06/11/2024
Tình yêu đích thực không chỉ là cảm xúc ban đầu, tình yêu thực sự vượt lên trên những thói quen và khó khăn thường nhật nhất.
Ý chính trong bài:
Yêu thì dễ, giữ được tình yêu mới khó. Những hormone và chất dẫn truyền thần kinh mạnh mẽ chính là “thủ phạm” khiến chúng ta yêu say đắm ai đó, chúng khơi dậy trong ta những ham muốn yêu đương, khiến ta thèm muốn trao yêu thương cho ai đó mà không mảy may phòng bị. Dù tình yêu thời nay có lắm chông gai, nhưng con người ta vẫn luôn khao khát được yêu thương.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính những yếu tố sinh học tạo nên sự gắn kết ban đầu lại có thể trở thành rào cản cho hạnh phúc lâu dài của các cặp đôi. Có lẽ bởi trước đây, khi con người còn sống theo bầy đàn, sự gắn kết với cộng đồng mới là ưu tiên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào một người bạn đời. Trong môi trường đó, sự tồn tại phụ thuộc vào việc kết nối cộng đồng, chứ không phụ thuộc vào một mối quan hệ thân mật riêng lẻ. Mục đích duy nhất của việc kết đôi khi đó là duy trì nòi giống, không phải để cùng nhau xây dựng một cuộc sống chung như chúng ta mong muốn ngày nay.
Hơn nữa, những cảm xúc thường được khơi dậy bởi sự thay đổi, có thể là từ môi trường xung quanh hoặc từ chính những suy nghĩ, tưởng tượng, cảm nhận bên trong ta. Khi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại, tức khi mọi thứ quá quen thuộc thì cảm xúc cũng trở nên nhạt phai. Giống như khi gặp chuyện không may, ban đầu thì thấy rất khổ sở, nhưng rồi ta cũng quen dần, và bắt đầu chịu đựng được. Đó cũng chính là cách mà niềm vui vận hành, khi niềm vui cứ lặp đi lặp lại, dần dần niềm vui ấy cũng trở nên nhàm chán.
Tất nhiên, yếu tố sinh học chỉ là một phần của câu chuyện. Những yếu tố xã hội và văn hóa mà trước đây từng giúp duy trì các mối quan hệ lâu dài, giờ đây lại trở thành rào cản. Ví dụ như, kết hôn vì tình yêu là điều tương đối mới mẻ với nhiều người thuộc thế hệ cũ. Cho đến vài trăm năm trước, hôn nhân hoàn toàn là một sự sắp đặt về mặt chính trị, xã hội hoặc đơn giản là được “cha mẹ vun vén”. Trước đây, thường thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bạn sẽ phải kết hôn với một người mà bạn hầu như không quen biết. Thậm chí có khi đến tận ngày cưới bạn mới được nhìn thấy mặt người bạn đời của mình. (“Vén màn khăn voan” thường là lần đầu tiên cô dâu chú rể được nhìn thấy mặt nhau. Nhiều người vẫn giữ phong tục này, kèm theo đó là kiêng không cho chú rể nhìn thấy cô dâu trước ngày cưới, ngay cả khi họ đã sống chung với nhau nhiều năm.) Vì vậy, thời xưa, hai người đến với nhau trong trạng thái chẳng có mấy quan tâm, tin tưởng, thấu hiểu hay thương yêu gì dành cho nhau. Nhưng họ vẫn đồng ý kết hôn và cùng nhau xây dựng cuộc sống. Cũng chính vì khởi đầu tình cảm có phần nhạt nhòa như thế, nên mối quan hệ của họ chỉ có thể ngày càng khăng khít hơn mà thôi.
Ngược lại với ngày xưa, tình yêu thời nay thường bắt đầu bằng những cảm xúc mãnh liệt, sự tin tưởng, lòng trắc ẩn và yêu thương dạt dào. Nhưng để duy trì những cảm xúc mãnh liệt ấy, chúng ta cần phải dành rất nhiều thời gian và tâm sức, mà điều này thì khó ai làm được lâu dài. Khi ngay từ đầu, cảm xúc yêu đương đã ở trên đỉnh điểm thì lâu dần, những cảm xúc ấy khả năng cao chỉ có thể nhạt nhoà đi mà thôi.
Khi tình cảm giữa hai người nhạt phai, các cặp đôi hiện đại thường bắt đầu cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và lo lắng. Việc không còn say mê nhau như lúc ban đầu thường là cơn khủng hoảng đầu tiên trong các mối quan hệ yêu đương, thường xảy ra vào khoảng năm thứ hai chung sống. Nếu các cặp đôi không vượt qua được cuộc khủng hoảng này một cách trưởng thành và tỉnh táo, những cảm xúc tội lỗi, xấu hổ và lo lắng sẽ dần biến thành oán giận, tức giận, và cuối cùng là khinh thường, ghê tởm.
