05/08/2022
Cân bằng công việc và đời sống là một nhu cầu rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại và đồng thời cũng không hề dễ để đạt được. Có khi nào tới 3 giờ chiều rồi mà bạn vẫn đang loay hoay với một việc nhỏ mà mình dặn lòng phải xong trong buổi […]
Cân bằng công việc và đời sống là một nhu cầu rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại và đồng thời cũng không hề dễ để đạt được.
Có khi nào tới 3 giờ chiều rồi mà bạn vẫn đang loay hoay với một việc nhỏ mà mình dặn lòng phải xong trong buổi sáng?
Bảng danh sách việc cần làm (to-do list) vẫn đang chất đầy và mình hoàn toàn chệch ra khỏi lịch trình ban đầu. Sau đó, lại có chuyện đột xuất xảy ra dẫn tới các việc đằng sau đều không thể hoàn thành trong ngày như dự tính.
Chúng ta ít nhiều gì cũng đều đã từng rơi vào hoàn cảnh trì hoãn – một số thì thường xuyên ở trong tình trạng tương tự.
Vấn đề đôi khi không nằm ở việc bạn sử dụng phương pháp hay công cụ quản lý thời gian gì đâu, mà là ở những sơ hở tưởng chừng như rất đơn giản mà lại hay bị bỏ qua.
Trong bài viết hôm nay, AGATE sẽ giới thiệu tới 4 vấn đề hiếm khi được nhắc tới trong quản lý thời gian cá nhân cùng với các giải pháp giúp bạn cải thiện năng suất và sắp xếp cuộc sống của mình.
Mong bài viết này có thể giúp ích được cho bạn.
Rất có thể bạn đã trải nghiệm qua điều này: thời gian còn rất nhiều, hạn chót còn lâu mới tới, bây giờ mình chưa muốn làm, để đó rồi từ từ tính tiếp cũng được.
Động lực quá nhỏ để thôi thúc chúng ta bắt tay vào làm ngay, mặc dù biết là những việc quan trọng như thế này nên chia nhỏ ra làm từ sớm thì càng tốt. Để cải thiện được điều này, quan trọng nhất chính là chúng ta phải đối diện với những cảm giác khó chịu trong lòng mình.
Thay vì phớt lờ nó và tìm tới giải trí để tránh né, hãy nghĩ tới chuyện mình cần làm và viết xuống cảm xúc đang xuất hiện trong lòng lên trên giấy. Tưởng chừng đơn giản nhưng việc đối mặt trực tiếp với cảm xúc của chính mình rất hay bị bỏ qua.
Đi sâu hơn vào việc trì hoãn, ngoài thiếu động lực ra còn có thể do mong muốn đợi tới thời điểm hoàn hảo mới làm, hoặc là không tự tin vào năng lực của bản thân, mông lung không biết nên bắt đầu từ đâu.
Một cách rất hiệu quả để cải thiện điều này là thiết lập một khoảng thời gian ngắn để làm, cỡ 10 phút chẳng hạn. Hãy tự nhủ với bản thân rằng mình có thể dừng bất cứ lúc nào mình muốn, hiện tại cứ bắt tay vào làm trước đi thôi.
Chúng ta có thể dẹp bớt những rào cản tâm lý trong lòng để bản thân bớt cảm thấy nặng nề và có thể bắt đầu hành động. Một khi đã bắt đầu làm, mọi chuyện thường sẽ trở nên dễ thở hơn ta nghĩ.
Không chỉ riêng các tin nhắn, mạng xã hội,…những suy nghĩ, ý tưởng ngẫu nhiên liên tục xuất hiện trong đầu cũng là một yếu tố dễ gây phân tâm. Hãy chuẩn bị sẵn một cuốn sổ để ghi chép những dòng suy nghĩ hay ho khi nó xuất hiện. Sau đó, hãy gấp lại và làm tiếp việc cần làm.
Chiếc giường với chăn ấm nệm êm trong phòng cũng có thể là một yếu tố dụ hoặc to lớn. Nếu bạn có xu hướng ngồi làm một lúc rồi 15 phút sau đã phi lên giường, hãy chọn một không gian ít có “yếu tố gây lười”.
Trong trường hợp xung quanh bạn hay có chuyện đột ngột xuất hiện làm gián đoạn công việc, hãy đi ra ngoài và kiếm chỗ thích hợp hơn để có thể tập trung làm.
Phần lớn người hiện đại đều trong tình trạng nghỉ ngơi không đầy đủ, đặc biệt nhiều ở lứa tuổi trẻ. Không chỉ về giấc ngủ mà còn cả về mặt nghỉ ngơi giữa các giai đoạn làm việc.
Chúng ta thường hay tranh thủ thời gian rảnh lúc nghỉ ngơi để theo dõi tin tức, lướt mạng xã hội, kiểm tra email và trả lời tin nhắn. Tuy nhiên, hãy dành một khoảng thời gian dành riêng cho những vấn đề đó và để cho nghỉ ngơi thực sự là nghỉ ngơi.
Khoảng thời gian trống không làm gì không có nghĩa là vô dụng. Thân thể ngồi yên một chỗ chưa đủ, tinh thần và trí não cũng cần tĩnh lặng để phục hồi hiệu quả hơn.
Bình luận (0)