29/12/2023
Khoa học nói gì về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc? Cùng nghe các chuyên gia tiết lộ về chủ đề này.
Ý chính trong bài:
Có rất nhiều nhà xã hội học, tâm lý học và kinh tế học đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội mà mục tiêu hướng đến thường là địa vị kinh tế. Vì thế, việc tìm hiểu xem tiền có mang đến hạnh phúc hay không là một chủ đề khá thú vị.
Khi xem xét các nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, cần nhận định được những trường hợp ngoại lệ và tập trung tìm ra những quy luật chung thấy được ở các xã hội khác nhau. Hơn nữa, điều quan trọng là phải biết tiền bạc thường đóng vai trò gì trong việc đạt được sự hài lòng trong cuộc sống.
Những nghiên cứu thú vị nhất tập trung vào việc tìm ra sự khác biệt giữa việc có tiền chỉ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và việc có tiền như một lựa chọn để có được quyền lực trong xã hội. Đây là khoảng cách mà hầu hết các nghiên cứu giữa tiền bạc và hạnh phúc đều dựa vào.
Tiền bạc và hạnh phúc: những nhu cầu cơ bản
Giáo sư kinh tế học Richard Easterlin tại đại học Nam California (Mỹ) đã đưa ra một trong những lý thuyết đầu tiên về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc.
Giáo sư Easterlin nhận thấy rằng những quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn nhìn chung hạnh phúc hơn những quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Những người có đủ thu nhập để đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản có xu hướng hạnh phúc. Tuy nhiên, ông cũng phát hiện ra rằng khi thu nhập của một người vượt qua một mức nhất định thì cảm nhận hạnh phúc của họ không còn tỉ lệ thuận với số tiền mà họ kiếm được.
Chính xác thì “hạnh phúc” là gì?
Đối với các tác giả như Daniel Kahneman, hạnh phúc có thể được định nghĩa theo hướng “hạnh phúc về mặt cảm xúc” (emotional well-being) và “đánh giá tích cực về cuộc sống”. Theo đó, hạnh phúc về mặt cảm xúc được đánh giá theo những cảm xúc hàng ngày mà con người trải qua, chẳng hạn như vui, buồn, stress hay tức giận. Đánh giá mức độ sống hạnh phúc thì được dựa theo góc nhìn cá nhân của một người về cuộc sống của chính họ, khi họ tự chiêm nghiệm về bản thân mình.
Nhiều tiền hơn có thể mua được sự hài lòng trong cuộc sống nhưng không thể mua được hạnh phúc. Tuy nhiên, thu nhập thấp lại có sự tương quan với liên quan đến cả mức độ cảm nhận hạnh phúc kém và mức độ hài lòng về cuộc sống thấp.
Khi kiếm được nhiều tiền hơn, người ta có thể cảm thấy hài lòng hơn trong cuộc sống và ít cáu kỉnh đi, nhưng điều đó không có nghĩa là họ cảm thấy hạnh phúc.
Trên thực tế, sự an tâm khi được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của một người có liên quan nhiều đến nhân quyền hơn là khía cạnh hạnh phúc về mặt cảm xúc. Dĩ nhiên, nếu bạn không có những nhu cầu cơ bản như chỗ ở hoặc thức ăn thì sẽ vô cùng khó khăn để có được sự an lạc trong tâm hồn và từ đó có được cảm giác hạnh phúc nói chung.
Những nghiên cứu khác
Một nghiên cứu do Elizabeth W. Dunn, Lara B. Aknin và Michael I. Norton thực hiện xuất bản năm 2008 trên tạp chí Science, đã kết luận rằng tiền mua được hạnh phúc, nhưng chỉ khi nó được chi tiêu vì người khác. Trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra mối tương quan trực tiếp giữa số tiền mọi người chi để mua quà cho người khác và sự gia tăng cảm giác thành tựu của họ.
Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm đã khảo sát các nhân viên tại một công ty vừa nhận được tiền thưởng lợi nhuận. Phần tiền thưởng mà người lao động chi cho người khác dự đoán mức độ hạnh phúc của họ từ 6 đến 8 tuần sau đó. Mặt khác, phần tiền thưởng họ chi cho bản thân không tác động gì đến cảm giác hạnh phúc của họ.
Trong nghiên cứu thứ ba, nhóm nghiên cứu đưa cho những người tham gia từ 5 đến 20 đô la và hướng dẫn họ tiêu số tiền đó cho bản thân hoặc người khác. Sau đó, cảm giác về hạnh phúc của họ đã được mang đi đánh giá. Nghiên cứu cho thấy những người tiêu tiền cho người khác cảm thấy hạnh phúc hơn những người không làm như vậy.
Quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn tiêu như thế nào
Mặc dù các nhà nghiên cứu có thể đã xem xét câu hỏi lâu đời này từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều đồng ý rằng hạnh phúc không phụ thuộc quá nhiều vào số tiền chúng ta kiếm được mà phụ thuộc vào cách chúng ta chi tiêu số tiền đó.
Vậy, tiền có thể mua được hạnh phúc đúng không? Có lẽ thế, còn tùy thuộc vào cách chúng ta chi tiêu.
Ví dụ, bạn có thể nhận thấy rằng việc được tăng lương hoặc thưởng không khiến bạn hạnh phúc hơn về lâu dài. Cảm giác hưng phấn ban đầu nhanh chóng tan biến khi bạn đã quen với mức lương mới.
Hoặc, có lẽ bạn thấy rằng việc mua điện thoại thông minh mới hoặc thiết bị điện tử hiện đại nhất không ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc của bạn. Điều đó không có nghĩa là nó không mang lại niềm vui, chỉ là nó không liên quan gì đến cảm nhận hạnh phúc của bạn về lâu dài.
Tiêu tiền như thế nào sẽ hạnh phúc hơn?
Khoa học chỉ ra rằng có một số cách tiêu tiền đảm bảo mang lại niềm vui lâu dài hơn:
Mua thêm thời gian
Một nghiên cứu của UCLA thực hiện trên 4.400 người Mỹ cho thấy những người coi trọng thời gian hơn tiền bạc thường hạnh phúc hơn những người không tin rằng có nhiều thời gian thì tốt hơn là có nhiều tiền.
Hãy tưởng tượng bạn có thể thuê một trợ lý ảo để xử lý những công việc lặt vặt đang trói buộc bạn hoặc bất kỳ dịch vụ nào khác có thể cho bạn thêm thời gian. Khi đó, bạn có thời gian dành cho những việc thực sự quan trọng, như ở bên gia đình và bạn bè hoặc thậm chí chỉ là đi dạo với chú chó của bạn và ngắm hoàng hôn.
Dùng tiền để có trải nghiệm trong mơ
Mọi người lầm tưởng rằng việc mua những thứ tồn tại lâu hơn và thậm chí là có giá trị cao sẽ khiến họ hạnh phúc lâu hơn nhiều so với những trải nghiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn sẽ nhanh chóng quen với đôi giày phiên bản giới hạn mà bạn từng say mê. Mặc dù bạn có thể vẫn thích mang chúng, nhưng cảm giác hạnh phúc dâng trào ban đầu mà bạn trải qua trong vài tuần đầu tiên sẽ nhanh chóng phai nhạt.
Tuy nhiên, trải nghiệm tuyệt vời như kỳ nghỉ trên một hòn đảo xa lạ sẽ đọng lại trong ký ức của bạn suốt đời. Những khoảnh khắc đó sẽ luôn quay lại trong bạn như những làn sóng vui sướng. Quả thực, những trải nghiệm có thể chỉ thoáng qua nhưng niềm vui mà chúng mang lại sẽ tồn tại rất lâu. Chúng là những loại cảm giác và ký ức có thể khiến bạn vui lên khi bạn cảm thấy chán nản và thúc đẩy bạn tiếp tục tham gia những trải nghiệm tương tự.
Chi tiêu cho bạn bè và gia đình
Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi dành thời gian và tiền bạc cho những người thực sự quan trọng với bạn. Xét cho cùng, con người là giống loài có tính xã hội và việc có những mối quan hệ lành mạnh với người khác là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Chi tiền cho những trải nghiệm sẽ bổ ích hơn vì bạn thường chia sẻ những khoảng thời gian vui vẻ đó với người yêu, bạn bè hoặc gia đình. Thậm chí việc đi mua sắm cùng nhau thường thú vị hơn là đi mua sắm một mình.
Tại sao việc tiêu tiền cho người khác lại khiến chúng ta vui vẻ? Các nhà tâm lý học cho rằng đó là vì nó khiến chúng ta cảm thấy tốt về bản thân. Ta thấy hạnh phúc khi nhìn thấy hình ảnh biết yêu thương và hào phóng của bản thân lúc cho đi. Nó giúp chúng ta kết nối nhiều hơn với mọi người. Nhìn chung những người có các mối quan hệ xã hội bền chặt thường hạnh phúc hơn những người không có.
Ở một mức độ nhất định, tiền có mang lại cảm giác hạnh phúc. Khi vượt khỏi mức độ đó nhiều tiền hơn chưa chắc là hạnh phúc hơn. Dù sao đi nữa, nếu bạn biết chi tiêu một cách có ý thức và đúng đắn, tiền thực sự có thể mua được một mức độ hạnh phúc nhất định.
Tác giả: Tâm lý gia Cristina Roda Rivera
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Trần Lâm Thuý Vy
Biên tập: AGATE
Theo Exploring Your Mind
Bình luận (0)