18/03/2024

Trị liệu là gì?

Khám phá những lợi ích, các phương pháp phù hợp và dấu hiệu cảnh báo để bước trên hành trình chăm sóc sức khỏe tâm lý cho chính mình.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: Freepik

Tâm lý trị liệu (Psychotherapy), hay còn được biết đến là trị liệu thông qua cuộc trò chuyện (talk therapy), thường đơn giản được gọi là “trị liệu”, là một hình thức điều trị nhằm giảm căng thẳng về mặt cảm xúc và xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trị liệu tâm lý cần được cung cấp bởi các chuyên gia đã qua đào tạo (sau đây sẽ gọi là nhà trị liệu hoặc nhà lâm sàng) – như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, chuyên viên công tác xã hội, hoặc nhà tham vấn được cấp phép – với mục tiêu cải thiện một số khía cạnh trong đời sống của người tham gia trị liệu (thường được gọi là “thân chủ”), trị liệu bao gồm quá trình đánh giá và tìm hiểu sâu về các lựa chọn trong cuộc sống và những thách thức mà cá nhân, cặp đôi hoặc gia đình đang đối mặt. Các buổi trị liệu là những cuộc trò chuyện có “khung” có rõ ràng, theo một hệ thống lý thuyết và quy tắc thực hành nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà trị liệu và thân chủ. Các hình thức và chiến lược trị liệu tâm lý vốn rất đa dạng tùy theo các nhà trị liệu và vấn đề, tình trạng của thân chủ. Điều tối quan trọng là thân chủ cần hợp tác với nhà trị liệu và tự nhận biết được những cải thiện và thay đổi tích cực qua thời gian.

Hầu hết các phương pháp trị liệu được sử dụng rộng rãi đều đã được kiểm chứng kỹ lưỡng và cho thấy hiệu quả. Mặc dù việc tìm đến trị liệu có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, nhưng lợi ích của việc trị liệu thành công là vô cùng to lớn.

Tôi có nên đi trị liệu không?

Hầu hết mọi người, cho dù đang đối mặt với thách thức cụ thể nào, đều có thể được hưởng lợi từ việc có một người quan sát khách quan lắng nghe và đưa ra hướng dẫn. Tuy nhiên, do chi phí điều trị và thời gian cần đầu tư, cũng như những định kiến về sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại – quyết định bắt đầu trị liệu không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Để xác định liệu tâm lý trị liệu có phải là lựa chọn phù hợp không, bạn có thể tự suy ngẫm xem bạn có thường xuyên cảm thấy buồn, lo lắng, cảm thấy choáng ngợp hay bực dọc. Trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ bạn về mặt tinh thần và cung cấp các công cụ, giúp bạn rèn luyện các kỹ năng quản lý sức khỏe tâm lý. Trị liệu tâm lý không chỉ có ích đối với những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ hay dai dẳng. Một số trường hợp khác có thể nhận được lợi ích to lớn từ trị liệu tâm lý: vật lộn với những thách thức trong mối quan hệ, cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp, dựa vào ma túy, rượu hoặc đồ ăn để đối phó với những sự kiện khó chịu hoặc cảm thấy mất kết nối với những người xung quanh.

Tôi có phải gặp một vấn đề cụ thể nào đó để bắt đầu trị liệu không?

Mọi người thường tìm đến trị liệu tâm lý để giải quyết vấn đề cụ thể mà họ đang phải đối mặt; và họ có thể chấm dứt quá trình trị liệu khi cảm thấy đủ sẵn sàng để tự mình đối mặt với những thách thức đó. Tuy nhiên, một số người tham gia trị liệu mà không có mục tiêu cụ thể, chỉ cảm nhận một sự mơ hồ rằng có điều gì đó “không ổn.” Cả hai đều là lý do hợp lý để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Loại trị liệu nào phù hợp với tôi?

Nhiều phương pháp trị liệu khác nhau đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến, và việc xác định phương pháp nào “tốt nhất” cho một cá nhân cụ thể thường phụ thuộc vào những vấn đề riêng của họ, mối liên kết mà họ có thể xây dựng với nhà trị liệu và xu hướng sở thích cá nhân. Đối với những thân chủ đến trị liệu với các vấn đề sức khỏe tâm thần cụ thể, chẳng như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), việc tìm kiếm một chuyên gia trị liệu chuyên sâu về lĩnh vực đó hoặc sử dụng phương pháp trị liệu được thiết kế riêng để điều trị các vấn đề này có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ với các vấn đề trong mối quan hệ hoặc gia đình có thể được hưởng lợi từ trị liệu hôn nhân và gia đình (marriage and family therapy), trị liệu cặp đôi (couples therapy) hoặc tham vấn cặp đôi (couples counseling). 

Những người đang tìm kiếm một lựa chọn trị liệu tiết kiệm chi phí, hoặc trị liệu có hiệu quả hơn khi họ tham gia cùng với những người có trải nghiệm tương tự, có thể cân nhắc đến tham vấn nhóm và trị liệu nhóm.  

Khám phá những lợi ích, các phương pháp phù hợp và dấu hiệu cảnh báo để bước trên hành trình chăm sóc sức khỏe tâm lý cho chính mình.
Nguồn: Freepik

Điều gì xảy ra trong buổi trị liệu đầu tiên?

Buổi trị liệu đầu tiên có thể gây lo lắng, và cảm giác hồi hộp hoặc không chắc chắn về những gì sắp xảy ra là hoàn toàn bình thường. May mắn thay, hầu hết các thân chủ đều nhận thấy buổi trị liệu đầu tiên diễn ra theo một trình tự có thể đoán được. Hầu hết các nhà trị liệu dành buổi đầu tiên để đặt những câu hỏi chung nhằm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của thân chủ, trải nghiệm trước đây của họ với trị liệu và những vấn đề họ mong muốn giải quyết. Thân chủ có thể băn khoăn về những gì họ nên và có thể chia sẻ trong buổi nói chuyện, nhưng thực tế là hầu như không có chủ đề nào bị cấm kỵ. Ngoài ra, các nhà trị liệu thường sẽ đề cập đến phương thức hoặc phong cách riêng của họ và cho bạn biết sơ lược về kế hoạch trị liệu. Nếu thân chủ có bất kỳ thắc mắc nào về quyền riêng tư và bảo mật, những vấn đề này cần được hỏi và giải đáp. Các vấn đề hành chính như xác minh bảo hiểm, cam kết, thỏa thuận bảo mật và trao đổi thông tin thanh toán cũng có thể diễn ra trong buổi đầu tiên.

Những dấu hiệu nguy hiểm của một nhà trị liệu không đủ chuyên môn hoặc thiếu đạo đức là gì?

Ngay cả những nhà trị liệu giỏi nhất cũng không hoàn hảo, những nhà trị liệu có đạo đức, làm việc hiệu quả vẫn có thể mắc sai lầm hoặc vô tình làm thân chủ khó chịu. Thậm chí, có một số nhà trị liệu không phù hợp với nghề này. Các dấu hiệu cảnh báo phổ biến của một nhà trị liệu kém hiệu quả bao gồm nói quá nhiều—đến mức thân chủ cảm thấy không thể nói về mối quan tâm của chính họ—hoặc chia sẻ những chi tiết không phù hợp về cuộc sống cá nhân. Những nhà trị liệu hay phán xét hoặc trịch thượng với thân chủ cũng có thể không phù hợp, cũng như những nhà trị liệu thường xuyên tỏ ra buồn chán hoặc mất tập trung.

Các nhà trị liệu thiếu đạo đức hiếm hơn nhiều so với những người không đủ chuyên môn hoặc làm việc kém hiệu quả, nhưng chắc chắn vẫn có. Một nhà lâm sàng thiếu đạo đức có thể có những hành động gợi tình hoặc lãng mạn đối với thân chủ, đe dọa hoặc tống tiền họ hoặc vi phạm các thỏa thuận bảo mật mà không có lý do chính đáng. Thân chủ nên báo cáo những trường hợp này cho các cấp quản lý có trách nhiệm và chấm dứt trị liệu càng sớm càng tốt. 

Biên dịch: Ôn Bích Ngọc – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *