11/03/2025

Tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời: Làm thế nào để vượt qua cảm giác trống rỗng

Tìm thấy ý nghĩa đích thực giữa những nghịch lý và bất định của cuộc đời.

Rate this post

Ý chính trong bài: 

Những người ta yêu thương, công việc ta theo đuổi, và những dấu hiệu về sự hiện diện của đấng tối cao – tất cả đều là nguồn cơn của những ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống chúng ta. Thế nhưng, bên dưới những nền tảng vững chắc ấy lại ẩn chứa một cảm giác trống rỗng yên ắng nhưng âm ỉ – một khoảng không hư vô phủ bóng mờ lên mọi việc ta làm. Đối mặt với sự trống rỗng này có thể giống như ta đang nhìn chằm chằm vào vực thẳm – một bóng tối bao la, vô tận, mang theo sức nặng của tuyệt vọng và cái chết không thể tránh khỏi. Cuộc chạm trán này có thể khiến ta choáng váng, quay cuồng. Làm thế nào để vượt qua ngã rẽ hiện sinh đầy thử thách ấy? Và ta cần làm gì để “hòa giải” với ngõ cụt đáng sợ này?

Trước những câu hỏi hóc búa như vậy, nhiều người trong chúng ta tìm đến sự an ủi của những hoạt động sống thường nhật. Những kỳ nghỉ, lễ lạt, mua sắm, sum họp gia đình, tôn giáo, và các mối quan hệ – tất cả đều là những cách tạm thời để ta xao lãng chính mình, giúp ta có những phút giây nghỉ ngơi tạm xa rời gánh nặng của những suy nghĩ mang tính hiện sinh. Tuy nhiên, những sự xao lãng ấy, dù dễ chịu nhưng có thể tạo ra nguy cơ trì hoãn một việc quan trọng hơn: đó là xem xét lại cuộc đời mình một cách thấu đáo. Vì chỉ khi làm như vậy, ta mới có thể khám phá ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn – một nguồn năng lượng vừa tự nhiên vừa tràn đầy sức sống – để tiếp thêm nhiên liệu cho hành trình phía trước.

Phần thưởng của việc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống vượt xa sự an yên về mặt cảm xúc và tinh thần nhất thời. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống và sự cải thiện sức khỏe thể chất. Một cuộc sống ý nghĩa thường gắn liền với tỷ lệ tử vong thấp hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp thấp hơn, tăng cường chức năng miễn dịch, giảm trầm cảm, và khả năng chống chọi, phục hồi sau bệnh tật tốt hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng sâu sắc của ý nghĩa cuộc sống, làm thế nào để ta có thể làm sâu sắc thêm nhận thức về mục đích sống này mà không sáo rỗng nhắc lại những sáo ngữ hời hợt về tình yêu và công việc?

Bỏ qua tính hữu lý

Việc cố gắng tìm ra ý nghĩa chỉ mang lại cái nhìn hời hợt về thế giới. Về bản chất, cuộc sống thường không tuân theo bất kỳ logic nào. Những câu chuyện chúng ta tự kể hiếm khi phản ánh đúng thực tế, bởi thực tế vốn là một chuỗi những sự kiện rời rạc, bất ngờ, thường thách thức khả năng lý giải của chúng ta.

Cứ khăng khăng tìm kiếm sự hợp lí, chúng ta có nguy cơ đơn giản hóa sự phức tạp của cuộc sống, bỏ qua sự phong phú đến từ những điều mơ hồ, mâu thuẫn và khó đoán. Việc chấp nhận sự thiếu chắc chắn này cho phép chúng ta vượt ra khỏi những hiểu biết hời hợt và mở lòng đón nhận những cách thức sâu sắc và chân thực hơn để gắn kết với cuộc sống.

Điều thú vị là phát hiện này cũng tương đồng với những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh, cho thấy trí thông minh của con người có liên quan chặt chẽ với entropy não (brain entropy) – thước đo khả năng tiếp cận các trạng thái thần kinh đa dạng của não bộ. Entropy não cao hơn, đặc biệt là ở các vùng như vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và thùy thái dương (temporal lobes), có liên quan đến khả năng trí tuệ vượt trội, vì nó cho phép tư duy linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Tương tự như vậy, việc chấp nhận “entropy” của cuộc sống – sự đa dạng và khó đoán của các trải nghiệm – có thể giúp ta kết nối sâu sắc hơn với thế giới. Giống như sự đa dạng của nơ-ron là tiền đề cho hoạt động nhận thức phức tạp, việc ta cởi mở với sự mơ hồ vốn có của cuộc sống có thể mở ra những cách hiểu và phát triển mới, đưa ta vượt ra khỏi những điều hời hợt để hướng tới một cuộc sống năng động và chân thực hơn.

Xem xét lại vai trò của câu hỏi trong cuộc sống

Từ trước đến nay, chúng ta thường coi câu hỏi là cánh cổng dẫn đến câu trả lời thỏa đáng, tin rằng sự thấu hiểu nằm ở phía bên kia của từ “tại sao” hay “như thế nào”. Chúng ta đặt ra những câu hỏi với mong muốn tìm thấy sự rõ ràng, giải pháp, hoặc sự an ủi. Khi câu trả lời phù hợp với chúng ta – có thể là trùng khớp với niềm tin sẵn có hoặc mang lại cảm giác trọn vẹn – chúng có thể tạo ra ảo tưởng về sự thỏa mãn. Tuy nhiên, sự thỏa mãn này thường mang tính đánh lừa, che đậy những điều không chắc chắn, phức tạp vẫn chưa được giải quyết.

Thực tế, câu trả lời có thể gò bó suy nghĩ của chúng ta, trói buộc ta vào một góc nhìn cố định. Tuy rằng nó có thể mang lại cảm giác an tâm nhưng lại hạn chế khả năng khám phá của chúng ta. Ngược lại, câu hỏi ẩn chứa tiềm năng thay đổi, không nằm ở những câu trả lời mà chúng khơi gợi, mà ở khả năng duy trì sự tò mò, gắn kết và cởi mở với những khả năng mới. Khi ta từ bỏ nhu cầu phải có được những câu trả lời rõ ràng, câu hỏi trở thành công cụ mạnh mẽ giúp ta phát triển, mời gọi ta dừng lại trong sự bất định và tiếp cận cuộc sống với tinh thần ham học hỏi thay vì kết luận vội vàng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chúng ta nhận được những câu trả lời không đầy đủ hoặc không thỏa đáng, não bộ sẽ tăng cường hoạt động, chẳng hạn như phản ứng P600, để khôi phục lại tính liên kết và tìm ra ý nghĩa từ sự mơ hồ. Điều này cho thấy bộ não có động lực bẩm sinh trong việc xử lý và xây dựng ý nghĩa, ngay cả khi đối mặt với thông tin không đầy đủ.

Bằng cách xem các câu hỏi như một lời mời gọi thay vì một đích đến, chúng ta chuyển từ việc tìm kiếm một đích đến sang một quá trình khám phá không ngừng. Theo cách này, giá trị thực sự của các câu hỏi không nằm ở câu trả lời mà nằm ở những cánh cửa mà các câu hỏi ấy mở ra, để dẫn đến những hiểu biết sâu sắc hơn và những cách nghĩ rộng mở hơn.

Đón nhận sự trừu tượng

Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thường đòi hỏi ta phải vượt ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc, tuyến tính và đón nhận sự mơ hồ, giống như nghệ thuật của Jean-Michel Basquiat. Sự kết hợp hỗn độn giữa các biểu tượng và câu chữ rời rạc trong tranh của ông sẽ gây khó cho những cách diễn giải theo nghĩa đen, mời gọi người xem tự mình cảm nhận và có những suy ngẫm sâu sắc hơn. Tương tự như vậy, ý nghĩa cuộc sống không hiện ra từ những câu trả lời đơn giản, mà nảy sinh từ việc ta vật lộn với những mâu thuẫn và phức tạp của nó. Sự trừu tượng khuyến khích chúng ta sống với sự cởi mở, đón nhận sự phức tạp theo cách riêng và khám phá ý nghĩa không phải như một đích đến, mà là một quá trình sáng tạo và diễn giải lại không ngừng. Bộ não của bạn được lập trình để làm việc với sự trừu tượng, vậy nên hãy tận dụng điều đó.

Cuối cùng, việc tìm kiếm ý nghĩa trong một cuộc sống đầy mơ hồ đòi hỏi ta phải chấp nhận sự bất định vốn có, đặt câu hỏi cho các giả định, và hướng tới sự trừu tượng – biến sự khó đoán của cuộc đời thành một quá trình khám phá và kết nối liên tục.

Tác giả: Srini Pillay M.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *