn trở thành một người kiên cường. Các kỹ năng của sức bật tinh thần bạn học được trong những thời gian khó khăn sẽ hữu ích ngay cả khi thời điểm đó không còn nữa, và đó là những kỹ năng tốt để áp dụng mỗi ngày.

Theo apa.org
Biên dịch: Phương Kim
Biên tập: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *