19/05/2023

Tự chăm sóc bản thân (Self-care) là gì?

Nếu không phải là tiêu xài hoang phí hay nuông chiều bản thân, thì chăm sóc bản thân là gì?

Rate this post

Ý chính trong bài:

  • Tự chăm sóc bản thân có thể có nhiều hình thức, như chăm sóc về thể chất, cảm xúc và tâm hồn.
  • Chăm sóc bản thân có thể bao gồm từ những hoạt động cầu kì như ngâm nước nóng, tập yoga đến những hoạt động hàng ngày đơn giản như nấu những món bạn muốn hoặc mặc quần áo bạn thích.
  • Chăm sóc bản thân không phải là nuông chiều bản thân, mà là một khía cạnh quan trọng của việc duy trì sức khỏe đã được WHO công nhận.

“Hãy đối xử tốt với bản thân” là điều mà chúng ta vẫn thường hay nghe mọi người bảo nhau, nhưng đối xử tốt với bản thân hay chăm sóc bản thân là gì? Chắc chắn rằng đó không phải là sự phung phí tiền bạc không cần thiết. Nghiên cứu cho thấy, việc tự chăm sóc bản thân (self-care) sẽ tăng cường sức khỏe, khả năng ra quyết định và phát triển các thói quen tốt của bạn.

Tự chăm sóc bản thân là gì?

Trong nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều nỗ lực để định nghĩa tự chăm sóc bản thân (self-care) là gì. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa tự chăm sóc bản thân như sau:

“Khả năng của các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe và đối phó với bệnh tật, khuyết tật dù có hoặc không có sự hỗ trợ từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”

Theo WHO, việc chăm sóc bản thân ảnh hưởng đến các yếu tố thuộc về cá nhân như cảm thấy được trao quyền, bồi đắp khả năng tự lực tự chủ, niềm tin vào năng lực và trách nhiệm của bản thân. Hơn thế nữa, việc chăm sóc bản thân cũng có thể bao gồm các yếu tố từ phía cộng đồng, chẳng hạn như sự tham gia của cá nhân đó ở cộng đồng khu vực đang sinh sống, hay ảnh hưởng từ các giá trị văn hoá đặc thù tại địa phương.

Nguồn: Freepik

Về cảm xúc

Trọng tâm của việc chăm sóc bản thân là tăng cường sức khỏe và hạnh phúc. Tự chăm sóc cảm xúc tập trung vào việc đảm bảo các nhu cầu về cảm xúc của bạn được đáp ứng và bảo vệ.

Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2014 về chăm sóc bản thân giữa các y tá và bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ, một số phương pháp hiệu quả để tự chăm sóc cảm xúc mà họ đã thực hiện bao gồm:

  • Tập yoga
  • Mát-xa
  • Ngâm bồn nước ấm
  • Kết nối với bạn bè
  • Duy trì các mối quan hệ tích cực

Nhưng chăm sóc cảm xúc cũng có nghĩa là dành thời gian cho các hoạt động có giá trị và ý nghĩa đối với bạn. Có một sự thật đáng buồn là việc dành thời gian và công sức để theo đuổi, phát triển một sở thích hoặc một trò tiêu khiển nào đó thường bị đánh giá thấp hoặc bị xem là lãng phí thời gian. Thật ra, điều có khả năng hấp dẫn bạn thường ngày chính là điều có thể giữ bạn ổn định khi cuộc sống xuất hiện những khó khăn thử thách.

Dưới đây là một số ví dụ về các hoạt động giải trí bao gồm các hoạt động nhẹ nhàng, tỉ mỉ hoặc thể thao vận động mà bạn có thể duy trì như một cách chăm sóc cảm xúc:

  • Thêu thùa, làm đồ thủ công, trang sức
  • Giải câu đố, ô chữ, xếp hình
  • Mày mò máy móc
  • Đọc sách, tìm hiểu về các điểm du lịch, lên kế hoạch du lịch theo tháng/năm
  • Duy trì một chiếc blog về sở thích của mình
  • Chơi nhạc cụ (thậm chí là chơi piano, guitar trên máy tính)
  • Leo núi trong nhà, đi bơi, đi dạo, cầu lông… bất kỳ một hoạt động thể dục thể thao nào bạn thích

Về thể chất

Tự chăm sóc thể chất là một thuật ngữ rất rộng. Nó bao gồm cả những hoạt động cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày, mà chúng ta có xu hướng bỏ qua hoặc thực hiện hời hợt trong những giai đoạn gặp vấn đề về thể chất hoặc tâm lý. Chẳng hạn như:

  • Tắm rửa và mặc quần áo sạch
  • Chăm sóc da (skin care)
  • Vệ sinh răng miệng

Tự chăm sóc bản thân, theo WHO, cũng bao gồm các việc chúng ta làm để ngăn ngừa bệnh tật, như lựa chọn tự dùng thuốc, hay đi bác sĩ hoặc các chuyên gia về sức khoẻ khác khi cần thiết.

Các khía cạnh khác của việc chăm sóc thể chất bao gồm: 

  • Ăn uống đủ dinh dưỡng và cân bằng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Thực hành những biện pháp bảo vệ sức khoẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh như:
  • Tiêm các loại vắc-xin cần thiết (viêm gan B, HPV…)
  • Quan hệ tình dục lành mạnh (chỉ quan hệ khi đã sẵn sàng, sử dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh tình dục, không có cùng lúc hơn một bạn tình)
  • Dùng kem chống nắng
  • Tránh hút thuốc, đồ uống có cồn hay chất kích thích

Về tâm hồn

Chăm sóc tâm hồn bao gồm một số thực hành tập trung vào việc kết nối với con người bên trong của bạn, điều này có thể giúp bạn phát triển bản thân, cảm nhận sự bình yên và chỗ dựa tinh thần cho chính mình trong những lúc khó khăn.

Tự chăm sóc tinh thần liên quan đến việc đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về tâm hồn của bạn. Một vài các gợi ý để bạn chăm sóc tinh thần (áp dụng linh hoạt tùy theo niềm tin của bạn):

  • Ngồi thiền
  • Thăm viếng nơi thờ tự
  • Đọc các tài liệu về tâm linh hay tôn giáo
  • Cầu nguyện
  • Tham gia hoạt động cộng đồng
  • Tìm đến những hoạt động có thể mang lại sự yên bình và niềm vui

Điều gì không phải là chăm sóc bản thân?

Không nên xem việc chăm sóc bản thân là việc bạn chỉ làm nếu có thời gian. Việc tự chăm sóc bản thân cũng không phải là thứ chỉ nên là phần thưởng có thể đạt được sau khi hoàn thành các nhiệm vụ khác.

Tự chăm sóc bản thân, nếu được thực hành một cách phù hợp, cần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Củng cố sức khỏe cảm xúc, thể chất và tinh thần của bạn thông qua việc tự chăm sóc bản thân là nền tảng cho một sức khỏe toàn diện và hạnh phúc lâu dài.

Một bài báo khoa học năm 2009 chia sẻ rằng, chăm sóc bản thân không phải là sự nuông chiều bản thân. Thay vào đó, nó là một thành phần thiết yếu của việc phòng ngừa đau khổ, kiệt sức và suy yếu. Không nên coi việc chăm sóc bản thân là một việc gì đó ‘có thời gian làm thì tốt, không có cũng không sao’.

Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ; nó càng không không phải là một sự lãng phí thời gian.

Nguồn: pexels

Một số gợi ý để bạn thực hành tự chăm sóc bản thân

Bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi mới học cách tự chăm sóc bản thân. Có thể bạn chưa biết phương pháp chăm sóc bản thân nào sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho bạn hoặc bạn nên tập trung vào lĩnh vực nào trong cuộc sống.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết.

Nhiều nghiên cứu, chẳng hạn như một nghiên cứu từ năm 2017 đã phân tích và giải thích giá trị của việc cầm bút đối với sức khỏe tinh thần. Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng, viết ra những suy nghĩ của bạn có thể:

  • Được sử dụng như một công cụ trị liệu để có cái nhìn sâu sắc về bản thân và những người khác
  • Là một thú vui lành mạnh
  • Là một cách để hiểu bản thân và cải thiện sức khỏe

Cheryl Richardson, tác giả của cuốn sách “The Art of Extreme Self-Care: Transform Your Life One Month at a Time” (Tạm dịch: Nghệ thuật chăm sóc bản thân đỉnh cao: Thay đổi cuộc sống của bạn mỗi tháng một lần), khuyên rằng: cách tốt nhất để bắt đầu thực hành chăm sóc bản thân là xác định điểm mà bạn cảm thấy thiếu thốn nhất trong cuộc sống của mình.

Richardson khuyên rằng bạn nên tự vấn bằng những câu hỏi sau:

  • Tôi chưa hài lòng về bản thân ở khía cạnh nào?
  • Tôi cần thêm điều gì ngay bây giờ?
  • Tôi cần giảm bớt điều gì?
  • Tôi muốn gì ngay lúc này?
  • Tôi đang khát khao điều gì?
  • Ai hoặc điều gì đang khiến tôi cảm thấy bực bội? Tại sao?
  • Tôi cảm thấy khao khát mãnh liệt điều gì?

Richardson đề xuất bạn nên cụ thể trong các câu trả lời của mình. Thay vì viết rằng bạn cảm thấy bạn không có thời gian cho bản thân, bạn có thể viết bạn cảm thấy thiếu đi thời gian riêng tư cho bản thân mà không bị can thiệp bởi gia đình. Khoảng thời gian này sẽ cho phép bạn làm điều gì đó chỉ dành riêng cho mình, như mua sắm cho bản thân, đọc sách hoặc gặp gỡ bạn bè.

