13/12/2022
Bạn thường xuyên đối mặt với căng thẳng kéo dài và chứng kiến cơ thể mình càng ngày càng suy nhược? Nếu bạn vẫn chưa biết đối mặt với điều này thế nào, hãy để việc thực hành biết ơn mỗi ngày giúp bạn.
Bằng việc thực hành biết ơn thường xuyên mỗi ngày, chúng ta sẽ không còn bị những cảm xúc không thoải mái chi phối. Khoa học đã chứng minh những ảnh hưởng đáng chú ý của lòng biết ơn đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như sau:
– Việc luyện tập lòng biết ơn có thể giảm thiểu nguy mắc cơ bệnh tim mạch và thần kinh;
– Viết nhật ký về những điều mình biết ơn có thể được xem như việc “tiêm vắc-xin” cho tinh thần, giúp con người chống lại lo âu, kiệt sức hay thậm chí là trầm cảm.
– Việc thường xuyên viết thư cảm ơn cho người khác cũng là một cách giúp họ nhận ra được giá trị của bản thân, đặc biệt là những người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn như mắc bệnh nan y hoặc thậm chí có ý định tự tử.
– Thực hành lòng biết ơn có khả năng cải thiện chu kỳ ngủ và tâm trạng. Điều này có thể giúp điều chỉnh tình trạng mất ngủ kinh niên hoặc rối loạn ăn uống một cách đáng kể.
Từ đó ta thấy, thái độ biết ơn và việc thực hành biết ơn có tác động vô cùng to lớn đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Vậy thì, mối liên hệ giữa lòng biết ơn và những giai đoạn cảm xúc nặng nề là như thế nào mà có thể đem lại tác động lớn như vậy nhỉ?
Lo âu là một trạng thái tâm lý thường gặp mỗi khi chúng ta đối mặt với một nỗi sợ nào đó. Và khi chúng ta lo âu, hormone Adrenaline được giải phóng trong cơ thể dựa vào hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, như một phản ứng “chuẩn bị” đối phó với stress, căng thẳng.
Bạn biết không, việc luyện tập thực hành lòng biết ơn có thể rèn luyện trí não của chúng ta để chọn lọc những cảm xúc, suy nghĩ tích cực hơn, đồng thời giảm bớt căng thẳng và cảm giác bất an.
Theo thần kinh học, việc thực hành lòng biết ơn có thể điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh giao cảm trong việc kích hoạt cơ chế đối phó căng thẳng; còn ở phương diện tâm lý học, một cách dễ hiểu hơn, thực hành biết ơn có thể giúp não bộ lọc đi những những vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực (negative ruminations), mà chỉ tập trung vào những suy nghĩ tích cực mà thôi.
Bởi tính ứng dụng cao của việc thực hành lòng biết ơn đối với các chứng rối loạn lo âu hay căng thẳng hậu sang chấn, ngày nay các chuyên gia cũng đưa phương pháp viết nhật ký về lòng biết ơn kết hợp với thảo luận nhóm vào các liệu trình khai vấn điều trị tâm lý.
Mối quan hệ giữa lòng biết ơn và nỗi đau tâm lý
Nghe thì có vẻ rất khó, nhưng nếu chúng ta biết ơn những điều đã xảy ra khi trải qua một nỗi đau, một tia hy vọng le lói sẽ xuất hiện và soi sáng khoảng không u tối trong tâm hồn của chúng ta. Nhưng liệu có bất khả thi quá không để tìm kiếm cho mình một lý do để biết ơn trong lúc tuyệt vọng nhất? Tác giả Kelly Buckley trong quyển sách nổi tiếng của cô ấy “Gratitude in Grief” từng kể về quá trình cô ấy tìm thấy được ý nghĩa thật sự của nỗi đau và sự sống sau khi mất đi người con trai hai mươi ba tuổi của mình.
Vì vậy chúng ta có thể thấy, lòng biết ơn ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chịu đựng nỗi đau và những tổn thương của chúng ta. Thực hành biết ơn thường xuyên giúp ta có “sức đề kháng” tốt hơn để chống chọi với những điều tiêu cực xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chấp nhận rằng bất hạnh xảy ra trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, dù ít dù nhiều, chắc chắn chúng vẫn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Mối quan hệ giữa lòng biết ơn và stress
Căng thẳng cũng tương tự như lo âu, là một trong những trạng thái tâm lý tự nhiên của cơ thể. Nhưng bạn có biết không, bên cạnh loại căng thẳng tiêu cực (distress) còn có căng thẳng tích cực (eustress) nữa đó.
