03/06/2025
“Để có được vị trí như ngày hôm nay, tôi đã đứng trên vai của những người khổng lồ” – Arnold Schwarzenegger.
Ý chính trong bài:
‘Tôi không phải là một người tự thân lập nghiệp. Tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ,’ Arnold Schwarzenegger đã viết trong lời tựa cho cuốn Tools of Titans: The Tactics, Routines, and Habits of Billionaires, Icons, and World-Class Performers (tạm dịch: Công Cụ Của Những Người Khổng Lồ: Chiến Thuật, Thói Quen, và Lề Thói của Các Tỷ Phú, Biểu Tượng, và Những Người Đẳng Cấp Thế Giới) của Tim Ferriss. Schwarzenegger viết tiếp:
‘Cũng như tất cả mọi người, để có được vị trí như ngày hôm nay, tôi đã đứng trên vai của những người khổng lồ. Cuộc đời tôi được xây dựng trên nền tảng từ cha mẹ, các huấn luyện viên và thầy cô; từ những người tốt bụng đã cho tôi mượn một chiếc ghế sofa hay một góc phòng tập để ngả lưng; từ những người cố vấn đã chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên; và từ những thần tượng đã truyền cảm hứng cho tôi qua từng trang tạp chí.’
Nghe có vẻ Arnold đã có một mạng lưới hỗ trợ toàn diện và ông đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người, thuộc mọi tầng lớp xã hội, theo nhiều cách khác nhau.
Để có được sự an ủi về mặt cảm xúc, lời khuyên chuyên môn hoặc thậm chí là hỗ trợ tài chính, các thành viên trong mạng lưới hỗ trợ luôn ở bên ta trong cả những lúc thăng trầm. Một mạng lưới hỗ trợ cân bằng thường bao gồm gia đình, bạn bè, người cố vấn, đồng nghiệp, cũng như các chuyên gia như nhà trị liệu hoặc nhà khai vấn. Thêm vào danh sách này những “mối quan hệ xã giao” – những người quen và những mối quan hệ không cần quá thân thiết – và bạn sẽ có một đội ngũ đa dạng, có thể giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh chóng hơn.
Bạn có biết cơ hội việc làm tiếp theo của bạn có thể đến từ đâu không? Theo giáo sư và nhà xã hội học Mark Granovetter của Đại học Stanford, hầu hết mọi người tìm được công việc mới thông qua những người quen sơ thay vì bạn bè thân thiết hay gia đình. Những người quen có khả năng kết nối bạn với những cơ hội mới cao hơn, đơn giản vì họ hoạt động trong các vòng kết nối xã hội khác, nghĩa là họ tiếp cận được với những thông tin và mạng lưới mà bạn không có.
Chúng ta thường sử dụng các thuật ngữ như ‘mạng lưới’, ‘kết nối’ và ‘mối quan hệ’ một cách khá thoải mái, nhưng có hẳn một ngành toán học mô tả chúng một cách chính xác như bản chất của chúng, đồng thời giúp ta trả lời các câu hỏi như: Mạng lưới của bạn mạnh đến mức nào? Và quan trọng hơn: Làm thế nào để bạn có thể cải thiện nó?
Cộng tác một cách hiệu quả hơn
Paul Erdős, một trong những nhà toán học có nhiều đóng góp nhất trong lịch sử, nổi tiếng với số lượng tài sản cá nhân ít ỏi có thể chứa gọn trong một chiếc vali. Ông thường đến nhà đồng nghiệp mà không báo trước, ở lại vài ngày để cùng họ giải quyết các bài toán, trước khi chuyển đến một điểm dừng chân tiếp theo.
Erdős đã xuất bản hơn 1.500 bài báo trong suốt cuộc đời của mình – nhiều hơn bất kỳ nhà toán học nào khác – và rất nhiều trong số đó là các công trình hợp tác. Nghiên cứu của ông về lý thuyết đồ thị ngẫu nhiên đã đặt nền móng cho việc hiểu được cách các mạng lưới phát triển, một nguyên tắc có thể được áp dụng cho các mạng lưới xã hội.
Chỉ số Erdős” là một cách thú vị để đo lường “khoảng cách hợp tác” trong cộng đồng toán học. Chính Paul Erdős có chỉ số Erdős bằng 0. Nếu bạn là đồng tác giả của một bài báo với Erdős, chỉ số Erdős của bạn là 1. Nếu bạn là đồng tác giả với một người có chỉ số Erdős là 1 (tức là đã cộng tác trực tiếp với Erdős), chỉ số của bạn là 2, và cứ tiếp tục như vậy. Chỉ số Erdős cho thấy sự kết nối rộng rãi giữa các nhà toán học. Điều này được minh chứng bằng việc, tính đến năm 2022, tất cả những người từng đoạt Huy chương Fields – giải thưởng thường được ví như “Giải Nobel Toán học” – đều có chỉ số Erdős hữu hạn (với giá trị trung bình chỉ là 3).
