13/07/2023

Thể hiện cảm xúc không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối

Thể hiện cảm xúc là đặc quyền của mọi người, mọi giới tính, và là dấu hiệu của sự kiên cường.

Rate this post

Được viết bởi LaKeisha Fleming.

Ý chính trong bài:

  • Bất chấp sự tiến bộ của xã hội, việc bộc lộ cảm xúc một cách cởi mở vẫn được xem là một đặc điểm nữ tính, nhưng không có gì sai khi thể hiện con người thật của mình bất kể bạn thuộc giới nào.
  • Việc kìm nén cảm xúc hoặc đối phó với chúng một cách không lành mạnh sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Chia sẻ cảm xúc không hề thể hiện sự yếu đuối, thực tế đó là một dấu hiệu của sự kiên cường.

Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trong 90% thời gian, mỗi người chúng ta đều có ít nhất một cảm xúc, trong đó niềm vui là cảm xúc chủ đạo. Đây là một tin tốt, bởi vì việc thể hiện cảm xúc có tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta.

Nghiên cứu cho thấy những cảm xúc tích cực giúp ta cảm thấy hạnh phúc hơn về mặt tinh thần, góp phần làm giảm huyết áp, và dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Giải phóng những cảm xúc khó giúp giảm stress, vượt qua nỗi sợ, và thậm chí còn nâng cao khả năng nhận thức về các cảm xúc mà bạn cảm nhận được.

Việc thể hiện cảm xúc là một điều tự nhiên, nhưng không biết từ khi nào, xã hội đã coi việc bày tỏ cảm xúc như một dấu hiệu của sự yếu đuối. Cho dù xã hội đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý, nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc thể hiện cảm xúc là một đặc tính của riêng phái nữ, và thường trong ngữ cảnh tiêu cực.

Nguồn: freepik

Có một quan niệm sai lầm rằng thể hiện cảm xúc nghĩa là ‘khóc’ hoặc có những hành vi ‘nữ tính’” – Tiến sĩ Liz Wilson, nhà khoa học hành vi và người sáng lập Include Inc. “Ý tưởng rằng phụ nữ ‘về mặt sinh học’ cảm xúc hơn đã bị các nhà nghiên cứu bác bỏ. Cảm xúc không có giới tính. Nhưng nó có thể bị điều kiện hoá (chịu ảnh hưởng bởi những tác động từ môi trường bên ngoài-nd)” cô giải thích thêm.

Phụ nữ thường ít bị đánh giá hơn khi thể hiện cảm xúc, nhưng rõ ràng cảm xúc không chỉ tồn tại ở nữ giới. Cảm xúc cũng không sinh ra để bị chúng ta dồn nén hay kiềm hãm. Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng để thể hiện con người thật của mỗi chúng ta.

Vấn đề của việc kiềm hãm cảm xúc

Khi cảm xúc được giữ lại bên trong, không được giải phóng hay xử lý, chúng ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí của chúng ta.

“Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người chống lại, kiềm nén, hoặc phớt lờ cảm xúc của họ, nó sẽ dẫn đến các tình trạng về sức khỏe tinh thần như trầm cảm và lo lắng, và các bệnh sinh lý như tim mạch, rối loạn tự miễn dịch và các vấn đề về đường tiêu hóa,” theo Tiến sĩ Wilson.

Nguồn: freepik

Xã hội thường “dạy” chúng ta rằng việc thể hiện cảm xúc không được phép xảy ra ở một số nơi. Trong bộ phim nổi tiếng “A League of Their Own”, Tom Hanks có một câu nói châm biếm đã trở thành kinh điển “Bóng chày không có kỹ thuật khóc lóc đâu!”. Đối với phụ nữ, “không được khóc tại nơi làm việc” là một quy luật bất thành văn: Để cho người khác thấy bạn khóc chốn công sở đồng nghĩa với việc nói với họ rằng bạn không chuyên nghiệp và không thể xử lý công việc.

Vì những định kiến trên, nhiều người có thể đang chênh vênh trên sợi dây cảm xúc. Họ tin rằng lúc nào cũng thể hiện cảm xúc sẽ không mang lại lợi ích gì. Nhưng dồn nén chúng mới thật sự có vấn đề.