Stress tích cực xuất hiện khi bạn có động lực để thực hiện một mục tiêu nào đó của bản thân. Ví dụ như sắp tới có một bài kiểm tra quan trọng, bạn cảm thấy căng thẳng và có động lực để ôn tập thật tốt cho bài kiểm tra vì bạn biết rằng bạn phải cố gắng để đạt được kết quả mong muốn. Ở trường hợp này, căng thẳng là một dấu hiệu tốt giúp bạn trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Ngược lại, những khó khăn, trở ngại không lường trước có thể dẫn đến tình trạng stress nhưng ở trạng thái tiêu cực, mang lại cảm giác đau buồn và chúng ta thường muốn thoát khỏi nó.
Vậy chúng ta có những cách nào để quản lý stress và để tránh stress tiêu cực “nhấn chìm” bản thân?
Mối quan hệ giữa lòng biết ơn và trầm cảm
Bằng phương pháp thực hành biết ơn mỗi ngày, chúng ta tác động tới các hormone “hạnh phúc” trong cơ thể như serotonin, dopamine và oxytocin. Với sự giải phóng các hormone “hạnh phúc” trên, não bộ ra tín hiệu để khai trừ sự lãnh đạm, chán nản đồng thời phục hồi lại động lực giải quyết vấn đề cho bản thân mình.
Do đó, thực hành và rèn luyện lòng biết ơn đem lại rất nhiều lợi ích lâu dài, ít tốn kém mà rất hiệu quả cho quá trình trị liệu trầm cảm đã được nhiều chuyên gia sử dụng.
Những phương pháp sử dụng sự biết ơn để vượt qua những tổn thương tinh thần trong thời kỳ căng thẳng cao
Hãy hiểu rằng những chấn thương tinh thần cũng giống như những chấn thương trên cơ thể, chúng đều cần được chữa lành. Sau đây là những cách được đề xuất để vượt qua những chấn thương về tâm lý.
1. Hãy cứ khóc đi, bất cứ khi nào bạn muốn
Bạn có bao giờ nghĩ rằng khi khóc, chúng ta rất dũng cảm chưa? Khóc là biểu hiện cho thấy bạn đã dần ý thức và hiểu được cảm xúc của mình, và vì sao mình lại cảm thấy như thế. Do vậy, bạn không hề thể hiện sự yếu đuối của mình khi khóc đâu, mà bạn đang thể hiện rằng bạn mạnh mẽ như thế nào khi dám chấp nhận đối mặt với cảm xúc của mình đấy.
Bất cứ khi nào bạn cũng có thể khóc cả. Bạn có quyền được khóc nếu bạn muốn và điều này chẳng có gì đáng xấu hổ.
2. Trân trọng những gì mình đang có
Những nỗi đau, mất mát khiến chúng ta càng trân trọng hơn những gì mình đang có. Ví dụ như khi một bạn học sinh nhận điểm kém cho một bài kiểm tra quan trọng, bạn cảm thấy thật thất vọng về bản thân nhưng lại nhận ra rằng gia đình và bạn bè luôn ở bên cạnh động viên và tin tưởng bạn có thể làm tốt hơn, khi ấy bạn cảm thấy biết ơn và được tiếp thêm động lực để nỗ lực hơn nữa cho những bài kiểm tra sau.
3. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Đừng quên rằng rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn để vượt qua tổn thương tâm lý. Nếu cảm thấy bản thân không thể tiếp tục chịu đựng những nỗi đau về tinh thần, bạn có thể tìm kiếm những chuyên gia tâm lý để được nhận lời khuyên và phương pháp trị liệu thích hợp. Những nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người thường xuyên thực hành biết ơn cũng có xu hướng cởi mở và sẵn sàng hơn với việc tham vấn tâm lý hay những phương pháp trị liệu, chữa lành.
4. Chiếc lọ biết ơn
Mách bạn một cách siêu dễ thực hiện để mỗi ngày đều cảm thấy được nạp thêm năng lượng tích cực nhé. Hãy tìm cho mình một chiếc lọ hay một chiếc hộp thủy tinh bất kỳ, miễn nó trong suốt và bạn có thể quan sát được bên trong. Sau đó mỗi ngày, hãy viết lên mẩu giấy nhỏ một điều mà bạn cảm thấy biết ơn trong ngày hôm đó. Đó có thể là bất cứ thứ gì như bữa cơm với gia đình thật ấm áp, bạn bè quan tâm đến bạn, được điểm tốt trong bài kiểm tra vì đã nỗ lực hết mình hay ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất như bạn đã nhớ việc tưới cây ngoài sân, cho thú cưng ăn đầy đủ. Khi chiếc lọ đã được chính bạn lấp đầy bằng những mẩu giấy ghi những điều bạn thấy biết ơn từ trước đến nay, bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn.
Ngay cả khi những bất hạnh vẫn xảy ra, những điều không may mắn vẫn có thể tiếp diễn, tổn thương vẫn không biến mất, nhưng bạn sẽ có được một sức mạnh to lớn để nhìn xa hơn – dũng cảm đối mặt và vượt qua những tổn thương của chính mình.
5. Viết nhật ký biết ơn
Như đã đề cập trước đó, viết nhật ký về những người hay những chuyện xảy ra khiến bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày có thể nâng cao tình trạng sức khỏe tinh thần của bạn. Đây là một số lời khuyên dành cho bạn khi bắt đầu hành trình viết nhật ký của mình:
– Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ kiên trì viết mỗi ngày.
– Hãy có cho mình một khung thời gian cố định trong ngày dành ra để viết nhật ký (ví dụ như sáng sớm vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ).
– Bên cạnh việc viết những điều mới, hãy đều đặn xem lại những điều bạn đã viết trước đó.
– Cố gắng viết càng cụ thể càng tốt về sự kiện hoặc người mà bạn biết ơn.
– Đừng quên trang trí những trang nhật ký của mình để trông thật dễ thương nhé. Bạn có thể sử dụng bút dạ nhiều màu sắc, một vài hình dán hoặc thậm chí tận dụng những mảnh giấy báo cũ có thể trang trí được. Điều này khiến cho việc viết nhật ký mỗi ngày trở nên thú vị hơn nhiều ấy nhỉ?
6. Thiền định kết hợp thực hành biết ơn
Thiền định thực hành biết ơn là một trong những kỹ thuật giúp kiểm soát cảm xúc bằng cách chuyển dời sự chú ý của bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực để tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Thiền định thực hành biết ơn hướng chúng ta kết nối đến những suy nghĩ, cảm xúc về những người, những sự vật – sự việc mà chúng ta thật sự cảm thấy biết ơn sâu sắc. Qua việc thiền, chúng ta chỉ hoàn toàn tập trung vào bản thân mình, những điều tốt đẹp trong cuộc sống và những cảm xúc mà mình có ở hiện tại.
Sau khi hoàn thành bài tập, chúng ta có tầm nhìn rõ ràng hơn về vấn đề của bản thân và tự giải thoát mình ra khỏi những muộn phiền hiện hữu.
Bạn có thể tham khảo những podcast hướng dẫn thiền biết ơn sau:
Biết ơn – Coach Lương Ngọc Tiên:
https://open.spotify.com/episode/3WBLPR0ZHpzGjsNJ8DYYHR
20 phút thiền nuôi dưỡng lòng biết ơn và hạnh phúc:
Căng thẳng kéo dài là tình trạng rất dễ gặp phải khi mà mỗi ngày chúng ta đều phải đối diện với quá nhiều loại áp lực khác nhau. Ở bài viết này, AGATE giới thiệu cho bạn một phương pháp thanh lọc, “detox” tự nhiên cho tâm hồn rất dễ thực hiện – “thực hành biết ơn”. Qua việc thực hành lòng biết ơn, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình, từ đó nắm được thế chủ động trong việc kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu được rằng việc thực hành biết ơn không phải “liều thuốc tiên”. Chúng ta không thể hy vọng rằng thực hành một ngày một bữa có thể cho ra kết quả lập tức, quá trình này đòi hỏi sự rèn luyện đều đặn, từng bước một mỗi ngày mới có thể đem lại kết quả lâu dài, bền vững cho tinh thần.
[1] Positive psychology: The Neuroscience of Gratitude and Effects on the Brain
Bình luận (0)