Cuối những năm 1960, nhà tâm lý học Stanley Milgram đã tiến hành một thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết “sáu bậc phân tách”. Ông yêu cầu những người tham gia gửi một lá thư cho một người lạ ở một nơi xa xôi, chỉ bằng cách chuyển lá thư qua những người quen. Kết quả cho thấy, phần lớn các bức thư đã đến được đích chỉ trong khoảng năm đến bảy bước (thường được làm tròn thành sáu). Thí nghiệm này cho thấy khoảng cách xã hội giữa hai cá nhân bất kỳ hóa ra lại gần hơn chúng ta tưởng.
Phát triển từ ý tưởng trên, Duncan Watts và Steven Strogatz đã mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự kết nối trong bài báo có sức ảnh hưởng lớn năm 1998 về “mạng lưới thế giới nhỏ”. Họ phát hiện ra rằng nhiều mạng lưới trong thế giới thực – từ mạng lưới xã hội đến mạng lưới thần kinh – đều thể hiện thuộc tính “thế giới nhỏ”: hầu hết các nút mạng đều có thể kết nối với nhau qua một số bước tương đối nhỏ. Watts từng nhận xét, thế giới vừa nhỏ bé, lại vừa có tính liên kết chặt chẽ; và sự kết hợp này đóng vai trò then chốt trong việc lý giải cách thức hoạt động của các mạng lưới trong thực tế.
Tận dụng các mối quan hệ của bạn
Mark Twain được cho là từng phát biểu như thế này: “Người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết chữ,”. Tương tự như vậy, việc sở hữu nhiều mối quan hệ xã hội không tự nhiên mang lại lợi ích; mạng lưới quan hệ của bạn chỉ thực sự có giá trị khi bạn chủ động và có khả năng khai thác nó.
Bước đầu tiên để xây dựng một mạng lưới quan hệ vững chắc, dĩ nhiên, là phải hiện diện. Một “nút thắt” hoàn toàn không có kết nối nào thì không thể được tiếp cận từ bất kỳ phần nào khác của mạng lưới. Vì vậy, tin không vui cho những người hướng nội là: bạn cần phải bắt đầu tạo dựng các mối quan hệ.
Các loại hình quan hệ bạn xây dựng cũng sẽ quyết định năng lực của mạng lưới hỗ trợ. Bạn bè thân thiết, đồng nghiệp và người cố vấn thường ở vị thế tốt hơn để đưa ra lời khuyên, vì họ hiểu rõ hoàn cảnh của bạn. Họ cũng có xu hướng sẵn lòng hỗ trợ bạn hơn. Mặt khác, việc kết nối với nhiều người nằm ngoài vòng quan hệ trực tiếp có thể mở ra những cơ hội mới, vô cùng hữu ích trong việc tìm kiếm việc làm, hợp tác kinh doanh hoặc thu nhận những kiến thức mới.
Nói một cách đơn giản, các nhạc sĩ jazz thường kết nối với nhau vì những lý do tương tự như việc các bậc cha mẹ mới tìm đến nhau – cả hai nhóm đều là nguồn chia sẻ kiến thức và hỗ trợ tuyệt vời. Trên thực tế, nếu bạn đang cố gắng học hỏi những kỹ năng mới hoặc trau dồi những kỹ năng hiện có, việc tìm đến các “trung tâm” (hub) kết nối thường là một cách tuyệt vời để bắt kịp xu hướng và phát triển.
Xây dựng mối quan hệ với các thành viên của những trung tâm này có thể thúc đẩy nhanh chóng nỗ lực kết nối của bạn. Hoặc – lý tưởng hơn – hãy định vị bản thân như một cầu nối giữa các nhóm liền kề, nơi mà các thành viên của nhóm này không biết đến những người ở nhóm kia. Điều này sẽ khiến bạn trở thành một mắt xích quan trọng trong dòng chảy thông tin và cơ hội. Việc trở thành “người gác cổng” đặc biệt hiệu quả trong các ngành mà sự hợp tác liên lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu.
Lý thuyết đồ thị là một công cụ hiệu quả để phân tích và tối ưu hóa các mạng lưới xã hội và nghề nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi không cần đến lý thuyết phức tạp, chúng ta vẫn thường có thể nhận diện được những cá nhân chủ chốt đóng vai trò quan trọng. Thêm vào đó, hiệu ứng “thế giới thu nhỏ” cho thấy rằng ngay cả những mối quan hệ tưởng chừng xa xôi cũng có thể chỉ cách nhau vài bước kết nối. Vì vậy, nếu bạn cần sự hỗ trợ để biến ước mơ thành hiện thực, hãy chủ động liên hệ với người có thể giới thiệu bạn cho người khác – bất kỳ sự giới thiệu nào cũng đều hữu ích.
Tác giả: Richard Dancsi
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)