“Việc che giấu cảm xúc không làm chúng biến mất; ngược lại, những cảm xúc khó sẽ dần chồng lấp lên nhau và trở nên mãnh liệt hơn. Chính điều này lại ảnh hưởng tiêu cực đến cách chúng ta kiểm soát và tránh thể hiện cảm xúc (gây sự, tự cô lập, nghiện ngập…)” Tiến sĩ Wilson nhấn mạnh.

Bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình nhưng bạn có thể tìm cách quản lý chúng một cách lành mạnh để khi những cảm xúc khó đến, bạn có thể xử lý chúng. Các chuyên gia cho biết thiền, viết nhật ký, chia sẻ với bạn bè, và trị liệu chuyên nghiệp là những kỹ thuật bạn có thể sử dụng để đối mặt với các cảm xúc.

Bình thường hóa việc thể hiện cảm xúc cũng rất có lợi. Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con cái thể hiện cảm xúc. Bố mẹ không nên sợ khóc trước mặt con cái và giúp các bạn hiểu rằng có cảm xúc là một phần của cuộc sống.

Tầm quan trọng của việc giải phóng cảm xúc

Phụ nữ bị đánh giá vì những cảm xúc họ thể hiện ra ngoài, đàn ông cũng bị xã hội cười nhạo khi là người “đa cảm”. Chính định kiến và thái độ cho rằng việc thể hiện sự buồn bã, đau khổ hay đau đớn là kém “nam tính” làm giảm giá trị của việc sống thật với cảm xúc của chính mình, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nam giới.

“Vấn đề không phải là đàn ông khóc, mà là khái niệm không có cơ sở của xã hội về sự mạnh mẽ. Từ “mạnh mẽ” đã bị hiểu sai nghĩa là ít bộc lộ cảm xúc, nhưng thực sự thì nó là khả năng thể hiện cảm xúc một cách thích hợp, kể cả trong những tình huống không chắc chắn. Đây là dấu hiệu của khả năng phục hồi, và mọi giới đều cần nó,” Chardé Hollins, Giám đốc Tư vấn LCSW và DEI của Relevant Connections.

Thật may rằng, xã hội đang dần cởi mở hơn với mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và sự chia sẻ cảm xúc. Quản lý cảm xúc có thể giúp ích cho những người đang gặp vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần. Được khóc, được giải bài cảm xúc là những phương thuốc hữu hiệu đối với sang chấn và những vết thương tâm lý như nỗi đau, nỗi mất mát.

Nguồn: freepik

Trong điều kiện lý tưởng, mọi giới tính đều có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc đối diện với cảm xúc của họ, làm chủ cảm xúc, và đối phó với chúng một cách lành mạnh.

Khi bạn sẵn sàng thể hiện và nói về cảm xúc một cách lành mạnh, bạn đang trở thành nguồn động viên cho người khác khi họ phải đối diện những cảm xúc khó. Bạn cũng đang truyền đi thông điệp “Bạn không ổn cũng không sao” cho mọi người, và cho chính bạn.

“Để xóa bỏ bất kỳ định kiến nào, cần bắt đầu từ bạn. Những kỳ vọng gia trưởng, những quan niệm phân biệt lỗi thời… hãy từ bỏ chúng. Với những người nam xung quanh bạn, hãy tạo không gian cho họ được chữa lành, khích lệ khi họ bày tỏ cảm xúc và không ngừng cổ vũ sự mạnh mẽ của những giọt nước mắt rơi.” Hollins kết luận.

Ai cũng có cảm xúc, và luôn phải đối mặt với chúng ở dạng này hay dạng khác. Vì những lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của chính mình, bạn đừng ngừng nỗ lực để thấu hiểu bản thân, lắng nghe cảm xúc và tìm hiểu cũng như thực hành những công cụ để nâng niu và điều tiết cảm xúc.

Nguồn tham khảo: Verywell Mind
Biên dịch: Diệu Hằng
Biên tập: AGATE

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *