29/12/2023
Cách để “detox” tâm trí, thúc đẩy tâm trạng và tăng cường sự tích cực trong cuộc sống của bạn.
Ý chính trong bài:
Khi cuộc sống vô cùng khó khăn và bận rộn, não bộ và cơ thể của bạn cần được nghỉ ngơi để thoát khỏi stress và căng thẳng. Thử để ý xem: Có phải tâm trí bạn thường lang thang “bất hợp tác” sau những giai đoạn tập trung cao độ? Có phải cơ thể bạn thường “đòi” “đình công”, ngồi xuống, nghỉ mệt hay đi ngủ sau những lúc hoạt động liên tục? Bạn cần được nghỉ ngơi.
Nhưng không chỉ là một sự nghỉ ngơi đơn thuần, bạn cần được sạc năng lượng bằng những trải nghiệm tích cực. Những trải nghiệm tích cực nuôi dưỡng khả năng phục hồi cho tâm trí và cơ thể, tăng cường nguồn lực mà bạn có thể tận dụng mỗi khi cảm thấy choáng ngợp, bị rơi vào trạng thái sinh tồn cũng như khi bạn đang cần nỗ lực vươn lên.
Con người có khuynh hướng thiên vị tiêu cực
Não bộ con người rất giỏi trong việc ghi nhớ những trải nghiệm và cảm xúc khó chịu. Khi bị tác động bởi những trải nghiệm này, não bộ kích hoạt cơ chế báo động, dẫn đến việc hình thành và củng cố đường dẫn truyền thần kinh tập trung vào những điều tiêu cực. Khuynh hướng này đã giúp con người sống sót qua nhiều niên đại, nhưng lại vô tình củng cố cho việc che mờ, ngó lơ hoặc bỏ qua những trải nghiệm và cảm xúc dễ chịu, những điều được xem là không quan trọng và vô hại. Kết quả của sự bỏ lơ này là sự thiếu hụt những đường dẫn truyền thần kinh tích cực.
Hãy nhớ lại khoảnh khắc khi được tán thưởng, có phải bạn thường bỏ qua, hoặc thậm chí phản đối ngay lập tức? Thay vì cảm kích, chân thành đón nhận và nói cảm ơn, bạn lại đáp lời như thế này: “Oh, không, bạn quá khen rồi”. Nhưng chỉ cần một người đưa ra lời phán xét, bạn dồn toàn bộ tâm trí vào những lời nói đó và bị chúng quấy nhiễu nhiều ngày sau đó. Điều đó cho thấy não bộ dễ dàng tiếp thu những điều tiêu cực và phủ nhận những điều tích cực. Thật không may là sự thiên vị này có thể dẫn đến tình trạng stress, trầm cảm, lo âu, giận dữ, bi quan và thù địch trường kỳ. Nếu bạn thường xuyên bị quá tải vì những lý do khác nhau trong cuộc sống, bạn sẽ càng dễ rơi vào trạng thái đau khổ này.
Đau khổ chắc chắn là một phần của cuộc sống nhưng bạn không cần phải chịu đựng những đau khổ kéo dài hoặc không cần thiết. Và để tránh điều đó, bạn cần nuôi dưỡng tâm trí bằng cách tìm kiếm và đón nhận những trải nghiệm tích cực. Để làm được điều này hiệu quả, hãy bắt đầu bằng cách cân bằng xu hướng tiêu cực của bộ não và chủ động tập trung vào những điều tích cực.
Cách để cân bằng xu hướng thiên vị tiêu cực
Mỗi khi có một trải nghiệm tích cực, bạn hãy chú tâm vào trải nghiệm đó, ở lại với nó và cảm nhận một cách trọn vẹn.
Chỉ cần dành 10 đến 15 giây chú ý, ở lại và đón nhận từng trải nghiệm tích cực đã có thể giúp não bộ dễ dàng xây dựng và củng cố những đường dẫn truyền thần kinh tích cực. Việc chuyển sự tập trung vào những điều tích cực thật sự thay đổi các kết nối thần kinh trong não. Những kết nối thần kinh tạo ra nội dung suy nghĩ và bằng cách điều chỉnh nội dung của suy nghĩ, bạn có thể thay đổi kết nối thần kinh. Và việc có thêm nhiều đường dẫn truyền thần kinh tích cực củng cố những đặc điểm và cảm xúc tích cực của bạn, góp phần gia tăng sức bật tinh thần (resilience) của bạn. Bằng việc “detox” tâm trí theo hướng tích cực, bạn sẽ dần được tận hưởng một cuộc sống tích cực hơn.
Cách để hình thành thói quen tập trung vào sự tích cực
Nhiều người cảm thấy việc tập trung vào điều tích cực là một thói quen khó hình thành. Bạn có thể cảm thấy điều này không quen thuộc hoặc bất thường, cần nhiều nỗ lực hoặc trông có vẻ tốn quá nhiều thời gian trong một thời đại bận rộn như ngày nay. Tất nhiên việc này có thể rất gian nan khi bạn đang quá tải. Nhưng khi có thể, hãy luyện tập khả năng ý thức về những suy nghĩ của mình và chuyển sự tập trung của bạn vào những điều tích cực. Dưới đây là một vài gợi ý đơn giản có thể giúp bạn bắt đầu thực hành thói quen này:
Giống như tất cả các phương pháp thực hành Mindfulness, việc đón nhận những trải nghiệm tích cực sẽ trở nên dễ dàng hơn thông qua luyện tập. Bạn chắc chắn sẽ làm được.
Tác giả: Deborah L. Davis Ph.D.
Biên dịch: Ngọc Trinh
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)