11/02/2025
Nhiều người e ngại thể hiện “con người thật” của mình với bạn bè, nhưng nghiên cứu cho thấy đó lại là chìa khóa để vun đắp sự thân mật và gắn kết trong mối quan hệ.
Ý chính trong bài:
Sự gắn kết cộng đồng đang trở nên ngày càng phức tạp. Mặc dù sự kết nối trên không gian số đã đạt đến đỉnh điểm, song xã hội vẫn đang đối mặt với tình trạng cô đơn ở mức kỷ lục. Các chuẩn mực văn hóa mới xuất hiện đang tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng sự xa cách về mặt cảm xúc giữa con người. Để đảm bảo sức khỏe nói chung, việc vận dụng các nguyên tắc khoa học trong việc xây dựng đời sống cộng đồng ý nghĩa là vô cùng cần thiết.
1. Kết nối xã hội: một nhu cầu thiết yếu
Bạn có bao giờ ước rằng mình có thêm thời gian cho bạn bè? Nếu có, bạn không hề đơn độc. Các khảo sát cho thấy người Mỹ đang dành ít thời gian hơn cho bạn bè so với trước đây (trung bình chỉ còn ba giờ mỗi tuần!), và gần một nửa trong số họ mong muốn có nhiều thời gian hơn cho bạn bè. Xu hướng này có thể xuất phát từ lịch trình bận rộn, nhưng cũng có thể phản ánh sự thay đổi trong thứ tự ưu tiên của chúng ta.
Chúng ta có nhu cầu cơ bản về việc kết nối xã hội. Một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và trường thọ phụ thuộc vào việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, chúng ta thường xem việc kết nối xã hội là thứ gì đó xa xỉ, có thể bỏ qua. Thay vì xem đó là nhu cầu thiết yếu, chúng ta coi đó là một sự nuông chiều. Khi quỹ thời gian eo hẹp, các buổi tiệc tùng, hẹn hò và ăn sáng cùng bạn bè thường là những hoạt động bị cắt giảm đầu tiên.
Hướng tư duy này có thể tạo ra rào cản vô hình đối với việc kết nối xã hội mà chúng ta không nhận ra. Để vượt qua, chúng ta cần ghi nhớ rằng kết nối xã hội là một hành vi lành mạnh và cần thiết (tương đương với việc ngủ, rèn luyện sức khỏe và dinh dưỡng cân bằng), và nó cần được ưu tiên tương xứng. Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, việc đầu tư thời gian, năng lượng và nguồn lực vào các mối quan hệ là điều cần thiết.
2. Các chuẩn mực xã hội hiện đại cản trở kết nối
Chuẩn mực xã hội là những quy tắc bất thành văn về những hành vi được xem là “bình thường” hoặc được chấp nhận trong một bối cảnh nhất định. Tại Mỹ, các chuẩn mực xã hội thường thấy bao gồm bắt tay khi chào hỏi, sử dụng các từ ngữ lịch sự như “làm ơn (please)” và “cảm ơn”, tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Việc tuân thủ các chuẩn mực này giúp mọi người dự đoán được hành vi trong tương tác xã hội và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhau.
Tuy nhiên, có những chuẩn mực xã hội cần được xem xét lại. Hãy cùng nhìn vào một chuẩn mực tương đối mới: dùng điện thoại trong các cuộc gặp gỡ xã hội. Trong một khảo sát gần đây, gần 90% người trưởng thành ở Mỹ thừa nhận đã sử dụng điện thoại trong cuộc gặp gỡ gần nhất. Bạn có thể dễ dàng quan sát điều này tại hầu hết các nhà hàng, tiệc cưới hoặc các buổi tụ tập bạn bè.
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu khi ai đó liên tục nhìn vào điện thoại trong lúc bạn đang chia sẻ điều quan trọng? Hoặc tệ hơn, khi bạn đang nói chuyện mà họ lại trả lời tin nhắn của người khác? Điều đó thật sự khó chịu. Nghiên cứu cho thấy hành vi này có thể khiến chúng ta cảm thấy bị phớt lờ và xa cách. Nó cũng làm gia tăng mâu thuẫn và giảm sự hài lòng trong các mối quan hệ cặp đôi.
Đây chỉ là một ví dụ về việc các chuẩn mực xã hội gây cản trở cho sự kết nối. Những ví dụ khác chẳng hạn như khuynh hướng sống và làm việc độc lập hơn, xem sự bận rộn là thước đo thành công, khiến chúng ta không còn thời gian cho những kết nối tự nhiên. Ngoài ra, việc nuôi dạy con cái hiện đại đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức, buộc chúng ta phải hy sinh đời sống xã hội để tập trung vào các hoạt động của con.
Những khuôn mẫu này đang dần trở thành lẽ thường và nhiều người cảm thấy buộc phải tuân theo. Thậm chí chúng ta hành động theo những chuẩn mực này một cách vô thức. Nếu muốn xây dựng một cuộc sống kết nối hơn, chúng ta cần đặt câu hỏi và phản kháng lại một số chuẩn mực đang định hình thế giới xã hội hiện đại.
3. Những nhận định sai lầm về người khác
Bạn có bao giờ lo lắng về một sự cố trong lúc giao tiếp mà bạn nghĩ mình đã mắc phải, nhưng sau đó nhận ra không ai để ý hoặc quan tâm? Bạn có bao giờ cảm thấy bị phớt lờ khi bạn bè không trả lời tin nhắn, rồi sau đó biết rằng là do họ để quên điện thoại? Phần lớn chúng ta đều đã từng hiểu sai các tín hiệu xã hội. Việc thấu hiểu người khác không hề dễ dàng! Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ, nên chúng ta phải suy đoán về suy nghĩ, cảm xúc và ý định của người khác. Hàng thập kỷ nghiên cứu đã chứng minh những suy đoán này thường không chính xác.
Ví dụ, chúng ta thường không nhận ra rằng người khác cũng rất trân trọng những nỗ lực kết nối của mình. Điều này ngăn chúng ta bắt đầu những cuộc trò chuyện với người lạ, những người có thể trở thành bạn bè sau này, bày tỏ lòng biết ơn với những người mà chúng ta chưa từng cảm ơn đúng mực, hỗ trợ bạn bè đang gặp khó khăn và thực hiện những hành động tử tế ngẫu nhiên.
Một ví dụ khác: bạn có bao giờ nhớ lại một cuộc trò chuyện và cảm thấy khó chịu về điều mình đã nói? Chúng ta thường lo lắng về ấn tượng của mình, nhưng nỗi sợ này thường bị phóng đại. Nghiên cứu cho thấy, người khác thường thích chúng ta và hứng thú với những gì ta nói hơn là ta tưởng. Các nhà nghiên cứu gọi sự khác biệt này là “khoảng cách thiện cảm” (the liking gap).
Những nhận thức sai lệch về người khác có thể tạo ra rào cản cho kết nối xã hội. Rào cản này có thể được gỡ bỏ bằng cách xây dựng một cái nhìn lạc quan hơn. Hãy tin rằng mọi người sẽ quý mến bạn, trân trọng lòng biết ơn, sự hỗ trợ và lòng tốt của bạn. Rất có thể, điều đó sẽ trở thành sự thật. Trong những trường hợp hiếm hoi ngược lại, có lẽ vấn đề không nằm ở bạn.
4. Cơ hội kết nối hiện hữu xung quanh
Nhiều người lầm tưởng rằng kết bạn là điều “hên xui” hoặc phụ thuộc vào những đặc điểm nổi bật, như khiếu hài hước hay ngoại hình ưa nhìn. Những yếu tố này tuy có vai trò nhất định, nhưng nghiên cứu cho thấy sự gắn kết chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố đơn giản, đời thường hơn, chẳng hạn như tần suất gặp gỡ hay mức độ tương đồng. Việc xem nhẹ những yếu tố này có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội kết nối tiềm năng xung quanh.
Một trong những yếu tố thường bị bỏ qua nhất là sự gần gũi. Theo nhà tâm lý học xã hội Elliott Aronson, “những người gần gũi về mặt địa lý có xu hướng trở thành những người thân thiết nhất”. Sức mạnh của sự gần gũi rất dễ nhận thấy. Bạn càng gặp gỡ ai đó thường xuyên, bạn càng có nhiều cơ hội để tương tác, trò chuyện và khám phá những điểm chung. Sức mạnh này bắt nguồn từ một hiệu ứng tâm lý cơ bản: hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần. Nói một cách đơn giản, chúng ta càng tiếp xúc với điều gì, chúng ta càng có xu hướng yêu thích nó. Hiệu ứng này đúng với thực phẩm, nước hoa, âm nhạc và cả con người.
Hãy tận dụng hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần bằng cách đơn giản là: xuất hiện. Bật camera trong các cuộc họp trực tuyến, tương tác trên mạng xã hội hoặc đến phòng tập thay vì tập luyện tại nhà. Quan trọng hơn, hãy duy trì sự hiện diện thường xuyên. Bạn có thể thử đến phòng tập thể dục vào cùng một thời điểm mỗi ngày hoặc tham gia một lớp học cố định hàng tuần. Điều này tăng khả năng gặp gỡ những người quen thuộc. Dần dần, bạn sẽ nhận ra họ, và họ cũng sẽ nhận ra bạn, từ đó có thể phát triển những mối quan hệ mới.
Lời khuyên này đặc biệt hữu ích cho những người nhút nhát hoặc ít nói. Bạn không cần phải trở thành người hoạt ngôn hay nổi bật nhất, chỉ cần xuất hiện là đủ!
5. Mở lòng: Dám mạo hiểm để đổi lấy kết nối sâu sắc
Bạn cảm thấy thế nào về những cuộc trò chuyện đi sâu vào nội tâm? Những cuộc trò chuyện mà bạn chia sẻ những điểm yếu, bộc lộ cảm xúc thật hoặc hé lộ những khát khao thầm kín nhất? Bạn cảm thấy thế nào khi thể hiện “con người thật” của mình với bạn bè? Nghiên cứu cho thấy, nhiều người trong chúng ta e ngại những điều này, nhưng nó lại chính là chìa khóa để vun đắp sự thân mật và gắn kết.
Một nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt thú vị giữa những cuộc trò chuyện hời hợt và sâu sắc. Trong nghiên cứu này, người tham gia được yêu cầu trò chuyện với người lạ theo hai cách:
Kết quả cho thấy, người tham gia nghĩ rằng họ sẽ thích những cuộc trò chuyện hời hợt hơn. Nhưng thực tế, họ lại yêu thích những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Họ cảm thấy gần gũi với người đối diện hơn sau những chia sẻ mang tính cá nhân và sự ngượng ngùng cũng ít hơn nhiều so với những gì họ tưởng tượng. Khi quá thận trọng, e dè, lắm lúc ta đã bỏ lỡ những cơ hội kết nối ý nghĩa.
Tác giả: Natalie Kerr & Jaime Kurtz
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo the Next Big Idea
Bình luận (0)