Việc cụ thể sẽ giúp bạn xác định những gì bạn đang thiếu và những gì bạn cần.

Richardson cũng đề xuất tạo ra một danh sách “Những điều Không làm”. Bà khẳng định, biết điều gì bạn không muốn làm cũng quan trọng như biết điều gì bạn muốn làm. Ví dụ một vài điều mà có thể bạn vẫn luôn thấy khó chịu khi làm và muốn từ bỏ chúng:

  • Không buôn chuyện nói xấu người khác
  • Không vội vàng, hấp tấp
  • Không giữ lại những thứ bạn không thích hoặc không cần thiết

Danh sách trên giúp bạn nhận rõ những điều mà bản thân sẽ từ chối thỏa hiệp trong những tình huống của cuộc sống. Có một danh sách như vậy có thể giúp bạn cảm thấy được bảo vệ và an toàn, giúp bạn tự do chăm sóc bản thân.

Thời điểm phù hợp để chăm sóc bản thân

Không có công thức bí mật cho thời điểm tốt nhất trong ngày để chăm sóc bản thân. Lời khuyên phù hợp nhất là cố gắng dành thời gian chăm sóc bản thân vào cùng một khoảng thời gian nhất định để hình thành thói quen.

Một nghiên cứu vào năm 2020 phát hiện ra rằng khi muốn thêm một thói quen mới vào chuỗi các hoạt động thường ngày, người ta thường thấy thói quen mới này được hình thành dễ dàng hơn vào buổi sáng, vào chuỗi hoạt động bắt đầu ngày mới, so với việc thêm nó vào các thời điểm khác trong ngày.

Ngược lại, với các hoạt động phản tư (self-reflection) như thực hành chánh niệm (mindfulness), suy ngẫm và viết nhật ký, khoảng thời gian cuối ngày (sớm hay trễ tùy theo mỗi người) có thể là thời gian lý tưởng để bạn thêm vào “self-care menu” mà không phải cảm thấy như lại một “nhiệm vụ phải làm”.

Nguồn: Freepik

Có vẻ như đại dịch COVID-19 đã là một hồi chuông cảnh tỉnh để bắt đầu ưu tiên cho sức khỏe và hạnh phúc của mỗi cá nhân.

Một cuộc khảo sát của Harris vào tháng 06/2020, được thực hiện thay mặt cho Samueli Integrative Health Programs, chia sẻ rằng 80% người trưởng thành ở Mỹ nói rằng họ sẽ cố gắng tự chăm sóc bản thân thường xuyên hơn khi đại dịch kết thúc.

Cuộc thăm dò tương tự cho thấy:

  • 46% cho biết họ gặp khó khăn trong việc duy trì sức khỏe về thể chất, tinh thần và tâm hồn do đại dịch
  • 30% cho biết họ thiếu năng lượng
  • 29% cho biết họ gặp vấn đề về giấc ngủ (khó đi vào giấc, khó ngủ…)
  • 29% cho biết họ tập thể dục ít hơn
  • 64% cho biết họ ý thức về sức khỏe tinh thần của mình hơn bao giờ hết
  • 44% cho biết họ muốn có nhiều hỗ trợ hoặc chỉ dẫn hơn về cách thực hành chăm sóc bản thân

So với trước đại dịch, cuộc khảo sát phát hiện ra rằng một số người đã thực hành nhiều hoạt động chăm sóc bản thân hơn:

  • 35% tham gia nhiều hơn vào các hoạt động sáng tạo
  • 31% cầu nguyện nhiều hơn
  • 31% người cho biết họ có những cuộc trò chuyện có ý nghĩa hơn với gia đình, bạn bè
  • 25% cho biết họ dành nhiều thời gian ngoài trời hoặc ăn uống lành mạnh hơn

Tổng kết

Chăm sóc bản thân không hề là sự nuông chiều bản thân vô lý. WHO đã công nhận chăm sóc bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc. Chúng ta cần chăm sóc bản thân từ nhiều khía cạnh, bao gồm thể chất, cảm xúc và tinh thần/ tâm hồn. Chăm sóc bản thân có thể bao gồm những hoạt động như ngâm nước nóng, tập yoga, làm đồ gốm… đến những hoạt động thường nhật như nấu món ăn bạn thích và mặc những bộ đồ bạn muốn.

Việc bạn có thể làm ngay từ bây giờ là thiết kế việc chăm sóc bản thân phù hợp với nhu cầu của bạn, khả năng tài chính trong giai đoạn khác nhau trong cuộc sống để đảm bảo sự khỏe toàn diện, từ trong ra ngoài. Từ từ thực hành và chắc chắn bạn sẽ dần cảm thấy nguồn năng lượng, niềm vui đến từ chính bên trong mình.

Tác giả: Elizabeth Pratt
Biên dịch: Bùi Hoàng
Biên tập: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Theo Psych Central

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *