Dù muốn hay không, bên cạnh các nhóm bạn bè lành mạnh, các nhóm bè phái vẫn tồn tại trong môi trường học đường.
Để tránh bị ảnh hưởng bởi các bè phái, bạn cần hiểu bản chất của bè phái và trang bị cho mình một số cách ứng phó dưới đây.
Quãng đời học sinh có thể “dễ thở” hơn nhiều khi bạn thuộc về một nhóm bạn cụ thể. Các nhóm bạn thường được hình thành khá đơn giản và không ngại chào đón thành viên mới. Nhưng các bè phái thì không như thế, các nhóm bè phái thường thể hiện rõ rằng không phải ai cũng “xứng đáng” là một phần của nhóm.
Các nhóm bè phái này thường cũng tan rã dần cho đến khi kết thúc trung học. Nhưng từ giờ đến đó, làm thế nào để các bạn học sinh đối phó với tình trạng này?
Nhóm bạn và nhóm bè phái khác nhau như thế nào?
Nhóm bạn khác với các bè phái ở một số điểm quan trọng:
Các nhóm bạn hình thành dựa trên việc có chung sở thích, cùng chơi thể thao, cùng tham gia các hoạt động, cùng lớp, chung xóm hoặc thậm chí là các gia đình có quen biết nhau từ trước. Các thành viên có thể tự do giao lưu và đi chơi với những người khác mà không lo bị loại ra khỏi nhóm. Bạn bè có thể không làm mọi việc cùng nhau – và điều đó không sao cả.
Nhóm bè phái đôi khi hình thành xung quanh những sở thích chung, nhưng thường tập trung nhiều vào địa vị hoặc sự nổi tiếng. Các bè phái thường được kiểm soát chặt chẽ bởi những leader (người đứng đầu), những người quyết định ai “vào” và ai “ra”. Những người trong nhóm làm hầu hết mọi việc cùng nhau. Ai đó có bạn ngoài nhóm có thể đối mặt với sự từ chối hoặc chế giễu.
Làm sao để ứng phó với bè phái?
Cho dù bạn có thuộc về một nhóm bè phái hay không, những nhóm này vẫn có thể ảnh hưởng đến bạn rất nhiều. Nhưng có nhiều cách để giúp bạn ứng phó với nó:
Hiểu rõ bản thân – và hình ảnh của bạn trong mắt người khác. Nếu bạn đang ở trong một nhóm, hãy tự hỏi: bạn là một thành viên của nhóm vì bạn cảm thấy sự phù hợp, các bạn đang có cùng một hệ giá trị, hay chỉ vì bạn muốn cảm thấy được chấp nhận? Liệu nhóm bạn đó có biến bạn trở thành một người mà bạn không thích? Khi bạn kết bạn với ai đó, mọi người nghĩ về bạn theo cách tốt hay xấu? Điều này khiến bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có tự hào về cách bạn và bạn bè của mình đối xử với người khác không?
Tham gia vào các hoạt động khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân. Đừng để bất kỳ nhóm nào gây áp lực buộc bạn phải từ bỏ những thứ bạn yêu thích, hoặc dành thời gian và tiền bạc cho những thứ không quan trọng đối với bạn. Tìm kiếm các giá trị và cảm giác được thuộc về bằng cách tham gia vào những hoạt động mà bạn quan tâm như thể thao, âm nhạc, câu lạc bộ học thuật, nghệ thuật hoặc sân khấu. Bạn cũng có thể làm tình nguyện bên ngoài trường học, những nơi chăm sóc động vật bị bỏ rơi, bệnh viện, viện dưỡng lão và vườn cộng đồng.
Giữ cho vòng kết nối xã hội của bạn cởi mở và đa dạng. Gắn bó với một nhóm bạn có thể khiến bạn bị giới hạn bản thân. Kết bạn với những người bạn thích ở những nơi chốn, hoàn cảnh và sở thích khác nhau. Bạn sẽ học được nhiều điều hơn về người khác. Hãy tìm những người có những giá trị, mục tiêu và hành vi phù hợp với bạn. Sự hỗ trợ của những người bạn tốt có thể tiếp thêm động lực cho bạn khi bạn cảm thấy chán nản.
Hãy đứng lên vì chính mình và những người khác. Hãy để ý đến người khác một cách chân thành và đừng nhượng bộ trước áp lực tiêu cực của bạn bè. Bạn không cần phải làm theo điều gì đó mà bạn cảm thấy không ổn – ngay cả khi những người khác đang làm điều đó. Những người bạn thực sự không áp đặt hay đòi hỏi. Họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của bạn.
Hãy lên tiếng. Nếu bạn hoặc người mà bạn quen biết đang bị bắt nạt (ngoài đời hay trên mạng), hãy nói với bố mẹ, chuyên viên tâm lý học đường hoặc giáo viên. Đừng dành quá nhiều thời gian với những người xấu tính hoặc buôn chuyện sau lưng người khác. Khi bạn nhận thấy những hành vi này, hãy lên tiếng.
Chú ý những nội dung mà bạn đăng lên mạng. Hãy cẩn thận với các nhóm và bè phái sử dụng các trang mạng xã hội. Nhiều nhóm riêng tư có thể được tạo ra chỉ để rủ nhau họp mặt kết nối, nhưng cũng có những nhóm vốn dành để đăng những nội dung và bình luận ác ý. Những kẻ bắt nạt thậm chí có thể lấy thông tin của bạn để tạo tài khoản ảo, nên hãy luôn bảo mật thông tin cá nhân.
Những điều khác bạn cần biết về bè phái?
Đôi khi ngay cả các thành viên trong các phe phái cũng muốn rời đi. Họ có thể không thích bị gò bó trong các quy tắc, loại bỏ ai đó ra khỏi nhóm, hoặc làm tổn thương cảm xúc của mọi người.
Thay vì tập trung vào nhóm xã hội mà bạn tham gia, hãy cố gắng trở thành một người bạn tốt với mọi người. Điều này có nghĩa là dành cho mọi người sự tôn trọng, quan tâm, trung thực và tử tế. Bạn muốn có một người bạn như thế nào hãy trở thành một người như vậy, và sống đúng với con người thật của mình.
Theo TeensHealth Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Đặng Thị Thanh Tâm Biên tập: AGATE
Bình luận (0)