22/08/2023
Được ôm lấy bởi những người thân thương là một cảm giác thực sự tuyệt vời. Nhưng, nếu bạn thực sự cần một cái ôm và chỉ có một mình, tại sao không thử tự ôm lấy chính mình?
Ý chính trong bài:
Tiếp xúc thân thể qua những cái ôm là một nhu cầu cơ bản và thiết yếu. Ôm làm tăng cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện khi được người khác quan tâm và dành tình cảm cho mình, nhất là những khi chúng ta cần được an ủi.
Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng thuận tiện để chúng ta được ai đó ôm vào lòng bất cứ khi nào chúng ta cần. Phải làm sao trong những lúc bạn đang rất cần sự vỗ về nhưng chỉ có một mình?
Đã từng có lúc, trong những đêm không thể nào ngủ được vì tổn thương và vụn vỡ, tôi vô thức ngồi bó gối vòng tay ôm mình trong góc tường. Lạ thay, tôi cảm thấy an toàn và bình tâm hơn sau những lần ngồi co ro trong tư thế đó. Đúng vậy, dù nghe có vẻ kỳ lạ và ngớ ngẩn nhưng quả thật là chúng ta có thể tự ôm lấy mình như thế. Tin tôi đi, bạn cũng có thể thử.
Vì sao chúng ta cần những cái ôm?
Ôm giúp xoa dịu những cơn đau
Trong một nghiên cứu từ năm 2011, người ta đã sử dụng tia laser để tạo ra cảm giác đau giống như kim châm ở 20 người tham gia nghiên cứu. Khi những người này khoanh tay (tương tự như cách bạn khoanh tay ôm lấy chính mình), họ nói rằng họ cảm thấy đỡ đau hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này liên quan đến sự nhầm lẫn trong não về nguồn gốc của cơn đau. Cơn đau xảy ra tại một vị trí, nhưng nếu bạn khoanh tay, não của bạn sẽ bị nhầm lẫn về vị trí của tín hiệu đau. Hơn nữa, trong khi bộ não hoạt động để giải quyết vấn đề này, khả năng xử lý các thông tin khác của nó bị suy giảm – bao gồm cả cường độ của cơn đau.
Giảm đau liên quan đến ôm cũng có thể có một lời giải thích khác. Một nghiên cứu năm 2015 đã chứng minh rằng não bộ tiết ra hormone oxytocin khi ta được ôm ấp vừa có tác dụng giảm đau trực tiếp, vừa giúp giảm độ nhạy cảm với cơn đau bằng cách giảm cảm giác lo lắng và sợ hãi.
Ôm đem lại cảm giác an toàn và vững chãi
Con người là sinh vật có bản chất xã hội, chính vì thế tương tác giữa con người với nhau là nhu cầu nằm trong bản chất của chúng ta. Khi một người mà bạn quan tâm vòng tay ôm lấy bạn, bạn có thể cảm thấy được an ủi và bớt cô đơn hơn.
Tự ôm lấy mình cũng có thể tạo ra những cảm giác tương tự. Hãy áp dụng điều đó như một cách để tự an ủi, vỗ về bản thân trong khi chờ ai đó làm cho bạn.
Ôm giúp cải thiện tâm trạng
Chạm, thậm chí là tự chạm vào chính mình giúp chúng ta thư giãn vì nó làm giảm mức cortisol (hormone gây stress) trong cơ thể. Một cái ôm chắc chắn sẽ không giải quyết hoàn toàn vấn đề của bạn, nhưng nó có thể giúp bạn giảm bớt stress và áp lực tức thì.
Vì vậy, lần tới khi bạn cảm thấy cáu kỉnh hoặc kiệt sức, hãy dành thời gian cho mình một cái ôm đủ lâu để cảm thấy phấn chấn hơn.
Tự ôm lấy mình nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn
Giống như những cái chạm, lòng tự trắc ẩn có thể làm giảm mức cortisol và cải thiện sức khỏe tổng thể. Vậy làm thế nào để tăng khả năng tự trắc ẩn? Tự ôm chính mình là một gợi ý.
Theo nhà nghiên cứu hàng đầu về lòng trắc ẩn tiến sĩ Kristin Neff, hành động ôm, vuốt ve và an ủi cơ thể về mặt thể lý sẽ làm tăng cảm giác yêu thương và dịu dàng đối với bản thân. Thực hành sự tử tế với chính mình giúp bạn dễ dàng chấp nhận con người thật của chính mình và xoa dịu bản thân sau những khó khăn hoặc sai lầm. Từ đó giúp cải thiện cách nhìn nhận cuộc sống.
Tự ôm lấy mình như thế nào?
Tự ôm lấy mình tuy nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng nó thực sự khá đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể ôm mình giống như khi ôm người khác. Nhưng nếu bạn muốn hình dung rõ ràng hơn, hãy làm theo gợi ý dưới đây:
Tự động viên bản thân giúp những cái ôm hữu hiệu hơn
Lòng tự trắc ẩn sẽ ngày càng được củng cố khi bạn không chỉ thực hiện qua hành động mà còn qua những lời nói tử tế bạn dành cho chính mình. Vì thế, hãy tập trung vào những suy nghĩ tích cực, yêu thương khi đang tự ôm mình.
Nếu bạn đang bỡ ngỡ với việc tự động viên, hãy tưởng tượng những gì một người thân yêu có thể nói khi ôm bạn:
“Từ từ thôi, rồi sẽ làm được mà.”
“Rồi chuyện sẽ ổn thôi.”
“Làm được đến đây là rất tốt rồi.”
“Mày thật rất sự giỏi.”
“Mày thật mạnh mẽ.”
“Dù gì cũng đã cố gắng hết sức rồi.”
“Thương.”
Tập thói quen nói lời yêu thương với chính mình có thể làm tăng cảm giác về giá trị bản thân và sự tự tin, đồng thời thúc đẩy sự tích cực và sức mạnh bên trong.
Điều quan trọng là đừng để những lời phán xét hoặc chỉ trích tiêu cực len lỏi vào. Hãy dành dù chỉ một vài phút để yêu thương chính mình vô điều kiện.
Tập yêu chính mình theo những cách khác
Tự ôm lấy mình không phải là cách duy nhất giúp bạn thể hiện tình cảm với bản thân. Các bài tập yêu bản thân dưới đây có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn và tăng cường cảm giác lạc quan và tích cực.
Thực hành mindfulness
Mindfulness có thể giúp giảm stress, cải thiện giấc ngủ và tăng cường cảm xúc tích cực đối với người khác cũng như chính bạn. Nó cũng giúp nâng cao nhận thức của bạn về tâm trạng, suy nghĩ và những điều xảy ra xung quanh chính mình.
Bạn có thể thử phương pháp “thiền tâm từ” để gửi tình yêu thương đến bản thân hoặc bất kỳ ai khác trong cuộc sống của bạn.
Kết nối với thiên nhiên
Nghiên cứu cho thấy dành khoảng 2 giờ mỗi tuần kết nối cùng thiên nhiên có thể giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe của bạn.
Hãy dành thời gian làm vườn hoặc đi dạo ở một công viên, bãi biển, khu rừng hoặc bờ sông. Vì bạn biết không, hơi ấm của mặt trời đôi khi cũng giống như một cái ôm.
Thưởng cho bản thân những bữa ăn yêu thích
Thưởng thức những món ăn yêu thích của bạn cũng có thể giúp kích hoạt sản xuất oxytocin, giúp cảm giác yêu bản thân nảy nở.
Nấu một món ăn yêu thích hoặc chuẩn bị một món gì đó hoàn toàn mới cũng có thể giúp bạn lấp đầy thời gian rảnh rỗi và đánh lạc hướng bạn khỏi những suy nghĩ không mong muốn khi cảm thấy buồn.
Khi bữa ăn của bạn đã sẵn sàng, hãy thực hành ăn trong trong tỉnh thức (ăn một cách chú tâm và trọn vẹn) để thưởng thức một cách trọn vẹn.
Sống có chủ đích
Đặt mục tiêu có thể giúp bạn rèn luyện lòng yêu bản thân vì chúng nâng cao ý thức về mục đích sống của bạn và giúp bạn sống tỉnh thức hơn.
Thay vì một mục tiêu xa vời, bạn có thể đưa ra những ý định cụ thể hơn cho cuộc sống hằng ngày và làm theo quyết định này, chẳng hạn như:
Hôm nay của bạn thế nào? Nếu bạn đã có một ngày dài đầy mệt nhoài, đừng do dự, hãy vòng tay tự ôm lấy và vỗ về chính mình: “Vất vả rồi! Ngày mai sẽ lại là một ngày trời trong xanh nhé!”
Bình luận (0)