Các mối quan hệ tình cảm lâu dài ngày nay phải chịu áp lực rất lớn do sự mai một của kiểu gia đình nhiều thế hệ. Cách đây không lâu, gia đình hạt nhân – chỉ có cha mẹ và con cái sống với nhau – là một điều hiếm thấy. Thông thường, ông bà, cô dì, chú bác sống chung dưới một mái nhà lớn. Nếu không ở chung, họ cũng sẽ ở ngay cạnh nhà hoặc chỉ cách nhau một con đường. Gia đình nhiều thế hệ mang đến cho các cặp vợ chồng sự hỗ trợ về mọi mặt, từ việc chăm sóc con cái đến sự hỗ trợ về tài chính. Không chỉ vậy, họ còn là chỗ dựa tinh thần, cùng vợ chồng san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên ngày nay, các cặp đôi phải tự đối mặt với mọi khó khăn, từ chuyện con cái, tiền bạc đến những vấn đề về tinh thần khác.
Thói quen vs. Tình yêu
Thói quen thường cản trở tình yêu. Não bộ ghép các phản xạ có điều kiện lại với nhau để tạo thành thói quen, tức là những hành vi ta hay làm một cách tự động mà không suy nghĩ. Phần lớn những gì ta làm đều theo thói quen. Đặc biệt, khi stress, thói quen sẽ chi phối hành vi của chúng ta, bởi lúc này ta không còn đủ tỉnh táo để đưa ra những quyết định sáng suốt. Chính vì thế, những công việc đòi hỏi khả năng chịu đựng áp lực cao như quân nhân hay kiểm soát viên không lưu đều phải trải qua khóa huấn luyện kỹ lưỡng để vượt qua sự chi phối của thói quen khi phải đối diện với stress.
Khi gặp khó khăn, não bộ thường có xu hướng quay về với những lề lối cũ, điều này gây nên sự cản trở lớn trong việc duy trì tình yêu, sự quan tâm, lòng trắc ẩn và niềm tin trong mối quan hệ. Hầu hết các phản ứng cảm xúc của chúng ta đã được điều kiện hóa và định hình thành thói quen từ khi ta còn nhỏ, trước cả lúc vùng não chịu trách nhiệm về lý trí và nhận thức (vỏ não trước trán) phát triển hoàn thiện. Nếu không có những hormone và chất dẫn truyền thần kinh của tình yêu “lấn át” những thói quen ấy (như khi ta mới yêu), chúng ta sẽ mắc mãi những sai lầm ích kỷ. Khi stress, chúng ta thường hành động theo bản năng hơn là lý trí, quên hết những bài học về tình yêu và cuộc sống mà ta đã từng học được.
Khi stress, nhiều người thường có những thói quen không hay như đổ lỗi, la hét, im lặng hoặc hạ thấp người mình yêu thương. Những hành động này thực ra đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp mà chúng ta vốn có. Để trốn tránh cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng sau khi cư xử không đúng mực, ta thường viện lý do để biện minh cho mình, thay vì cố gắng điều chỉnh những hành vi “trẻ con” ấy. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, những hành vi được biện minh thì rất dễ lặp lại. Và khi cả hai người trong một mối quan hệ cứ luôn tìm cách bao biện cho việc làm tổn thương lẫn nhau, thì tình cảm chỉ có thể rạn nứt dần theo thời gian.
Tình yêu đích thực – Soaring Love
Đây là loại tình yêu vượt lên trên những thói quen cảm xúc thông thường, giúp ta trở thành người đồng hành mạnh mẽ và tràn đầy tình yêu thương. Tình yêu ấy không phải là sự ràng buộc bởi những nhu cầu cảm xúc, mà là sự khao khát được sẻ chia, được đồng hành cùng nhau. Nó không phải là những đòi hỏi ích kỷ, mà là sự ủng hộ, chở che vô điều kiện. Nó không phải là cảm xúc nhất thời, mà là những giá trị bền vững theo thời gian.
Tình yêu đích thực vun đắp cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân và sự hòa hợp trong mối quan hệ, giống như cách các nhạc công hỗ trợ nhau trong một bản song tấu. Họ luyện tập với nhạc cụ của riêng mình để cùng nhau tạo nên một màn trình diễn hoàn hảo. Chỉ khi ấy, những giai điệu riêng lẻ mới hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản nhạc tuyệt vời hơn cả những gì họ có thể làm được khi một mình – đó chính là sự hòa hợp. Giữa những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, tình yêu đích thực vẫn vang lên một tiếng vọng nhẹ nhàng, nhắc nhở chúng ta về giá trị tình yêu thương.
Tác giả: Steven Stosny, Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)